Để lòng tốt được nhân lên

- Thứ Hai, 24/01/2022, 14:43 - Chia sẻ
Sau một thời gian người dân và dư luận chờ đợi, ngày 23.1, Cục Cảnh sát Hình sự (C02) thuộc Bộ Công an đã thông báo về kết quả giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm liên quan việc chiếm đoạt tiền từ thiện do người dân đóng góp, ủng hộ để cứu trợ đồng bào miền Trung gặp thiên tai, lũ lụt năm 2020, trong đó có một số nghệ sỹ nổi tiếng.
ĐBQH nói về việc Thủy Tiên làm từ thiện: Quy định đã lỗi thời, cần rà soát, sửa đổi - Ảnh 1.
Ca sĩ Thủy Tiên lội nước đi phát quà từ thiện cho bà con miền Trung. Thủy Tiên là một trong những nghệ sỹ bị dính lùm xùm trong vụ vận động từ thiện cứu trợ trong đợt bão, mưa lũ xảy ra tại khu vực miền Trung năm 2020, cô cũng vừa chính thức được "minh oan" về việc này

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an nhận nội dung tin báo, tố giác về tội phạm phản ảnh về việc ca sỹ Thủy Tiên, ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, MC, diễn viên Trấn Thành, MC Đại Nghĩa, bà Nguyễn Thị Hương đứng ra tự huy động tiền từ thiện, cứu trợ trong đợt bão, mưa lũ xảy ra tại khu vực miền Trung năm 2020, thiếu minh bạch trong quá trình phân phối, sử dụng số tiền đã quyên góp được.

Sau khi kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nhận thấy các cá nhân trên không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tiền từ thiện do người dân đóng góp, ủng hộ để cứu trợ đồng bào miền Trung gặp thiên tai, lũ lụt năm 2020; nội dung các tin báo, tố giác không có dấu hiệu tội phạm, không có sự việc phạm tội. Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với các tin báo, tố giác liên quan đến những cá nhân này.

Chắc hẳn chúng ta chưa thể quên được trận mưa lũ lịch sử xảy ra khu vực miền Trung với những thiệt hại về người và của mà nó để lại. Hàng nghìn ngôi nhà chìm trong mưa lũ, có những người đã ra đi mãi mãi không thể về. Mưa lũ đẩy không ít gia đình vào cảnh trắng tay trong chốc lát. Trong cơn đại “hồng thủy” đó, để cứu giúp những hoàn cảnh, những mảnh đời gặp khó, ngoài sự cứu trợ từ phía nhà nước, có không ít tổ chức, doanh nghiệp thì có không ít cá nhân, trong đó có những nghệ sỹ nổi tiếng đã đứng ra kêu gọi để ủng hộ bà con vùng lũ. Nhờ đó, đã giúp vơi đi nỗi vất vả, chia sẻ bớt nỗi đau của không ít gia đình bị thiệt hại trong và sau mưa lũ. Tiếc rằng, trong thời qua, đã xảy ra không ít thông tin về sự thiếu minh bạch trong kêu gọi ủng hộ từ thiện. Dù chưa biết đúng  - sai, nhưng những thông tin này đã ảnh hưởng đến hoạt động từ thiện thời gian qua cũng như ảnh hưởng đến những cá nhân đứng ra kêu gọi vận động từ thiện.

Trên diễn đàn Quốc hội, không ít đại biểu Quốc hội đã phải lên tiếng về vấn đề này. Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, thời gian vừa qua cộng đồng mạng liên tục xảy ra “việc tranh chấp, nói xấu lẫn nhau…” liên quan đến công tác vận động tài trợ làm từ thiện. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, thuần phong mỹ tục, văn hoá truyền thống của dân tộc… Nhất là việc “chia phe ra nói xấu nhau trên mạng xã hội” gây ra rất nhiều tác động đến cộng đồng. Do đó, đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan điều tra, cơ quan tư pháp cần vào cuộc một cách mạnh mẽ, kịp thời hơn, làm rõ “để trả lời cho công luận, cử tri biết ai đúng, ai sai”.

“Chính phủ cần có hành động một cách minh bạch, rõ ràng để làm tốt hơn công tác từ thiện trong thời gian tới, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Không thể để diễn ra như thế mà không có câu trả lời cuối cùng”- đại biểu Phan Thái Bình nhấn mạnh.

Những băn khoăn của đại biểu, của cử tri và dư luận đã được trả lời bởi kết luận của Bộ Công an đó là không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tiền từ thiện do người dân đóng góp, ủng hộ để cứu trợ đồng bào miền Trung gặp thiên tai, lũ lụt năm 2020.

Như vậy, kết luận của Bộ Công an đã giúp xóa bỏ những hoài nghi về sự thiếu minh bạch, về những tiêu cực trong công tác từ thiện cũng như giải “nỗi oan” của chính những người trong cuộc khi dính phải những “lùm xùm” vừa qua. Và chúng ta - những người tham gia đóng góp ủng hộ có thể tin tưởng rằng, những hỗ trợ, đóng góp “của ít, lòng nhiều” của mình đã đến được tay bà con vùng lũ. Chỉ cần thế thôi, cũng đủ làm ấm lòng những người chung tay vì công tác thiện nguyện.

Để tạo hành lang pháp lý, tạo sự minh bạch cho cá nhân trong công tác vận động hỗ trợ từ thiện, Chính phủ đã ban hành Nghị định số: 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bênh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Theo đó, khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm...

Việc lấp “khoảng trống” pháp lý kịp thời để tạo điều kiện cho cá nhân trong vận động từ thiện giúp cho hoạt động từ thiện ngày càng có sự lan tỏa, giúp cho lòng tốt được nhân lên. Đồng thời, khung khổ pháp lý này cũng giúp cho những người làm công tác từ thiện tránh được những tiếng oan, “lùm xùm” không đáng có.  

Song Hà