ĐBQH Bùi Văn Nghiêm (Vĩnh Long): Sớm ban hành và thực hiện các quy hoạch

- Thứ Bảy, 30/10/2021, 11:42 - Chia sẻ
Với 5/22 chỉ tiêu kinh tế chưa đạt như báo cáo giai đoạn 2016-2021 đã đánh giá, đại biểu Bùi Văn Nghiêm đề nghị Chính phủ, các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện, nhất là nguyên nhân chủ quan làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế, những hạn chế, bất cập trong thực hiện các mục tiêu về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động, từ đó có giải pháp thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tiếp theo.

Cho ý kiến về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp phải gắn với triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn theo hướng tập trung cả vốn Trung ương và địa phương; phối hợp vốn đầu tư Trung ương, địa phương và giữa các địa phương có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư triển khai phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Tiếp đó, cần sớm ban hành và thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương. Định hướng và khai thác hiệu quả trong hợp tác, liên kết vùng, gia tăng ở thế lan tỏa trong nâng cao chất lượng, nâng cao chuỗi giá trị của các ngành và thế mạnh vùng, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu đối với các ngành dễ bị tổn thương. Thúc đẩy cơ cấu lại không gian kinh tế, hợp tác hiệu quả hơn, trong đó tiếp tục tăng cường đầu tư, phát triển nguồn nhân lực để thực hiện có hiệu quả chủ trương phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu. Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, các dự án đường cao tốc tại khu vực cũng như các dự án thủy lợi lớn, hồ chứa nước ngọt, có cơ chế ưu tiên đầu tư nguồn lực để phát triển chế biến và thương mại trong chuỗi giá trị nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ứng dụng khoa học nông nghiệp để có các giải pháp căn cơ, hiệu quả tháo gỡ các điểm nghẽn về giống, thức ăn và chế biến, sớm thực hiện mục tiêu xác lập lại mục tiêu phát triển gắn với thích ứng biến đổi khí hậu ở ba ngành chủ lực là thủy sản, cây ăn trái và lúa gạo, giúp khu vực đồng bằng Sông Cửu Long thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, triển khai chính sách đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu tăng trưởng kinh tế, trong đó ưu tiên triển khai các gói hỗ trợ đặc thù; đa dạng các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo, hướng nghiệp phù hợp với từng đối tượng. Cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận chính sách, tạo động lực cho phát triển kinh tế.

Cùng với đó, tiếp tục ban hành chính sách và triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển; ưu tiên đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch.

Nam Anh