Để không còn chồng chéo

- Thứ Ba, 23/03/2021, 08:23 - Chia sẻ

Hiện nay, vẫn còn có sự chậm trễ, "đá bóng" qua lại giữa các cơ quan; sự minh bạch và trách nhiệm của từng cơ quan từ huyện đến tỉnh, thậm chí cả bộ, ngành còn chưa chặt chẽ. Đó là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về công tác cải cách hành chính tại Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Thực tế, trong rất nhiều lĩnh vực, làm sao để sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan có thẩm quyền vừa chặt chẽ nhưng cũng không chồng chéo, bảo đảm hiệu quả, thực chất là bài toán khó, đang được đặt ra.

Đơn cử như mới đây, liên quan tới trách nhiệm quản lý lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng, dầu, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương ngày 12.3, không ít chuyên gia thừa nhận, hoạt động kinh doanh xăng, dầu hiện nay chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật và nhiều cơ quan cùng có trách nhiệm quản lý như công an, hải quan, biên phòng, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, dẫn tới có rất nhiều đơn vị có thẩm quyền lấy mẫu giám định và xử lý trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu. Thế nhưng, vì thiếu quy chế phối hợp, thiếu quy định về trách nhiệm của từng ngành nên việc kiểm tra, xử lý còn chồng chéo, dễ dẫn tới tình trạng đá bóng, đổ lỗi trách nhiệm khi xảy ra những vấn đề gây bức xúc dư luận.

Hay gần đây nhất, tại báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2020 (APCI 2020) của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, các chỉ số về chi phí thời gian, chi phí trực tiếp của nhóm thủ tục hành chính liên quan đến giao dịch thương mại qua biên giới trong APCI 2020 đều tăng so với các chỉ số tương tự của năm 2019 lần lượt là 8% và 44%. Có ý kiến cho rằng, việc tăng các chi phí này là do thủ tục hải quan còn chưa cải cách đúng mức. Thế nhưng, bên cạnh vai trò của cơ quan hải quan, cơ quan kiểm tra chuyên ngành thì các đơn vị quản lý, kinh doanh cảng, vận tải, logistics đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện chỉ số APCI của nhóm thủ tục này.

Theo đó, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới chi phí tăng ở nhóm thủ tục hành chính này là do các chi phí liên quan đến logistics tăng cao, vì cơ sở hạ tầng giao thông, bến bãi, ứng dụng khoa học kỹ thuật… chưa phát triển kịp với mức độ gia tăng của lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu; hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, thiếu trung tâm logistics cấp quốc gia, quốc tế tại khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối phân phối hàng hóa. Một lần nữa, sự thiếu kết nối giữa các bên lại được chỉ ra. Bài toán đặt ra là cần sự phối hợp và phân định phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn giữa cơ quan hải quan với các bên liên quan.  

Rõ ràng, việc có quy định, quy chế phối hợp sẽ tránh được câu chuyện lúng túng, rời rạc khi thực hiện nhiệm vụ; sự kết nối sẽ tạo thành một cơ sở dữ liệu chung giúp ích cho quá trình xây dựng kế hoạch, giúp loại bỏ những chồng chéo, trùng lặp, giúp kế thừa các kết quả đã có, phát hiện những lỗ hổng chính sách... Thế nhưng, hiệu quả của sự phối hợp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ nguyên tắc lãnh đạo thống nhất; chia sẻ thông tin; chuyên môn hóa, hợp tác hóa tới bảo đảm tính khách quan trong hành động. Bởi việc kết nối theo kiểu nửa vời, không chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành cũng như chưa thấy rõ vai trò đầu mối thực hiện sẽ khó bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước cũng như khó bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người dân.

Chủ trương quy về một mối không chỉ thuần túy là giải quyết gọn ghẽ đầu mối; xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính mà là câu chuyện tập trung về mặt dữ liệu, cách thức tương tác và điện tử hóa, ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ là mục tiêu cần hướng tới. Việc thực hiện nhiệm vụ trên môi trường điện tử không còn là một ưu tiên cần cân nhắc mà đã là một nhiệm vụ cấp bách, được đặt lên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Song song với việc thúc đẩy chuyển đổi từ thái độ và trách nhiệm công vụ sang thái độ và trách nhiệm phục vụ người dân, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ cắt giảm các áp lực tiếp xúc trực tiếp của cán bộ trong bộ máy hành chính, tạo điều kiện cho cán bộ tập trung giải quyết các vấn đề chuyên môn hiệu quả hơn.

Đỗ Quyên