ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn): Khẳng định vai trò của nông nghiệp

- Thứ Bảy, 30/10/2021, 11:01 - Chia sẻ
Ngành nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, sự thay đổi của ngành nông nghiệp ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập, nâng cao mức sống về mọi mặt của hàng chục triệu nông dân, ảnh hưởng lớn tới bộ mặt của nông thôn.

Theo đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái, qua hai năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới và trong nước, chúng ta cảm nhận rõ nét và khẳng định vai trò của nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, khu vực nông thôn lại trở thành chỗ dựa vững chắc, sẵn sàng "dang tay" đón lao động từ các khu công nghiệp, các thành phố lớn quay trở về như thời gian vừa qua. Nhưng qua đây cũng nhận thấy rằng ngành nông nghiệp cũng cần phải thay đổi, phải cơ cấu lại để thích ứng với hiện thực nhiều biến động và đòi hỏi ngày càng tăng của thị trường.

Tôi đồng tình và nhất trí cao với mục tiêu, các chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp như báo cáo đã nêu. Có thể nói các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đưa ra đã cơ bản giải quyết những tồn tại, hạn chế của ngành nông nghiệp hiện nay là thiếu bền vững, kinh tế còn nhỏ lẻ, ruộng đất sản xuất manh mún và thị trường tiêu thụ thiếu ổn định.

Chính phủ đưa ra các giải pháp về kinh tế số, kinh tế xanh và giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Các giải pháp đưa ra đã bám sát các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, vẫn còn một số băn khoăn như sau. Thứ nhất, trong báo cáo có nêu về bối cảnh kinh tế trong nước, tính tự chủ của nền kinh tế thấp, phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài. Nội dung này đánh giá hoàn toàn đúng, bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp. Trên thực tế hiện nay, mặc dù là thời điểm nông nghiệp sản xuất gạo lớn nhất thế giới, nhưng Việt Nam cũng là nước nhập khẩu các nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp rất lớn. Ví dụ, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan ngày 1.10.2021, số tiền chi trả để nhập khẩu các mặt hàng từ đầu năm đến thời điểm báo cáo về thức ăn chăn nuôi, thức ăn gia súc và nguyên liệu thuốc trừ sâu, nguyên liệu phân bón các loại đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt trong mấy tháng gần đây, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã khiến cho doanh nghiệp, các hộ nông dân chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn và thua lỗ. Nguyên nhân giá thức ăn tăng cao là do tác động của dịch bệnh dẫn đến giá cả và chi phí vận chuyển đều tăng.

Từ những dẫn chứng như trên, tôi cho rằng ngành nông nghiệp cần phải có giải pháp tự chủ về nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón, các nguyên liệu khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Cùng với việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hỗ trợ người nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành, từ đó tăng khả năng cạnh tranh với thị trường quốc tế. Tuy nhiên, trong mục tiêu chưa đề cập đến việc tự chủ của ngành nông nghiệp từ việc chưa đưa ra mục tiêu ghi trong báo cáo, cũng chưa nêu nhiệm vụ, giải pháp về vấn đề này. Tôi đề xuất với Chính phủ, nghiên cứu, xem xét đưa nội dung tiến tới tự chủ về nguyên liệu sản xuất vào trong mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Thứ hai, nội dung nhiệm vụ, giải pháp có nêu xây dựng và phát triển hệ thống thông tin về giá cả thị trường; xây dựng trang web thông tin hàng ngày giá cả nông sản chủ lực trong nước và thế giới; thông tin các danh mục sản phẩm, giá cả nông sản chủ lực của doanh nghiệp trong nước; dự báo nhu cầu trong nước và thế giới. Đây là nội dung mà các doanh nghiệp cũng như người nông dân đang rất mong đợi để có được thông tin về giá cả thị trường rõ ràng, để trên cơ sở đó người nông dân, doanh nghiệp biết mình cần phải sản xuất mặt hàng làm gì, mua con giống uy tín chất lượng ở đâu và bán sản phẩm ở thị trường nào. Tuy nhiên, trong danh mục các đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp không có mục nào thực hiện nhiệm vụ này. Tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có giải pháp thực hiện nhiệm vụ này hiệu quả, đáp ứng được mong đợi của người nông dân.

Thứ ba, để góp phần thực hiện được mục tiêu, chỉ tiêu về giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng với các tỉnh miền núi có thế mạnh của mình phát triển kinh tế đồi rừng, trong đó bao gồm cả tỉnh Lạng Sơn hiện nay đang gặp khó khăn trong việc cải tạo rừng nghèo kiệt và rừng sản xuất, sang trồng rừng mới có giá trị kinh tế cao hơn góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Do đó, tôi đề xuất Chính phủ sớm có chỉ đạo, hướng dẫn Chỉ đạo số 13 ngày 12.1. 2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, phù hợp với từng vùng, tạo điều kiện để người dân có thể dựa vào rừng để phát triển kinh tế mà vẫn bảo đảm việc bảo vệ và phát triển rừng.

Xuân Tùng