Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Để sản phẩm OCOP thực sự đi vào cuộc sống

- Thứ Hai, 23/11/2020, 08:36 - Chia sẻ
Trong những năm qua vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) hội tụ nhiều điểm sáng nhất về xây dựng nông thôn mới của cả nước. Đây cũng là vùng sớm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đạt nhiều thành tựu đem lại giá trị mới cho nông sản địa phương.

Hình thành chuỗi giá trị nông sản

Với đất đai màu mỡ, nguồn nhân lực dồi dào, nhiều làng nghề truyền thống, các tỉnh ĐBSH có nhiều lợi thế để triển khai Chương trình OCOP. Một điểm mới là việc thực hiện Chương trình OCOP tại các địa phương được triển khai đồng bộ, lồng ghép vào Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân, nhất là việc đẩy mạnh liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP.

Chị Bùi Thị Phượng, huyện Hải Hậu, Nam Định, sinh ra trong một gia đình có nghề truyền thống làm nước mắm, nhưng quy mô sản xuất chỉ là hộ gia đình, hiệu quả kinh tế thấp. Hưởng ứng phong trào OCOP, chị Phượng tích cực hoàn thiện hồ sơ sản phẩm, đổi mới bao bì, nhãn mác theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp huyện Hải Hậu. Tháng 1.2020, năm sản phẩm của công ty gồm: Nước mắm, mắm tôm và ba sản phẩm chế biến từ đông trùng hạ thảo được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, mà còn vươn tới thị trường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Bắc Ninh… Chị Phượng phấn khởi cho biết, từ khi có chứng nhận OCOP trên bao bì, số lượng bán các sản phẩm đông trùng hạ thảo tăng gấp hai lần. Hiện tại, công ty đạt doanh thu bình quân 300 triệu đồng/tháng. Công ty đang nâng cấp thêm sản phẩm, mở rộng thêm mặt hàng và thị trường tiêu thụ, cố gắng đưa được sản phẩm vào hệ thống phân phối lớn…

 HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, Thường Tín, Hà Nội, từ những năm 2013, HTX  đã đầu tư xây dựng mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất sạch, giúp sản phẩm rau mầm có chất lượng cao, có thể ăn ngay tại ruộng. Sản phẩm rau mầm của HTX Thanh Hà được Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp cấp giấy chứng nhận VietGAP. Tuy vậy, sản phẩm vẫn chưa chinh phục được người tiêu dùng, lượng hàng bán ra rất chậm. Năm 2019, sau khi 15 sản phẩm của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn hẳn. Toàn bộ sản phẩm của HTX được các siêu thị lớn đặt hàng sản xuất, với mức giá bán buôn từ 80 - 140 nghìn đồng/kg tùy loại. Trung bình mỗi ngày HTX cung cấp từ 150 - 200kg rau các loại, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập trung bình từ 6 - 8 triệu đồng/tháng.

Đánh giá về kết quả sau hơn hai năm thực hiện Chương trình OCOP các tỉnh ĐBSH, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến cho biết: Mặc dù mới được triển khai trong một thời gian ngắn, nhưng các tỉnh ĐBSH đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần đưa chương trình trở thành trọng tâm trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đi vào chiều sâu. Riêng Hà Nội đã đánh giá và phân hạng cho 301 sản phẩm của 75 chủ thể và là một trong những địa phương đi đầu, tích cực và chủ động trong triển khai chương trình trên cả nước.

Để chương trình OCOP đi vào cuộc sống

Chương trình OCOP nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự tham gia, đồng lòng ủng hộ, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, HTX và người dân và đã đạt kết quả bước đầu, nhưng so với tiềm năng, lợi thế, kết quả này vẫn chưa tương xứng. Có nhiều yếu tố nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Bên cạnh đó, hệ thống các chính sách, cơ chế hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm tuy khá đầy đủ, nhưng thiếu đồng bộ, chưa được xác định rõ ràng, dẫn đến sự lúng túng và khó khăn cho các địa phương. Việc huy động nguồn lực cho chương trình còn hạn chế...

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế của Chương trình OCOP, giúp chương trình đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng, các địa phương cần xác định Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế trọng tâm, gắn với xây dựng NTM bền vững. Cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đưa việc chỉ đạo và tổ chức triển khai chương trình vào các Nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp, chương trình hành động và kế hoạch của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng về Chương trình OCOP, nhất là cần hiểu đúng và đầy đủ về quan điểm, định hướng của chương trình, gắn với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với cộng đồng.

Các địa phương cần nghiên cứu, ban hành các chính sách để hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP, trên cơ sở phát huy được điều kiện, lợi thế để nâng cao năng lực về tổ chức sản xuất và phát triển. Các giải pháp hỗ trợ cần trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào hai nhóm sản phẩm chính. Trong đó, đối với các sản phẩm OCOP đã hình thành, đã được đánh giá, phân hạng OCOP cần tập trung vào hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các chủ thể phát triển thị trường, kênh phân phối sản phẩm OCOP.

Với các sản phẩm tiềm năng: ưu tiên các ý tưởng sản phẩm mới, nhất là sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế, tiềm năng của địa phương;… để các chủ thể nâng cao năng lực, phát triển sản phẩm OCOP. Tổ chức triển khai chương trình, chu trình OCOP một cách đồng bộ, nhất là vai trò của cấp xã trong việc định hướng, xây dựng kế hoạch của địa phương; và hỗ trợ chủ thể, người dân tham gia chương trình, phát triển sản phẩm OCOP.

Anh Hiến