Để không còn "điều tiếng" về từ thiện

- Thứ Sáu, 28/05/2021, 06:38 - Chia sẻ
Không phải cho đến khi một nghệ sỹ hài nổi tiếng bị "tố" là "om" hơn chục tỷ đồng vận động được từ các nhà hảo tâm để ủng hộ đồng bào miền Trung, những bất cập trong việc quyên góp cũng như thực hiện các hoạt động từ thiện mới bộc lộ mà trước đó đã có nhiều "điều tiếng" về việc này.

Việc vận động quyên góp, tổ chức các hoạt động từ thiện của mọi tổ chức, cá nhân đều đáng trân trọng, thể hiện truyền thống "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách" của dân tộc ta. Vậy nhưng theo Điều 5, Nghị định 64 của Chính phủ quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thì chỉ có 3 nhóm tổ chức, đơn vị được phép tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; các báo, đài của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định và các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Theo quy định này thì hiển nhiên ngoài các đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Thế nhưng thực tế, các cơ quan chức năng khó có thể kiểm soát được việc này. Tại nhiều địa phương cũng không thống nhất là có cho phép hay không. Bởi vậy vấn đề đặt ra ở đây là mọi cá nhân, doanh nghiệp đều có thể kêu gọi từ thiện nhưng việc quản lý, giám sát sẽ như thế nào để tránh tình trạng trục lợi cả về vật chất và lòng tin.

Để khắc phục tình trạng này, tháng 10.2020, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu khẩn trương xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ Nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo nhằm bảo đảm việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hiệu quả, kịp thời. Đồng thời khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ người dân.

Vậy nhưng cho đến nay, nghị định mới vẫn chưa được ban hành và cũng bởi vậy mà giải pháp của các cơ quan chức năng để ngăn chặn các hành vi trục lợi cũng như những bất cập khác chỉ ở mức độ khuyến cáo như cần lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện trên mạng xã hội; thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin; yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ hoặc liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện để kiểm chứng thông tin...

Những lỗ hổng, những tồn tại, hạn chế trong việc vận động quyên góp, tổ chức các hoạt động từ thiện cần nhanh chóng chấn chỉnh thông qua việc xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định 64. Để các hoạt động từ thiện đến đúng địa chỉ, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật, bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng.

Hân Anh