Nhịp cầu

Để chính sách thực thi hiệu quả

- Thứ Hai, 12/04/2021, 06:37 - Chia sẻ

Là địa phương có nhiều dân tộc khác nhau sinh sống như: Kinh, Rắc lây, Chăm, K’ho… đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận chủ yếu sống tập trung ở các xã vùng cao như Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ, Đa Mi… Những năm gần đây, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã được chăm lo nhiều hơn, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư đã thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế của các xã vùng cao trên địa bàn.

Năm 2020, để tiếp tục thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển, nâng cao đời sống, huyện đã triển khai kịp thời các chế độ, chính sách, hỗ trợ phát triển sản xuất đối với đồng bào. Đơn cử như cho 10 hộ tại thôn Dân Hiệp, xã Thuận Hòa đăng ký đầu tư ứng trước giống lúa sản xuất 5ha và 456 hộ ở các xã Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ, Thuận Hòa ứng trước giống bắp lai để sản xuất 832ha… UBND huyện đã triển khai thực hiện dự án đầu tư hệ thống nước sạch tại xã La Dạ, Thuận Hòa. Cùng với đó, tuyến đường ĐT 714 nối quốc lộ 28 đi quốc lộ 55 đoạn Đông Tiến - Đông Giang được nâng cấp, đưa vào sử dụng cuối năm 2020 đã tạo thuận lợi cho việc giao thương phát triển kinh tế - xã hội miền núi, nhất là các xã Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ. Việc giao thương thuận lợi đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận nhanh hơn với công nghệ mới và đẩy mạnh giao thương, buôn bán.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế đã ra đời. Thông qua hướng dẫn, đồng bào đã từng bước canh tác hiệu quả các loại cây trồng, bước đầu hình thành được mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cây đậu bắp và hạt khổ qua ở xã Đông Tiến đạt hiệu quả. Trong năm 2020, đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 xã Đông Giang và La Dạ đã khai thác được 30 tấn mủ cao su, thu được 310 triệu đồng.

UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã tập trung chỉ đạo các cấp ngành, các địa phương quan tâm tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững bằng các chương trình cho vay ưu đãi phát triển sản xuất, vay vốn giải quyết việc làm. Đặc biệt là chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đã tiếp thêm động lực giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo an cư để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống… Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 2%, hộ cận nghèo giảm còn 5,19%.

Có thể nói, nỗ lực của UBND huyện đã tạo động lực, “đòn bẩy” cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với nỗ lực vươn lên của một bộ phận Nhân dân đã giúp đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện tiếp tục có nhiều khởi sắc, để họ có thêm niềm tin vào những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đông đảo cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn mong muốn thời gian tới, bên cạnh tăng cường đầu tư hạ tầng, ban hành những cơ chế, chính sách ưu đãi, các cơ quan chức năng tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, để chính sách được thực thi hiệu quả, thực sự tạo động lực, “đòn bẩy” phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

KHÁNH NGỌC