ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An): Có sự “chảy máu tài năng” trong kinh doanh và khoa học công nghệ?

- Thứ Bảy, 30/10/2021, 17:10 - Chia sẻ
Tham gia thảo luận tại Nhà Quốc hội sáng 30.10 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế và quy hoạch sử dụng đất quốc gia, ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) đề nghị tạo môi trường kinh doanh ở nước ta chưa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Đại biểu băn khoăn khi số lượng doanh nghiệp Việt Nam phát triển chưa đạt như mong muốn, nhưng giai đoạn 2016 - 2020 có nhiều doanh nghiệp Việt Nam phát triển doanh nghiệp tại Singapore. Đây còn là sự “chảy máu tài năng” trong kinh doanh và khoa học công nghệ.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu bày tỏ sự đồng tình cao với nhiều nhận định của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội trong báo cáo thẩm tra về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; trong đó có những phân tích về mục tiêu phát triển doanh nghiệp. Đây là chỉ số được quan tâm hiện nay, nhất là trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát. 

ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) phát biểu tại điểm cầu Nhà Quốc hội

Bên cạnh đó, đại biểu băn khoăn khi số lượng doanh nghiệp Việt Nam phát triển chưa đạt như mong muốn, nhưng giai đoạn 2016 - 2020 có nhiều doanh nghiệp Việt Nam phát triển doanh nghiệp tại Singapore. Mặc dù chưa có số liệu chính thức, nhưng với sự sôi động của thị trường tư vấn thành lập doanh nghiệp của người Việt Nam tại Singapore đã cho thấy, nhu cầu này ở Singapore là rất lớn. Đặc biệt đa số doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, trong đó hiện nay đã có những doanh nghiệp đang phát triển rất mạnh về khoa học cộng nghệ và thương mại điện tử.

Thực tế trên, theo đại biểu đang phản ánh 2 vấn đề: Đó là các quy định về thành lập các doanh nghiệp ở nước ta chưa có sức thu hút lớn. Quan trọng hơn là môi trường kinh doanh ở nước ta chưa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Nếu tình trạng này tiếp diễn sẽ ảnh hưởng đến các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 nói chung và mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo nói riêng. Đây còn là sự “chảy máu tài năng” trong kinh doanh và khoa học công nghệ. Bởi vậy, trong giai đoại 2021 - 2025, Quốc hội, Chính phủ cần có những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để thu hút những người Việt có ý tưởng đổi mới sáng tạo, khởi sự kinh doanh ở Việt Nam.

Để làm được điều này, ngoài đồng tình với chủ trương của Chính phủ về tập trung cải cách thể chế là giải pháp mang tính đột phá, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng đã kiến nghị, nhấn mạnh 3 vấn đề:

Thứ nhất, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong xây dựng thể chế, ngoài việc chủ trương lập pháp từ sớm, từ xa, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm thì việc xây dựng thể chế còn phải đạt mục tiêu hướng tới đổi mới sáng tạo. Đây là vấn đề mà nhiều quốc gia trên thế giới đang xem là một trong những trọng tâm trong xây dựng lập pháp. 

Gần đây tổ chức OECD đã đưa ra những điều cần lưu ý trong xây dựng pháp luật để thúc đẩy đổi mới sáng tạo; trong đó có việc phải đánh giá rõ những tác động của quy định pháp luật về sự phát triển của công nghệ, các quy định pháp luật phải hướng đến nâng cao sự cạnh tranh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ưu tiên sử dụng các phương pháp điều chỉnh, thân thiện với sự phát triển của công nghệ, như coi trọng các công cụ điều chỉnh mang tính kinh tế, coi trọng các thảo thuận hơn đặt ra các tiêu chuẩn cứng nhắc.

Thứ hai, cần sớm nghiên cứu, ban hành các quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Nội dung này đã được đề cập trong định hướng hoạt động lập pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã có kế hoạch xây dựng dự thảo nghị định về cơ chế thử nghiệm công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên đây là vấn đề mới, dự kiến có nhiều nội dung chưa được pháp luật hiện hành quy định, đồng thời có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau mà không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Vì vậy, Chính phủ cần nghiên cứu theo hướng trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để thể hiện rõ chủ trương đổi mới sáng tạo, đồng thời có cơ sở triển khai thống nhất trên nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau.

Thứ ba, để thực hiện mục tiêu cải cách thể chế phục vụ cho phát triển, phục vụ cho đổi mới sáng tạo thì cần nghiên cứu để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ xem xét, thông qua các dự án luật. Theo quy trình lập pháp hiện nay, thông thường thời gian để một dự án luật thông qua kể từ thời điểm đưa vào chương trình xây dựng pháp luật là khoảng 1 năm đối với dự án luật được thông qua tại 1 Kỳ họp; khoảng 1 năm rưỡi đến 2 năm đối với dự án được xem xét, thông qua tại 2 Kỳ họp; thậm chí là 2 năm rưỡi nếu thông qua tại 3 Kỳ họp. Với “tốc độ” như vậy nếu không được cải tiến, đổi mới thì khó có thể hoàn thành mục tiêu cải cách thể chế, phục vụ đổi mới và phát triển trong giai đoạn sắp tới. Riêng đề án lập pháp trong nhiệm kỳ đã bao gồm hơn 130 nhiệm vụ.

Phương Thảo