Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Cần mở rộng loại hình và đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp

- Thứ Sáu, 29/10/2021, 12:02 - Chia sẻ
Sáng 29.10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Trao đổi bên hành lang Kỳ họp về nội dung bảo hiểm nông nghiệp, ĐBQH NGUYỄN THỊ KIM ANH (Bắc Ninh) cho rằng, việc triển khai loại hình bảo hiểm này được Nhà nước quan tâm nhưng mới chỉ dừng lại ở mô hình thí điểm, kết quả thực hiện còn hạn chế. Đại biểu đề nghị cần mở rộng loại hình và đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp để thu hút nông dân và doanh nghiệp bảo hiểm tham gia.

- Là đại biểu có nhiều năm công tác trong ngành nông nghiệp, bà đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của bảo hiểm nông nghiệp đối với ngành?

- Bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) nói riêng là công cụ tài chính được sử dụng để quản lý rủi ro làm tổn thất tài chính, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. BHNN còn giúp ngành nông nghiệp hoàn thiện các quy trình sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.

Để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn, hiện đại và hiệu quả, vận hành phù hợp với các quy luật của kinh tế thị trường, nhiều nước trên thế giới đã rất quan tâm đến hỗ trợ phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp, có sự phân biệt rõ ràng, không trùng lặp với các chính sách hỗ trợ sau thảm họa, mang lại phúc lợi cả về kinh tế và xã hội cho nông dân.

Ví dụ như chương trình bảo hiểm cây trồng của Mỹ hiện áp dụng cho hơn 100 loại cây trồng, bảo hiểm mọi rủi ro với doanh thu khoảng 5 tỷ USD/năm. Ở Trung Quốc, năm 2020, gần 24% số hộ nông dân và cơ sở sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Thái Lan, đã thực hiện bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp cho tất cả nông dân. Chính phủ Thái Lan hỗ trợ 80% phí bảo hiểm cây lúa... Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy, BHNN chỉ thành công nếu có sự quan tâm, hỗ trợ từ Nhà nước.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh)

- Nông nghiệp được xem là “trụ đỡ” vững chắc cho nền kinh tế, đặc biệt là trong những thời điểm biến động nhưng người sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Việc triển khai thực hiện nảo hiểm nông nghiệp trên thực tế đã phát huy hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn chưa, thưa đại biểu?

- Nông nghiệp là ngành kinh tế dễ bị “tổn thương”. Ở nước ta, thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tục, như tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long năm 2016 và năm 2019; lũ lụt miền trung 2020 hay dịch tả lợn Châu phi hoành hành từ năm 2018 đến nay. Đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 bùng phát và chưa biết đến lúc nào kết thúc; khu vực nông nghiệp đã chứng tỏ là “trụ đỡ quan trọng” của nền kinh tế. Khu vực này không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu người dân trong nước mà còn duy trì kim ngạch xuất khẩu trên 42,0 tỷ USD năm 2020 và là số ít khu vực duy trì thặng dư thương mại dương.

Đánh giá cao sự đóng góp của khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, đây là khu vực còn rất nhiều khó khăn. Người nông dân còn chịu nhiều thiệt thòi. Các cơ chế chính sách trong đó có BHNN tuy được Nhà nước quan tâm nhưng hiệu quả thực hiện chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. BHNN mới chỉ dừng lại ở mô hình thí điểm (năm 2011 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg thí điểm hỗ trợ BHNN cho ba ngành chính là trồng trọt (lúa), chăn nuôi (trâu, bò và gia cầm) và nuôi trồng thủy sản (tôm và cá tra) ở 20 địa phương; năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp).

Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gần đây cho thấy, giai đoạn thí điểm theo Quyết định 315 từ 2011-2013, tại 20 tỉnh, thành phố chỉ thu hút được sự sự tham gia của 236.396 người trồng lúa, 60.133 người chăn nuôi và 7.487 hộ nuôi trồng thủy sản; giai đoạn 2018 thí điểm theo Nghị định 58, kết quả thực hiện BHNN cũng rất hạn chế.

- Cụ thể thế nào, thưa đại biểu?

- Đối với BHNN được ngân sách hỗ trợ phí bảo hiểm, chỉ có Nghệ An ký được hợp đồng bảo hiểm giữa DN bảo hiểm Bảo Minh với 7.291 hộ trồng lúa, diện tích 1.465 ha. Triển khai BHNN với Trâu bò, chỉ triển khai được tại Hà Giang với mức phí bảo hiểm đạt 2.600 triệu đồng cho 3.793 con trâu bò của 3.484 hộ.

Riêng bảo hiểm thủy sản (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) chưa có địa phương nào triển khai thành công. Đối với việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp thương mại theo hình thức tự nguyện (Nhà nước không hỗ trợ phí). Tuy có một số công ty bảo hiểm hiện đang triển khai như ABIC, Công ty Bảo Minh; Công ty bảo hiểm quân đội (MIC) nhưng quy mô rất nhỏ chỉ từ vài chục đến vài trăm hộ nông dân, đơn vị sản xuất nông nghiệp với các đối tượng cây trồng, vật nuôi cũng rất hạn chế, chủ yếu là cao su, keo, chăn nuôi trâu, bò…

- Để thu hút người nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp bảo hiểm mặn mà hơn với lĩnh vực này, đại biểu có đề xuất gì?

- Thứ nhất, theo tôi cần mở rộng đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp (không chỉ có hộ nghèo, cận nghèo), mà cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với người sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thực hiện tốt các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Thứ hai, mở rộng loại hình bảo hiểm nông nghiệp như: quy định về rủi ro thiên tai, dịch bệnh (không chỉ các rủi ro bởi dịch hai trực tiếp trên cây trồng, vật nuôi);

Thứ ba, có chính sách hỗ trợ để giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp bảo hiểm (như cơ chế bảo lãnh, BHNN gắn với tín dụng, tái bảo hiểm, hỗ trợ một phần chi phí tác nghiệp...) để khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia BHNN.

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và liên kết chuỗi ngành hàng tham gia BHNN, khắc phục tình trạng manh mún trong sản xuất nông nghiệp;

Thứ năm, hỗ trợ điều tra, khảo sát, nghiên cứu và dự báo tình hình sản xuất nông nghiệp về các loại rủi ro và tần suất xảy trên thị trường liên quan đến từng đối tượng bảo hiểm, tạo niềm tin giữa Doanh nghiệp bảo hiểm và người nông dân tham gia bảo hiểm.

Với những giải pháp đã nêu ở trên, tôi đề nghị nội dung về bảo hiểm nông nghiệp không chỉ được thể hiện ở 1 phần của khoản 2, khoản 3 Điều 5, mà nên thiết kế một số điều để thể hiện trong dự thảo luật. Có như vậy, mới góp phần thể chế hóa đầy đủ nội dung về bảo hiểm nông nghiệp, giúp người nông dân yên tâm sản xuất, chống lại đói nghèo, chia sẻ một phần rủi ro cho các doanh nghiệp bảo hiểm; duy trì, phát triển hiệu quả, bền vững khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn, mang lại phúc lợi lâu dài cho người sản xuất nông nghiệp.

- Xin cảm ơn đại biểu!

Chi An