Để mỗi ngày đều là "Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện”

- Thứ Hai, 12/04/2021, 07:10 - Chia sẻ
Hiện nay, phong trào hiến máu tình nguyện đã trở thành nét đẹp văn hóa, lan tỏa ý nghĩa nhân văn, được đông đảo người dân hưởng ứng. Nhằm tăng cường số lượng người tham gia hiến máu, các cơ quan, đơn vị cần quan tâm gây dựng phong trào từ cơ sở, bắt đầu từ gia đình, dòng họ; tích cực vận động người dân hiến máu thường xuyên, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước.

Thu hút đông đảo người dân tham gia

Trong 21 năm qua, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ chọn ngày 7.4 hàng năm là "Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện", nghĩa cử cao đẹp hiến máu cứu người ngày càng lan toả mạnh mẽ. Người dân Việt Nam không phân biệt lứa tuổi đã hưởng ứng nhiệt tình đi hiến máu để cứu những người bệnh trong cơn nguy kịch vì thiếu máu. 

	Mỗi người đủ điều kiện sức khỏe nên tham gia hiến máu đều đặn, trung bình mỗi năm 2 lần
Mỗi người đủ điều kiện sức khỏe nên tham gia hiến máu đều đặn, trung bình mỗi năm 2 lần

Dịch Covid-19 có thể làm trì hoãn nhiều hoạt động xã hội nhưng vì sức khoẻ người bệnh, Ban Chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện quốc gia cũng như ở các tỉnh/thành phố đã có sự linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mỗi địa phương theo phương châm “có thời cơ, thời gian, bảo đảm an toàn thì tiến hành tổ chức Hiến máu tình nguyện”. Cùng với đó, các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị phối hợp với các Trung tâm Huyết học - Truyền máu khu vực, các bệnh viện tổ chức các đợt hiến máu lưu động tạo điều kiện để người hiến máu tình nguyện không phải đi xa, tạo thành từng nhóm hiến máu theo đợt, bảo đảm giãn cách, tránh tập trung đông người ở một điểm. 

Chính vì thế, chỉ tính riêng năm 2020, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố và cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia, toàn quốc đã vận động, tiếp nhận 1.408.684 đơn vị máu, quy đổi là 1.672.381 đơn vị máu, đạt gần 100% chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, 99% đơn vị máu là từ người hiến máu, tương đương gần 1,5% dân số hiến máu; số người hiến máu nhắc lại đạt 45,2%, tỷ lệ người hiến máu có thể tích trên 250ml đạt gần 50%.

Trong năm 2021, các chiến dịch, sự kiện hiến máu lớn như Lễ hội Xuân hồng, Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện, Chiến dịch “Những giọt máu hồng hè” và chương trình “Hành trình Đỏ”... được tổ chức thường xuyên, tạo dấu ấn thúc đẩy mạnh mẽ phong trào hiến máu của cả nước, nhiều địa phương hưởng ứng và tổ chức quy mô, chuyên nghiệp, bài bản vào các thời điểm khan hiếm máu. Lễ hội Xuân hồng đã thu nhận được 8.324 đơn vị máu, gấp đôi so với dự kiến ban đầu. 

Theo các chuyên gia, hiện nay, có nhiều mô hình tốt về tuyên truyền, vận động và tổ chức hiến máu như Trung ương Đoàn với chương trình "Chủ nhật đỏ"; Bộ Công an với chương trình “Giọt máu nghĩa tình vì đồng đội thân yêu”; Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương với chương trình "Lễ hội Xuân hồng" và "Hành trình đỏ"; Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với “Festival Trái tim nhân ái của Câu lạc bộ 25 Việt Nam”; Hà Nội với mô hình "Mỗi xã, phường là một điểm hiến máu"; Bắc Giang với mô hình "Dòng họ hiến máu"; nhiều tỉnh, thành phố phía Nam duy trì mô hình hiến máu với thể tích chủ yếu trên 250 ml.

Đơn cử như tại Hà Nội, theo đại diện Hội Chữ thập đỏ thành phố, năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng toàn thành phố vẫn tiếp nhận hơn 250.000 đơn vị máu, bằng gần 18% tổng lượng máu tiếp nhận trong năm 2020 của cả nước. Số người tham gia hiến máu đạt 2,8% dân số Thủ đô (tỷ lệ này của cả nước là gần 1,5%). Quý I.2021, số người tham gia hiến máu cũng như số lượng máu thu về tiếp tục tăng, với hơn 150.000 đơn vị máu, đạt 60% kế hoạch của cả năm. Nguồn máu tiếp nhận từ phong trào hiến máu tình nguyện ở Hà Nội đã, đang phục vụ cho quá trình cấp cứu và điều trị bệnh nhân tại nhiều cơ sở y tế, nhất là với bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. 

Mạnh mẽ lan tỏa thông điệp

Tiếp tục lan tỏa thông điệp hiến máu tình nguyện, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương BS. Bạch Quốc Khánh khuyến khích mỗi người đủ điều kiện sức khỏe nên tham gia hiến máu đều đặn, trung bình mỗi năm 2 lần. Chỉ có như vậy thì hoạt động hiến máu tình nguyện mới phát triển bền vững, không xảy ra tình trạng thiếu máu theo mùa vụ, thiếu máu theo nhóm máu. 

		Hiến máu thường xuyên vì một xã hội khỏe mạnh và nhân văn
Hiến máu thường xuyên vì một xã hội khỏe mạnh và nhân văn

Về ý nghĩa của việc hiến máu thường xuyên, Viện trưởng Bạch Quốc Khánh cho biết, máu an toàn chỉ có thể được hiến tặng từ những người khỏe mạnh, hiến máu thường xuyên. Việc bảo đảm tuyển chọn, duy trì được nguồn người hiến máu an toàn, thường xuyên và ổn định, đáp ứng được nhu cầu máu cho điều trị là một trong những yêu cầu cơ bản đối với các cơ sở truyền máu, là giải pháp quyết định để giảm thiểu tối đa những rủi ro cho người bệnh, do lây nhiễm các mầm bệnh. Hơn nữa, máu chỉ có thời hạn bảo quản và sử dụng nhất định, việc duy trì được lượng người hiến thường xuyên sẽ duy trì đều đặn được lượng máu dự trữ, không bị lãng phí nếu dư thừa không sử dụng hết khi người dân chỉ tập trung hiến tại các dịp lớn.

Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Phụ trách Trung tâm Máu quốc gia Phạm Tuấn Dương cho biết, sự mất cân đối giữa lượng máu tiếp nhận và nhu cầu sử dụng máu tùy từng nhóm máu vào một số thời điểm có thể ảnh hưởng đến chất lượng lưu trữ và sử dụng của máu. Trong khi các chế phẩm máu chỉ có thời hạn bảo quản, lưu trữ nhất định tối đa là 42 ngày với khối hồng cầu được bảo quản ở nhiệt độ 4 - 8 độ C hay khối tiểu cầu chỉ bảo quản được tối đa 5 ngày ở nhiệt độ phòng 20 - 24 độ C, kèm lắc liên tục. 

Đặc biệt, những người hiến máu thường xuyên sẽ là những người gắn bó với hoạt động hiến máu tình nguyện lâu dài. Các đơn vị có thể kết nối với người hiến thường xuyên, qua đó có thể mời họ đến ngay khi người bệnh cần máu hoặc bị thiếu những nhóm máu của người đó. Khi có nguồn người hiến máu thường xuyên cũng sẽ giúp các bệnh viện chủ động hơn, xây dựng hoạt động hiến máu tình nguyện bền vững, không xảy ra câu chuyện thiếu máu thời vụ như trước kia.

Để phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng lan tỏa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho biết, hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện, tháng 4.2021, mạng lưới chữ thập đỏ phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều đợt vận động hiến máu tình nguyện trên cơ sở bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch Covid-19. Phấn đấu trong năm 2021, toàn thành phố thu về khoảng 400.000 đơn vị máu, số người dân tham gia hiến máu đạt ít nhất 3% dân số Thủ đô.

Hải Yến