Thảo luận tại tổ 6 về điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế:

Đề cao tính tự lực, phát huy tính năng động, sáng tạo của địa phương

- Thứ Sáu, 22/10/2021, 12:50 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV, sáng 22.10, sau khi nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 địa phương gồm: thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, các ĐBQH đã thảo luận tại tổ về nội dung này.
	Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh điều hành phiên thảo luận tại Tổ 6
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh điều hành phiên thảo luận tại Tổ 6
Ảnh: Hồ Long

Thảo luận tại Tổ 6 về nội dung này gồm các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách, ĐBQH ở Trung ương thuộc các Đoàn ĐBQH: Hà Giang, Phú Thọ, Thái Bình, Quảng Trị, Đắk Lắk, Đồng Tháp và Hậu Giang.

Các ĐBQH cho rằng, hồ sơ đối với 4 địa phương đã bảo đảm để trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù tại Kỳ họp này. Bộ Chính trị cũng đã thảo luận kỹ và thống nhất về mặt chủ trương đối với cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 địa phương.
Các ĐBQH đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù cho 4 địa phương, nhằm tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội cho những địa phương này. Các đại biểu cũng nhấn mạnh, cơ chế đặc thù phải được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; có tác động lan tỏa vùng miền; gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, phát huy tính năng động, sáng tạo của địa phương.

Tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho rằng, trước đây chúng ta có cách tiếp cận là tiếp sức cho những "nơi yếu", nhưng do nguồn lực chúng ta không đủ mạnh nên cách tiếp cận này chưa hiệu quả. Bây giờ chúng ta chuyển sang cách tiếp cận là tăng nguồn lực cho những “nơi mạnh” để thúc đẩy phát triển. Đại biểu đánh giá cao dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù cho 4 địa phương này và đề nghị, cơ chế đặc thù cho Thừa Thiên Huế nên đặc thù hơn so với những nơi khác, do địa phương này đang phải đánh đổi, hy sinh nguồn lực cho phát triển để bảo tồn các di sản văn hóa được UNESCO công nhận ở địa phương này.

ĐBQH Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ)
Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ) cho biết, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cho phép hàng năm, ngân sách Trung ương (NSTW) bổ sung cho ngân sách địa phương (NSĐP) của các địa phương này không quá 70% số tăng thu từ các khoản thu phân chia giữa NSTW và NSĐP so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu), nhằm hỗ trợ thêm cho địa phương. Nghị quyết cũng có quy định “khoá” bảo đảm an toàn là bổ sung có mục tiêu và khống chế khoản bổ sung từ NSTW không vượt quá tổng số tăng thu so với thực hiện thu năm trước, ngân sách trung ương không hụt thu, để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương.

ĐBQH Ngô Trung Thành (Đắk Lắk)
Ảnh: Hồ Long

Theo dự thảo Nghị quyết, dự kiến quy hoạch đô thị trên địa bàn TP Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố này thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị… ĐBQH Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho rằng, cơ chế này tương tự cơ chế đặc thù đang thí điểm cho Đà Nẵng. Lý do phân cấp, phân quyền là nhằm rút ngắn thời gian thực hiện, điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên, thực tế trong công tác quản lý quy hoạch hiện đang nổi cộm vấn đề bức xúc là điều chỉnh quy hoạch quá nhiều, làm ảnh hưởng đến quy hoạch vĩ mô chung. Chúng ta đang hướng đến siết chặt quy trình trong quản lý quy hoạch. Nêu vấn đề này, đại biểu tỉnh Đắk Lắk đề nghị, Chính phủ cần giải thích, làm rõ hơn cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý quy hoạch nhằm tránh “vênh” với quan điểm bảo đảm quy trình chặt chẽ hơn trong quản lý quy hoạch.

Thanh Chi