Để không “đứt gãy” hoạt động sản xuất

- Thứ Tư, 19/05/2021, 06:15 - Chia sẻ
Trong đợt bùng phát lần thứ tư này, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hơn về mức độ nguy hiểm cũng như tốc độ lây lan. Nhiều tỉnh, thành phố có người bị lây nhiễm, đặc biệt đã xuất hiện những ổ dịch ở các khu công nghiệp, buộc phải tạm ngừng hoạt động sản xuất. Đơn cử như tỉnh Bắc Giang đã quyết định tạm dừng hoạt động của 4 khu công nghiệp gồm: Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng để kiểm soát, ngăn chặn nguồn dịch lây lan ra cộng đồng.

Không chỉ ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Covid-19 cũng đã xuất hiện ở khu công nghiệp trên địa bàn Hải Dương, Đà Nẵng, Hà Nội… Đây là những nơi tập trung đông công nhân lao động. Do đó, chỉ cần một trường hợp lây nhiễm thì khu công nghiệp rất có nguy cơ trở thành ổ dịch nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Tính đến 20h ngày 16.5, đã có 366 ca mắc Covid-19 là công nhân lao động của các doanh nghiệp và khu công nghiệp tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Giang, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Phú Thọ. Không chỉ các ca nhiễm mà còn nhiều trường hợp F1 liên quan đến những người này đã và đang trong diện buộc phải cách ly. Chỉ tính riêng tỉnh Bắc Giang đã có 310 ca là công nhân lao động mắc Covid-19. Toàn tỉnh có 4.260 công nhân lao động là F1 đang cách ly tập trung và 17.592 công nhân lao động là F2 tự cách ly tại nhà. Có tới 55 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này bị ảnh hưởng dịch Covid-19, công nhân lao động nghỉ việc.

Hiện cả nước có 369 khu công nghiệp tập trung, gần 30 khu kinh tế cửa khẩu, khu chế xuất với khoảng 3,8 triệu lao động; chưa kể khoảng 700 cụm công nghiệp đang hoạt động với khoảng 600.000 lao động. Đặc điểm của các nhà máy trong khu công nghiệp là nơi tập trung đông người, phần lớn hoạt động sản xuất trong môi trường kín. Trong khi đó, nhiều xóm trọ, khu trọ công nhân rất chật chội, đông đúc. Cơ sở dịch vụ ở những khu này có mật độ dày. Trong khi đó, xe đưa đón công nhân rất nhiều. Nguồn lây dịch là rất lớn. Yêu cầu đặt ra trong phòng chống dịch là cần có giải pháp mạnh, kịp thời để ngăn ngừa dịch bệnh ở khu công nghiệp.

Việc quyết định tạm dừng hoạt động một số khu công nghiệp ở thời điểm này là việc chẳng đặng đừng. Bởi lẽ, khu công nghiệp được ví như “xương sống” kinh tế của nhiều địa phương. Thời gian qua, không ít địa phương đã “thay da đổi thịt” nhờ vào đóng góp của các khu công nghiệp trên địa bàn. Việc tạm dừng hoạt động không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đến ngân sách địa phương mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của biết bao công nhân lao động.

Tại cuộc họp trực tuyến với một số tỉnh, thành có những ca nhiễm Covid-19 trong khu công nghiệp mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã cảnh báo, để xảy ra dịch bệnh trong các khu công nghiệp có thể làm "đứt gãy" chuỗi sản xuất, cung ứng. Nền kinh tế của đất nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu chúng ta để "thủng" các khu công nghiệp. Tuy vậy, để bảo đảm lâu dài cho “mục tiêu kép”, thì việc tạm thời đóng cửa một số khu công nghiệp là rất cần thiết. Đây cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu để "khóa chặt" nguồn lây lan dịch ra cộng đồng. Đồng thời cũng thể hiện sự chia sẻ, quyết tâm, đồng lòng của người lao động, của doanh nghiệp với Chính phủ và các lực lượng chức năng trong phòng, chống dịch.

Do yếu tố đặc thù là nơi tập trung đông người lao động, nguy cơ lây lan dịch bệnh lớn, do đó, việc phòng, chống dịch ở khu công nghiệp cần được người đứng đầu địa phương, chủ doanh nghiệp xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid -19 đã nhiều lần xác định, xung yếu nhất trong phòng, chống dịch bệnh là bệnh viện. Sau đó đến các nhà máy, xí nghiệp, đặc biệt là trong các khu công nghiệp.

Công cuộc chống Covid-19 sớm thành công hay không phụ thuộc vào sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Ngoài quyết tâm của Thủ tướng, Chính phủ, các lực lượng chức năng tham gia trực tiếp phòng, chống dịch, thì các địa phương trên toàn quốc phải chỉ đạo, quán triệt các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định phòng, chống dịch. Đó cũng là giải pháp để không làm “đứt gãy” sản xuất.

Chống dịch cần sự nỗ lực của cả cộng đồng, của từng cá nhân, doanh nghiệp. Đặc biệt là gắn trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương với hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Cần bỏ ngay tâm lý “khoán trắng” cho ngành y tế trong bảo đảm an toàn dịch bệnh trong các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp.

Hà An