Bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

Đề cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức bầu cử

- Thứ Tư, 17/03/2021, 07:07 - Chia sẻ
Cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 23.5 tới là lần thứ ba nước ta tiến hành bầu cử cả đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày. Khối lượng công việc vô cùng lớn lại được vận hành trong một khoảng thời gian có hạn, khó tránh khỏi sơ suất. Vì thế, phải đề cao trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị phụ trách bầu cử, nhất là trong các nhiệm vụ thẩm định hồ sơ người ứng cử, tuyên truyền vận động bầu cử để cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử, khắc phục những hạn chế, sai sót đã từng xảy ra trong các cuộc bầu cử trước đây.

Kiểm tra, giám sát phải thật sự sâu sát, tỉ mỉ

Nhìn lại các cuộc bầu cử trước đây có thể thấy, dù công tác chuẩn bị và tổ chức bầu cử luôn là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị nhưng vẫn có thể xảy ra một số sai sót. Cụ thể là ở một vài địa phương, tới “phút chót” mới phát hiện ra những sai sót trong hồ sơ của một, hai ứng cử viên. Sát ngày bầu cử, không thể bổ sung ứng cử viên khác được nên đành thực hiện theo phương án rút bớt một đại biểu được bầu ở đơn vị bầu cử đó để bảo đảm nguyên tắc đủ số dư theo luật định.

Hiện nay, một số địa phương đã bắt đầu tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ ứng cử viên và sau đó, sẽ tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để chốt danh sách ứng cử viên chính thức. Do đó, cần hết sức sâu sát, chặt chẽ, tỉ mỉ trong việc rà soát danh sách, hồ sơ của ứng cử viên để tránh sai sót.

Một số đơn vị bầu cử, tổ bầu cử, nơi trực tiếp tác nghiệp cũng dễ xảy ra những thiếu sót về chuyên môn, nghiệp vụ làm ảnh hưởng đến quá trình bầu cử như: In sai họ/tên/tên đệm của người ứng cử... Có tỉnh để xảy ra tình trạng này ở 3 - 4 tổ bầu cử. Từ một nửa đến hai phần ba số cử tri đã bỏ phiếu mới phát hiện ra. Ủy ban Bầu cử tỉnh đã phải chỉ đạo lập biên bản, buộc phải dừng bỏ phiếu, in lại phiếu bầu (danh sách người ứng cử) và bỏ phiếu lại.

Một tình huống khác, ở cả hai lần bầu cử trước, một số khu vực bỏ phiếu có sơ suất trong việc kiểm soát số phiếu phát ra, số phiếu thu về không chặt chẽ và có những cử tri bỏ phiếu xong nhưng Thẻ cử tri không đóng dấu “Đã bỏ phiếu”. Các khu vực đó đều phải tổ chức bầu cử lại... Những thiếu sót này đã gây phức tạp, phiền toái, tốn kém chi phí và làm gián đoạn cuộc bầu cử...

Nguyên nhân trước hết là do thiếu tinh thần trách nhiệm và sự chủ quan của thành viên các tổ bầu cử đó khi làm nhiệm vụ; tiếp đó là sự chỉ đạo thiếu sâu sát của Ban bầu cử và sự giám sát của các cấp theo quy định của pháp luật bầu cử... Vì thế, những người trực tiếp làm phiếu bầu phải hết sức cẩn trọng; các thành viên Tổ bầu cử phải hết sức tập trung vào nhiệm vụ được phân công trong suốt cả ngày bầu cử, nhất là việc kiểm soát phiếu bầu, đóng dấu đã bỏ phiếu; các cấp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát phải thật sự sâu sát, tỉ mỉ, kỹ càng.

Thông tin, tuyên truyền hiệu quả hơn nữa

Ở góc độ khác, cũng có những thiếu sót xảy ra do cử tri. Theo quy định tại Điều 71 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thì việc bỏ phiếu được bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5 giờ sáng, hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 9 giờ tối cùng ngày. Để thực thi quyền lợi và nghĩa vụ này, ở khu vực nông thôn, cử tri thường thực hiện theo 2 phương án: Một là, tranh thủ làm tròn nghĩa vụ công dân, đi bỏ phiếu bầu cử trước; hai là, sáng đi làm cho “trọn ngày, đầy buổi” rồi cuối ngày mới về bỏ phiếu.

Thực tế cho thấy, tất cả những nơi thực hiện theo phương án một thì đều đạt kết quả tốt về tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử. Những nơi theo phương án hai thì không ít tổ bầu cử đã phải kéo dài thời gian bỏ phiếu. Cá biệt sắp tới giờ kết thúc, có những tổ bầu cử mới có hơn một nửa số cử tri đi bỏ phiếu khiến các nhiệm vụ cuối ngày của tổ bầu cử trở nên gấp gáp, dễ phát sinh sơ suất... Trong các nguyên nhân của thiếu sót này có thiếu sót của công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở chưa thật tốt, chưa theo đúng quy định của Điều 70, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND: “Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu bằng hình thức niêm yết, phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng khác của địa phương”.

Cũng có những thiếu sót do “cộng hưởng” từ nhiều công đoạn dồn lại. Trong một cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội trước đây, ở 6 đơn vị bầu cử trong cả nước có 37 ứng cử viên đạt trên 50% phiếu bầu, trong đó có 8 ứng cử viên đạt trên 55% và 3 ứng cử viên khác đạt trên 58% số phiếu bầu mà không trúng cử, trong khi bầu thiếu 7 đại biểu Quốc hội. Kết quả này có phần là do sắp xếp ứng cử viên vào đơn vị bầu cử có số dư lớn (ứng cử viên “ngang tài, ngang sức” là tốt, nhưng số dư lớn, 4 ứng cử viên, chỉ bầu lấy 2 thì phiếu bầu sẽ bị phân tán, chia đều); có phần do chỉ đạo chưa sát của Ủy ban Bầu cử địa phương; có phần do vận động bầu cử của các ứng cử viên và có phần do thiên kiến lựa chọn cụ thể của cử tri.

Những sai sót như vậy dù thế nào cũng sẽ tác động đến cuộc bầu cử. Do đó, các chủ thể có liên quan đều phải lưu ý khắc phục. Bộ máy thông tin, tuyên truyền cũng phải hoạt động hiệu quả hơn nữa, góp phần giúp cử tri chọn lựa được hợp lý và chính xác hơn.

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội