Để Thu Lũm không xa!

- Thứ Năm, 07/01/2021, 06:39 - Chia sẻ
Trong khoảng thời gian ngắn, đây là lần thứ 5 tôi trở lại Mường Tè - huyện xa nhất của tỉnh Lai Châu, tới xã Thu Lũm. Ba lần tôi tham gia Đoàn công tác của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đến các xã Mù Cả, Pa Vệ Sủ và thị trấn Mường Tè và một lần đi thiện nguyện cùng bạn học thời chiến tranh ở Trường Nội trú số 1 Hà Nội (1965 - 1969). Mỗi chuyến đi luôn đầy ắp kỷ niệm đẹp về vùng đất phên dậu của quốc gia nơi núi rừng Tây Bắc thân thương.

Những ngày cuối năm 2020, khi không khí chuẩn bị chào đón năm mới 2021 và Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến rất gần, chúng tôi háo hức lên đường tới xã Thu Lũm, nơi có hơn 36km đường biên giới, rừng chiếm tới 80% diện tích tự nhiên. Đây cũng là nơi có hai dãy núi cao là Phu Mu Xu Càng 2.369m và Phu Là Phơ 2.244m, quê nhà của đại biểu Quốc hội 3 khóa liên tiếp (XII, XIII và XIV) Chu Lê Chinh mà anh em đại biểu đã nhiều lần hẹn nhau về. Hơn nữa, đây lại là nơi có Hòn đá trắng linh thiêng, được coi là cột mốc tự nhiên của biên giới, cách con đường tuần tra biên giới khoảng 20m và cách biên giới Việt - Trung khoảng 3m. Người Hà Nhì gọi Hòn đá trắng bằng cái tên gần gũi hơn: Ông già tóc trắng.

	Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chụp hình lưu niệm cùng thầy, cô giáo và học sinh Trường THCS dân tộc bán trú Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chụp hình lưu niệm cùng thầy, cô giáo và học sinh Trường THCS dân tộc bán trú Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu
Ảnh: Trung Thành

Theo quan niệm của người Hà Nhì, khối đá ấy được Giàng phái xuống giúp người Hà Nhì bảo vệ biên giới. Đại biểu Quốc hội Chu Lê Chinh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu cho biết, bà con Hà Nhì thường cúng Thần đá trắng vào ngày Dần, gắn với lễ cúng rừng, cúng bản. Hòn đá trắng là nơi hội tụ tâm linh được nhân dân khắp mọi miền biết đến. Cột mốc tự nhiên rất đặc biệt, như một bằng chứng khẳng định chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia bất khả xâm phạm, được quản lý, bảo vệ vững chắc cùng với sự trường tồn của non sông đất Việt, nơi vùng đất biên cương địa đầu Tổ quốc phía Tây Bắc có đồng bào dân tộc Hà Nhì định cư từ hàng nghìn năm trước.

100km từ thị trấn Mường Tè lên xã Thu Lũm là quốc lộ 4H đang được nâng cấp từ đường tới trung tâm xã nên khá khó đi. Đường nhỏ, mặt đường rất xấu, lại hiểm trở, quanh co khúc khuỷu, mây giăng mịt mù như câu thơ: Ka Lăng, Thu Lũm mây mù/ U Ma ngược dốc leo gù lưng tôm. Khoảng gần 20km từ xã lên Hòn đá trắng là đường tuần tra biên giới, vốn là đường bê tông, nay đã nứt gãy, trôi đi gần hết, chỉ còn nền đầy đá hộc. Xe cao cầu phải lò dò từng mét. Nhưng đi như vậy cũng chưa thấm đâu so với các đại biểu Quốc hội Khóa VIII, IX phải băng rừng, vượt suối 4 - 5 ngày mới tới điểm tiếp xúc cử tri.

Tôi rất ấn tượng khi thấy cán bộ xã và huyện ở đây đều rất trẻ, năng động, như anh Vàng A So, dân tộc La Hủ, sinh năm 1980, là Chủ tịch Mặt trận huyện; anh Tống Thanh Sơn, dân tộc Thái, sinh năm 1982, là Trưởng phòng Giáo dục huyện… Anh Lý Anh Hừ, dân tộc Hà Nhì, Bí thư huyện ủy Mường Tè cho chúng tôi biết, giai đoạn 2020 - 2025, Mường Tè phấn đấu ra khỏi tình trạng kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 32 triệu đồng/năm.

Anh Chu Xế Lù, Chủ tịch Mặt trận xã Thu Lũm cho biết, nhờ có cây sả, dầu sả, mà bà con nơi đây đã khấm khá hơn tuy chưa được xây dựng thành sản phẩm OCOP theo Đề án mỗi xã một sản phẩm. Chủ tịch xã Phùng Lòng Cà, dân tộc Hà Nhì, cho biết cây sả đem lại giá trị thu hoạch trên 70 triệu đồng/ha/năm. Nhờ đó mà hơn 2/3 số nhà trong xã là nhà xây, người dân trong xã có 13 xe ô tô. Ở đây còn cây cam, cây quýt của đồng bào La Hủ ngon có tiếng. Xã đang làm thủ tục để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện Mường Tè.   

Địa bàn xa là thế nên đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách khi về đây tiếp xúc cử tri đều ngủ lại Đồn biên phòng Thu Lũm do Thiếu tá Nguyễn Mạnh Linh, quê Thanh Hóa, làm Chỉ huy. Dù gian nan, vất vả nhưng anh em bộ đội biên phòng vẫn bám trụ, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc và đang góp phần vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 xâm nhập qua đường mòn, lối mở. Trạm kiểm dịch Covid-19 liên hợp được đặt ngay cạnh Hòn đá trắng thiêng liêng - địa điểm Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã ghé thăm, chúc Tết sớm anh em biên phòng đang ứng trực nơi đây trong tiết trời giá lạnh của núi rừng, thiếu thốn đủ điều vì xa nguồn nước và nơi ở của đồng bào.

Lưu luyến tiễn Đoàn công tác về lại “dưới xuôi”, cán bộ, bà con Thu Lũm và các lực lượng đứng chân trên địa bàn mộc mạc nói rằng, đồng bào nơi đây đang rất phấn khởi, kỳ vọng vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 vừa được Quốc hội thông qua. Trong đó có mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước, bảo đảm đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Chia tay cán bộ, bà con Thu Lũm khi đây đó những nụ hoa đào, hoa mận chuẩn bị khoe sắc đón một mùa Xuân mới, các đại biểu Quốc hội tham gia Đoàn công tác đều thấy rõ hơn rằng, cả nước cần tiếp tục có trách nhiệm đối với từng hộ dân nơi đây bằng những hành động thiết thực hơn nữa để bà con yên tâm sinh sống, làm ăn, bảo vệ biên cương của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Và một trong những điều bà con cần nhất vẫn là đường giao thông để có thể thúc đẩy tiêu thụ nông sản, để người già được khám, chữa bệnh, trẻ em được đi học; tiếp theo là sinh kế, học hành để nâng cao dân trí và chất lượng lao động…

Trần Văn - ĐBQH Khóa XII, XIII