Đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể

- Thứ Sáu, 08/10/2021, 06:19 - Chia sẻ
Chiếm khoảng 30% GDP của cả nước, hộ kinh doanh cá thể là khu vực tạo ra số lượng việc làm rất lớn cho xã hội. Mặc dù vậy, làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 đã và đang khiến hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí không có doanh thu trong thời gian dài. Trong khi đó, việc tiếp cận với các gói hỗ trợ của Chính phủ gặp không ít khó khăn.

Hết giãn cách, khách vẫn đìu hiu

Làn sóng dịch bệnh Covid-19 đã khiến phần lớn người dân chuyển hẳn qua mua sắm trực tuyến hoặc đến các siêu thị mua đồ, hoạt động chợ truyền thống dường như bị tê liệt, nhiều hàng quán đóng cửa, doanh thu giảm sút, thậm chí không có doanh thu, trong khi phải “gánh” nhiều chi phí. Có thể thấy, đợt cao điểm dịch bệnh lần thứ 4 đã làm cho kinh tế nhiều hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. 

	Dù đã được mở cửa hàng tạp hóa, nhưng khách vẫn thưa thớt
Dù đã được mở cửa hàng tạp hóa, nhưng khách vẫn thưa thớt

Đơn cử, với hơn 1.000 hộ kinh doanh cố định, chợ Hà Đông được biết đến là nơi mua sắm sầm uất tại Hà Nội. Thế nhưng từ khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát đến nay chợ này trong cảnh đìu hiu. Hiện, nhiều ki ốt tại chợ đóng cửa, chỉ mở để quét dọn, tránh hư hỏng, ẩm mốc hàng hóa. Trao đổi với phóng viên, đại diện Ban quản lý chợ Hà Đông Nguyễn Thị Hương chia sẻ: “Chợ bị ảnh hưởng rất nhiều, các hộ kinh doanh vẫn bán hàng nhưng chợ rất vắng. Những mặt hàng như quần áo, tạp hóa, giày dép là những mặt hàng không thiết yếu lại càng bị ảnh hưởng nhiều hơn. Những người kinh doanh đứng ngồi không yên, trong khi đó thuế, phí, tiền thuê mặt bằng đến tháng phải vẫn trả”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân - chủ cửa hàng nước ép tại 16C Lê Duẩn, Hà Nội bùi ngùi: "Ế hàng lắm nhà báo ạ, doanh thu chỉ bằng 1/10 so với trước dịch. Nhân viên nghỉ việc, giờ mình tôi xoay xở, tiết kiệm chi phí". Cũng như bà Xuân, chị Nguyễn Thị Kim Hiền - chủ cửa hàng vàng mã ở chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho biết, mặc dù đã kết hợp bán hàng từ online, qua điện thoại, thậm chí những ngày giãn cách chị đứng ở khu vực gần chợ để bán cho khách quen nhưng cũng không được là bao. Mọi năm vào tháng 7 âm lịch, bán hàng cả ngày đêm không hết, nhưng năm nay chỉ vài khách hàng quen mua.

Theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hộ kinh doanh được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: Có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế; Phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01.5.2021 đến ngày 31.12.2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19.

Nới lỏng tiêu chí thụ hưởng

Ngày 9.9.2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Theo đó, Nghị quyết này tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid -19; hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch Covid-19.

Trước đó, liên quan đến đối tượng này, Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg cũng có quy định hộ kinh doanh cá thể tạm dừng vì ảnh hưởng Covid -19 cũng thuộc nhóm được hỗ trợ. Cụ thể, tất cả các hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có khai báo thuế và phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đều được hỗ trợ 3.000.000 đồng/hộ/1 lần.

Và, mới đây Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Trong đó, nhiều đối tượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc các lĩnh vực kinh doanh gặp khó khăn do dịch Covid-19 đã được Bộ Tài chính bổ sung vào diện gia hạn tiền thuê đất trong năm 2021.

Có thể thấy, đến thời điểm này có rất nhiều văn bản liên quan đến việc hỗ trợ cho nhóm đối tượng là hộ kinh doanh cá thể, song theo khảo sát của phóng viên thì số hộ kinh doanh biết đến văn bản này chưa nhiều. Chị Nguyễn Thị Kim Hiền - chủ cửa hàng vàng mã ở chợ Nghĩa Tân cho hay, "chị không biết đến các chính sách này, chưa được ai phổ biến đến mà cũng không xem báo, đài gì". Khi được phóng viên cho biết về mức hỗ trợ và thủ tục thực hiện chị Hiền cho biết, chị sẽ tìm hiểu và thực hiện các thủ tục luôn.

Thực tế, quá trình triển khai hỗ trợ còn chậm trễ và hiện các tiêu chí về miễn giảm thuế, phí từ các gói hỗ trợ quá chặt chẽ khiến các hộ kinh doanh cá thể gặp rất nhiều khó khăn, khó tiếp cận các chính sách vì không đáp ứng được các tiêu chí đặt ra. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, tiểu thương chợ Hà Đông, Hà Nội cho biết, hiện các đối tượng bán hàng rong đã nhận các gói hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh cá thể lại phải đáp ứng quá nhiều tiêu chí theo quy định nên đến nay nhiều hộ kinh doanh cá thể vẫn chưa thể tiếp cận được các gói hỗ trợ. 

Bài và ảnh: B. Anh – Ng. Ngân