ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh): Nâng cao chất lượng dự báo để có kịch bản ứng phó phù hợp

- Thứ Bảy, 30/10/2021, 11:07 - Chia sẻ
Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành, triển khai kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Về việc ban hành kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu cho rằng, việc kế thừa những thành quả đạt được cùng với hiện thực hoá mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đặc biệt hơn là dịch Covid-19 được xem là "cơ hội" quan trọng và cần thiết để Chính phủ ban hành kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh)

Về những hạn chế, yếu kém được nêu trong báo cáo thực hiện kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020, đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, tính cạnh tranh thấp, việc tổ chức thực hiện chưa hiệu quả. Theo đại biểu nguyên nhân này có phần chủ quan của các bộ, ngành trong việc tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành các văn bản luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Và chính sự chủ quan đó đã vô tình "trói buộc" các địa phương trong quá trình phát triển. Hạn chế này cần được khắc phục ngay trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Về nội dung kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu đề nghị Chính phủ chú ý đến 3 nội dung:

Một là, cần nâng cao chất lượng dự báo để có các kịch bản ứng phó phù hợp khi xây dựng kế hoạch cơ cấu trong giai đoạn 2021-2025. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với những biến thể mới, trong khi đến nay nước ta vẫn chưa chủ động được nguồn vaccine phòng Covid-19 cũng như đạt được tỷ lệ tiêm chủng để tạo miễn dịch trong cộng đồng. Do đó, trong giai đoạn này phải linh hoạt để kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 vì không có dự báo tốt sẽ không đưa được các kế hoạch ứng phó tốt nhất với từng ổ dịch, từng vùng… và chúng ta khó có thể đạt được các mục tiêu đề ra trong kế hoạch này.

Hai làcần xây dựng cơ chế chính sách đột phá để thu hút nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế trong bối cảnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước có giới hạn. Những cơ chế, chính sách đột phá đó cần được xây dựng dựa trên tiềm năng, lợi thế để tạo đà phát triển toàn diện các ngành, các lĩnh vực hay các địa phương, vùng miền, đặc biệt là tài nguyên để phát triển năng lượng tái tạo. Đây là nguồn tài nguyên vô hạn và có giá trị vô cùng to lớn nếu chúng ta có cơ chế phát triển đột phá nhằm thu hút đầu tư, khai thác tối đa nguồn tài nguyên này để phục vụ cho việc phát triển nền kinh tế của đất nước.

Ba là, phân bổ ngân sách nhà nước để đầu tư nâng cao năng lực của ngành y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở để thích nghi an toàn với tình hình dịch bệnh Covid-19. Dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã cho chúng ta nhiều bài học và chỉ ra nhiều điểm hạn chế, yếu kém cần phải nghiêm túc nhìn nhận để có hướng để khắc phục và thích nghi phù hợp.

"Chính phủ cần tập trung phân bổ nguồn lực để đầu tư cho ngành y tế sản xuất sinh phẩm, vaccine và trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống, điều trị Covid-19. Bên cạnh đó, cũng cần đầu tư mỗi địa phương ít nhất một bệnh viện tuyến tỉnh, một khoa, phòng; bệnh viện tuyến huyện đầy đủ các trang thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19. Có như thế mới có thể thích nghi với tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trong giai đoạn tới", đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị. 

Đức Hiệp