Để không lặp lại sai phạm

- Thứ Năm, 15/07/2021, 06:12 - Chia sẻ
Trong phát biểu cho ý kiến về dự kiến các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 tại Phiên họp thứ 58 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tập trung nói về vấn đề tự chủ, xã hội hóa ở các bệnh viện.

Nêu thực trạng, vừa qua xảy ra một số vụ án liên quan đến tự chủ, xã hội hóa ở các bệnh viện như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh... Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề: Qua tất cả những vụ án này, Chính phủ đánh giá, rút ra điều gì về quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, nhất là quản lý các bệnh viện?

Thực tế cho thấy, hàng loạt bị can đã bị khởi tố liên quan đến việc nâng khống thiết bị y tế thời gian qua là một bài học đau lòng. Điều đáng nói, có không ít bị can là những bác sĩ, những cán bộ có nhiều năm công tác trong ngành y.

Chúng ta không khỏi giật mình bởi những con số được các đối tượng nâng khống để trục lợi. Trong vụ án xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai, các đối tượng đã cấu kết đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết để nâng khống hệ thống robot được nhập khẩu có giá trị 7,4 tỷ đồng (gồm VAT) lên 39 tỷ đồng. Chỉ tính trong thời gian từ năm 2017 - 2019 đã có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị này. Số tiền chênh lệch hưởng lợi mà các đối tượng chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỷ đồng. Hay trong vụ án Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội), các đối tượng đã cấu kết với nhau để thổi giá thiết bị lên gấp 3 lần. Ở một số địa phương, khi cơ quan chức năng vào cuộc cũng phát hiện hàng loạt sai phạm liên quan đến việc “thổi giá” thiết bị y tế.

Việc "thổi giá" các thiết bị y tế không chỉ vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước mà còn gây thiệt hại rất lớn đối với người bệnh khi họ phải chịu mức chi phí tăng lên từ nâng khống thiết bị y tế một cách vô lý.

Cần khẳng định, chủ trương xã hội hóa về đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế là một chủ trương đúng đắn. Thời gian qua, xã hội hóa y tế đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các bệnh viện có thể trang bị máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại, mở rộng dịch vụ cho người dân. Đội ngũ y, bác sĩ cũng là đối tượng được thụ hưởng xã hội hóa y tế thông qua hệ thống thiết bị hiện đại; được học tập, nâng cao năng lực chuyên môn. Đặc biệt, người dân là đối tượng chính được thụ hưởng việc hiện đại hóa y khoa khi được sử dụng dịch vụ y tế hiện đại mà không phải ra nước ngoài để điều trị.

Tuy vậy, quá trình thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế cũng xảy ra những sai phạm. Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định về thẩm định giá trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Chủ thể y tế công đang bị thương mại hóa. Trong khi đó, không có sự giám sát độc lập khiến cho nhiều đơn vị “tự tung tự tác”, các đối tượng lợi dụng vị trí công tác, kẽ hở của pháp luật để trục lợi.

Từ thực tế các vụ án xảy ra, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho rằng, “chúng ta mất cán bộ, điều đau xót là toàn các bác sĩ rất giỏi”. Bà Nga cũng đặt vấn đề, phải chăng khi thực hiện tự chủ bệnh viện, xã hội hóa chúng ta cho làm khá ồ ạt, không làm thí điểm mà cho làm luôn? Quá trình thanh tra, kiểm tra của Bộ Y tế hầu như ít được thực hiện?. 

Để bảo đảm công khai, minh bạch, Bộ Y tế đã ra mắt Cổng thông tin công khai giá thiết bị y tế. Điều này sẽ giúp các cơ sở y tế nắm được các thông tin sớm và có được sự lựa chọn nhà cung cấp các thiết bị y tế mang lại hiệu quả cao nhất, tránh tình trạng “tù mù” giá, chỉ ai mua người ấy biết như trước đây. Cùng với đó, các cơ quan chức năng như thanh tra, kiểm tra y tế phát huy hết trách nhiệm, phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các sai phạm. Nếu làm tốt nhiệm vụ này, thiệt hại cho Nhà nước và người dân sẽ không xảy ra.

Hà An