Để không còn “tai nạn đáng tiếc”

- Thứ Tư, 10/11/2021, 04:22 - Chia sẻ
Phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, đã có nhiều đại biểu nhắc đến nỗi đau xót vì các bác sĩ vướng vòng lao lý. Giữa lúc chống dịch nóng bỏng, đội ngũ ngành y là những chiến sĩ tuyến đầu, cả nước tri ân, người dân khắc cốt ghi tâm. Nhiều y bác sĩ giỏi chuyên môn, được người bệnh gửi gắm niềm tin, vững vàng trên trận chiến chống dịch nhưng lại gục ngã vì sai phạm trong đấu thầu, mua sắm... Vậy thì vì sao nên nỗi?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ nhiều tháng trước đã bày tỏ nỗi ưu tư về những tinh hoa của đất nước, các giáo sư, tiến sĩ ngành y vốn không dễ gì đào tạo được vướng vào sai phạm vì cơ chế chưa rành mạch, rõ ràng. Còn trên diễn đàn kỳ họp lần này, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) thẳng thắn: “Chúng ta phải làm sao để tạo điều kiện cho các nhân viên y tế, đặc biệt cho các cán bộ quản lý có cơ hội, có môi trường để phát triển về y đức chứ không phải là sau đó, lúc xảy ra chuyện thì chúng ta sử dụng các biện pháp hành chính và các thủ tục tố tụng hình sự. Bản thân tôi làm việc trong ngành y tế, tôi rất đau lòng...”. Đại biểu Phong Lan kết luận: “Các y bác sĩ giỏi vướng vòng lao lý thì chính người dân, chính xã hội phải trả giá”.

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) thì day dứt: “Thật không có gì đau xót hơn khi pháp luật phải xử lý những người được coi là đội ngũ tinh hoa của đất nước”… Theo đại biểu Nguyễn Công Long: “nhiều người được coi là chuẩn mực, được xã hội nể trọng với những danh xưng cao quý là những người thầy mà vi phạm pháp luật thì rõ ràng đó là một hiện tượng rất đáng lo ngại, xét ở mọi góc độ, cả về pháp luật, đạo đức xã hội hay quản trị nhà nước”!

PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, người lăn lộn trên tuyến đầu chống dịch bày tỏ: "Một giám đốc bệnh viện rất cần chuyên môn. Tuy nhiên, không chắc ông ấy đã nắm vững về quản lý hoặc các quy định lắt léo như hiện nay nên rất cần các cơ chế rõ ràng để được mua sắm trang thiết bị, thuốc men, mà tốt nhất là tách rời ra khỏi lĩnh vực chuyên môn”. PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu nêu kinh nghiệm, tỉnh Bình Dương khi bổ nhiệm ông làm giám đốc bệnh viện dã chiến đã đồng thời bổ nhiệm thêm một giám đốc “quản trị”, một mô hình CEO trong doanh nghiệp. Kết quả, Giám đốc Hiếu chỉ tập trung chuyên môn chống dịch, cứu người, không phải phấp phỏng nỗi lo đấu thầu, mua sắm vật tư y tế. Bình Dương kiểm soát dịch khá nhanh có lẽ một phần cũng nhờ cách làm sáng tạo, giúp các y bác sĩ tuyệt đối yên tâm làm nhiệm vụ của mình?

Ai làm sai người đó phải chịu. Thế nhưng nỗi xót xa vì những tai nạn đáng tiếc vẫn còn nguyên đó. Phải sớm có giải pháp hữu hiệu bảo vệ các y bác sĩ giỏi, vừa là nhà quản lý, vừa là những người thầy tâm huyết, là linh hồn chuyên môn ở các cơ sở y tế, tránh họ sơ sẩy vì những sơ suất không cố ý. Khi dịch bệnh xảy ra, thiếu những chuyên gia đầu ngành, giỏi nghề, tâm huyết thì tình hình sẽ ra sao? Chưa kể, những y bác sĩ khác sẽ chần chừ, lo lắng, không dám dấn thân, cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” liệu có giằng co, khó đi đến thắng lợi nhanh chóng như kỳ vọng?

Kinh nghiệm tách chuyên môn với quản lý hành chính mà PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu nêu ra là một hướng đi đáng suy ngẫm. Quan trọng hơn, sự đồng hành, sẻ chia của cấp ủy, chính quyền, hiểu người, thấu việc, để động viên, chỉ dẫn, giúp các bệnh viện hoàn thiện cơ chế quản lý và kĩ năng quản trị bên cạnh năng lực chuyên môn. Cần rà soát kỹ các quy định bất hợp lý, phát huy cơ chế đấu thầu tập trung, phân định rõ vai trò, trách nhiệm của từng vị trí công việc. Ai tư lợi, cố ý vi phạm vì cá nhân phải xử lý nghiêm. Ai vô tình, vì việc chung, vì quy định chồng chéo mà phạm lỗi cần xem xét thấu đáo.

Ngành y không chỉ cần thiết khi dịch bệnh mà luôn là một trụ đỡ an sinh trọng yếu, thể hiện tinh hoa trí tuệ quốc gia, là niềm tự hào sâu sắc của dân tộc. “Nếu được hỗ trợ, tạo điều kiện để chỉ tập trung vào công việc chuyên môn, chúng tôi hứa sẽ xây dựng ngành y tế không thua kém gì các nước trong khu vực”. Lời cam kết của PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu cũng là tâm nguyện tha thiết của đội ngũ y bác sĩ, những chiến sĩ tiên phong trên tuyến đầu chống dịch. Cần sự hồi đáp thỏa đáng, kịp thời từ các cơ quan có trách nhiệm, để nỗi xót xa “mất những tinh hoa rất đáng tiếc” không còn lặp lại ở một đất nước nhân ái và luôn biết trân trọng nhân tài!

Trực Ngôn