Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội

Để rồng thiêng cất cánh

- Thứ Bảy, 10/10/2020, 06:59 - Chia sẻ
Nguồn lực văn hóa được coi là “tài nguyên hiếm” cho sự phát triển của Hà Nội. Khơi thông được nguồn lực này không chỉ là bảo tồn được các giá trị truyền thống, khẳng định bản sắc, mà còn kích thích sáng tạo, xây dựng thương hiệu, nền tảng bền vững cho sự phát triển của Thủ đô trong tương lai.

Nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”

Khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, thấy rồng vàng bay lên bèn đặt tên kinh đô mới là Thăng Long. Từ đó cho tới nay, chỉ trừ thời gian nhà Nguyễn đóng đô ở Phú Xuân, Huế, còn lại Thăng Long - Hà Nội luôn giữ vị trí là kinh đô, là Thủ đô của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đất nước. Theo GS. TS. Nguyễn Quang Ngọc, Đại học Quốc gia Hà Nội, đây là nét đặc thù của Thăng Long - Hà Nội mà ít địa phương nào trong cả nước có được. Bên cạnh đó, đây là một trong số ít kinh đô/thủ đô trên thế giới có tuổi đời trên 1.000 năm lịch sử (và số tuổi đời đó còn nhiều hơn nữa nếu tính từ khi người Việt cổ có mặt trên mảnh đất tiền Thăng Long - Hà Nội).

Giá trị văn hóa là nguồn lực phát triển bền vững của Hà Nội
Nguồn: ITN

Lịch sử đã bồi đắp, hun đúc nên trung tâm chính trị của đất nước, đồng thời cũng hình thành một chốn kinh kỳ đặc sắc tụ hội của bốn phương. Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội nhận định: Từ thuở là kinh thành Thăng Long cho tới nay, Hà Nội luôn là trung tâm văn hóa lớn nhất nước, nơi tích tụ, ngưng kết và lan tỏa tinh hoa dân tộc. Chiều sâu của các giá trị lịch sử, giá trị văn hóa và tính biểu trưng đã khiến Thăng Long - Hà Nội trở thành nơi kết tinh và lan tỏa các giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam. Văn hóa Thủ đô Hà Nội hiện nay là sự hội tụ và kết tinh mọi ưu thế chọn lọc của tứ phương đất nước, làm nên nét đẹp đặc sắc nơi “đệ nhất kinh kỳ”.

Qua thời gian dài, Thăng Long - Hà Nội vẫn là vùng đất của học vấn, khoa cử, sáng tạo; vừa là chốn buôn bán giao thương sầm uất; vừa là nơi phát triển các phường hội, làng nghề thủ công tinh xảo. Nơi đây cũng tập trung các lễ hội dân gian nhiều màu sắc, các loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo cùng biết bao di tích, đình chùa, đền miếu lâu đời. Văn hóa Thủ đô Hà Nội phong phú và có bề dày lịch sử vững chắc, xứng đáng với tầm vóc tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam...

Trong thế kỷ XXI, văn hóa đã được nhìn nhận như “sức mạnh mềm”, có vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của từng quốc gia, dân tộc, và thành phố. Nhiều chuyên gia cho rằng, với những tiềm năng, giá trị về văn hóa vô cùng đặc sắc của Kinh đô - Thủ đô có bề dày truyền thống, Hà Nội phải tận dụng và phát huy, từ đó biến thành nguồn lực để hướng tới phát triển bền vững, để Thành phố Rồng bay cất cánh và hội nhập mạnh mẽ.

Định vị thành phố sáng tạo

Hà Nội đang hướng tới một thành phố văn hiến và hiện đại, bảo đảm sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, đặt trọng tâm vào phát triển bền vững. Để đạt được các mục tiêu ấy, theo GS. TS. Nguyễn Quang Ngọc, cần tận dụng và phát huy được đặc điểm mang bản sắc của Thăng Long - Hà Nội là mảnh đất vừa là nơi sản sinh ra nhân tài, vừa là nơi hội tụ nhân tài của cả nước theo tinh thần "hội tụ - giao thoa - kết tinh và lan tỏa" trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và đặc biệt là con người. Hà Nội hôm nay và mai sau sẽ phát triển một cách vững mạnh trên nền tảng của sự sáng tạo. Chính sự kết hợp giữa các yếu tố cung đình và dân gian, quan phương và phi quan phương trong suốt chiều dài lịch sử của Thăng Long - Hà Nội với vị thế kinh đô/thủ đô - nơi giao điểm của các luồng tiếp xúc trong và ngoài nước - khiến cho các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Hà Nội được chắt lọc và nâng lên tầm cao mới.

“Trong sự nghiệp phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội anh hùng, sáng tạo, thông minh, phải biến các di sản văn hóa của Hà Nội thành nguồn lực văn hóa phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của Thủ đô và của đất nước” - GS. TS. Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội góp ý. Theo đó, Hà Nội cần khẩn trương xây dựng và triển khai hiệu quả chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó, ưu tiên lựa chọn những nhóm di sản, những địa bàn, cộng đồng, ngành, nghề có nhiều thế mạnh nhất để tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao nhất, đạt hiệu quả (tổng hợp) cao nhất.

Đồng tình với ý kiến trên, GS. TS. Đinh Xuân Dũng, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương nhận định: Hà Nội với nguồn lực văn hóa đa dạng, phong phú đã mở ra cơ hội lớn cho công nghiệp văn hóa Thủ đô phát triển mạnh trong nhiều lĩnh vực văn hóa (điện ảnh, truyền thông, phát thanh - truyền hình, xuất bản, công viên văn hóa, du lịch văn hóa, các dịch vụ văn hóa trên mạng…). Bởi, đặc điểm cơ bản quan trọng nhất của nền công nghiệp văn hóa là sự phát triển của nó dựa chủ yếu trên nền tảng sáng tạo văn hóa, do đó không gian phát triển và tác động của nó rất rộng lớn, một mặt trở thành ngành kinh doanh ngày càng quan trọng, mặt khác tác động trực tiếp đến hình thành các giá trị con người, giá trị xã hội (theo những chiều cạnh khác nhau) và động lực phát triển xã hội, với sức lan tỏa rộng lớn trong vùng, khu vực và mỗi nước cũng như xuyên qua biên giới giữa các nước với hệ thống internet - viễn thông toàn cầu.

Thương hiệu Thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển từ “Thủ đô di sản” tới “Thành phố Vì hòa bình” và hiện nay là “Thành phố sáng tạo”. Trong quá trình định vị một Thủ đô sáng tạo, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố cần hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực văn hóa trên cơ sở mở rộng môi trường cho tự do sáng tạo; có chiến lược, tầm nhìn về sự phát triển các sản phẩm văn hóa tạo nên thương hiệu cho thành phố; khuyến khích tài năng các lĩnh vực văn hóa, đào tạo nguồn lực quản lý văn hóa và chiến lược quảng bá văn hóa cho địa phương...

Nguồn lực văn hóa và sáng tạo được thúc đẩy không những gìn giữ, phát huy và lan tỏa những giá trị tích lũy hàng nghìn năm, mà còn tạo nền tảng và động lực phát triển vững chắc, tạo hình ảnh và diện mạo mới cho Thăng Long - Hà Nội.

Ngọc Phương