Để hồi sinh du lịch

- Thứ Hai, 12/04/2021, 06:41 - Chia sẻ

Kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 đang được kỳ vọng là “thời điểm vàng” để khởi động lại thị trường du lịch, tạo cú hích giúp du lịch nội địa vực dậy sau một năm bết bát. Hàng loạt liên minh kích cầu du lịch được hình thành trong cả nước với nhiều chương trình khuyến mãi, có mức giá hấp dẫn được các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú áp dụng triệt để. Chỉ duy nhất một số hãng hàng không đề nghị xem xét nâng mức giá trần và áp giá sàn với vé máy bay với lý do “vượt qua giai đoạn khó khăn, giảm bớt cạnh tranh để tự làm yếu mình”.

Hàng không dường như đang đứng ngoài cuộc các chương trình kích cầu du lịch. Trong khi đáng lẽ phải tự nâng cấp để đạt lợi nhuận cao, cạnh tranh để người tiêu dùng hưởng lợi thì một số hãng muốn đặt ra một hàng rào bằng giá vé, chấm dứt cuộc đua giá rẻ, cũng như đặt dấu chấm hết cho khái niệm vé 0 đồng để ngăn người tiêu dùng tìm những lựa chọn tốt hơn. Trong bối cảnh du lịch đang trông chờ phục hồi sau đại dịch, nếu áp giá sàn vé máy bay sẽ kéo theo giá tour tăng, chi phí du lịch tăng… tác động rất lớn, có khả năng khiến các chương trình liên kết, kích cầu đứng trước nguy cơ đổ bể. Bởi vé máy bay chiếm từ 30 - 50% tổng giá thành một tour, tùy cự ly và chất lượng dịch vụ. Đối với những chuyến đi ngắn ngày, tiền vé chiếm tỷ lệ cao hơn.

Nghiên cứu tiêu dùng cho thấy, yếu tố giá là yếu tố quyết định mạnh nhất vào nhu cầu tiêu dùng. Xu hướng chung của các doanh nghiệp du lịch là tiết kiệm chi phí, thậm chí chịu lỗ để hạ giá kích cầu, mục tiêu đầu tiên là “lôi” khách ra khỏi nhà, dần làm ấm lại thị trường sau thời gian dài đóng băng. Do đó, nhiệm vụ của các nhà cung cấp dịch vụ trong giai đoạn này là làm sao có giải pháp tiết kiệm và quản lý chi phí hiệu quả nhất để có thể đưa ra các gói giá khuyến mãi kích cầu ưu đãi nhất. Vì vậy, với bất cứ lý do gì, hàng không để giá vé máy bay tăng cũng là “làm khó” du lịch. Khi vé giá rẻ không còn, triệt tiêu nhu cầu đi du lịch của người dân. Điều này cũng đi ngược với chủ trương kích cầu du lịch, khôi phục kinh tế mà Chính phủ đang đề ra.

Quan trọng hơn, hồi sinh du lịch chắc chắn không chỉ cho riêng các công ty du lịch mà cho nhiều ngành, như nhà hàng, khách sạn, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, hàng không… Nếu ngành du lịch tiếp tục “chạm đáy”, thì lấy ai đi máy bay? Theo số liệu khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia năm 2020, khách nội địa có nhu cầu đi du lịch bằng máy bay chiếm đến 51,7%. Nếu các nhà cung cấp dịch vụ không liên kết, không có sự thống nhất trong giai đoạn này thì chắc chắn không chỉ kéo ngành du lịch đi xuống. Kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy, rất nhiều chương trình kích cầu du lịch tại Việt Nam thất bại vì không có tính hệ thống, mạnh ai nấy làm. Không chịu liên kết, bắt tay nhau, chỉ cần thấy cơ hội là tăng giá, chèn ép khách hàng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh mặt bằng giá thấp như hiện nay, kích cầu nên được áp dụng trong giai đoạn dài để tạo niềm tin cho khách hàng. Thời điểm này nhu cầu và hành vi tiêu dùng của du khách đã thay đổi so với trước đây nên cần tính toán kỹ về định hướng sản phẩm, vừa phải an toàn, vừa phải hấp dẫn về giá cả, loại hình, chất lượng, có độ dài chuyến đi phù hợp. Do đó, các sản phẩm đưa ra phục vụ khách phải ưu đãi nhưng không thể bỏ qua chất lượng để giữ uy tín, thương hiệu. Chấp nhận giảm giá trong mức có thể tồn tại được vì mục tiêu chung là hướng đến việc lôi kéo đông lượng khách đi du lịch.

Vẫn biết các hãng hàng không đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí khó trụ vững trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài và việc hỗ trợ các hãng là cần thiết, nhưng rõ ràng các cơ quan quản lý Nhà nước cần có những giải pháp phù hợp từ chính sách, không nên để người dân và ngành du lịch phải chịu thêm gánh nặng. Bởi thực tế, cứ 10 người Việt Nam thì chỉ có gần 2 người từng đi máy bay. Tức là gần 90% dân số chưa được tiếp cận với dịch vụ hàng không mà nguyên nhân chủ yếu do mức sống của họ chưa với tới. Việc áp giá sàn sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá dịch vụ, khép lại cơ hội và quyền lợi được đi máy bay của hàng triệu người dân.

Chi An