Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển:

Đầu tư công - động lực dẫn dắt đầu tư toàn xã hội

- Thứ Năm, 11/02/2021, 06:05 - Chia sẻ

	Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương Ảnh: Trí Dũng
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương
Ảnh: Trí Dũng
Ảnh: Trung Thành

Giai đoạn 2021 - 2025 là lần thứ hai chúng ta thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm. Tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV đã cho ý kiến bước đầu về dự thảo kế hoạch này, chuẩn bị “nguyên liệu” để Quốc hội Khóa XV xem xét, quyết định. Trao đổi về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đầu tư công phải là động lực dẫn dắt đầu tư toàn xã hội, nhường dần “dư địa” cho các thành phần kinh tế khác cùng tham gia. Kết hợp công - tư chính là cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có “bàn tay” của Nhà nước.

Tiếp tục tăng thu, tiết kiệm chi, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển

- Đầu tư công là một trong những nội dung quan trọng của tổng cầu. Tại kỳ họp cuối năm 2020, Quốc hội Khóa XIV đã có sự chuẩn bị bước đầu để Quốc hội Khóa XV quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Phó Chủ tịch có thể cho biết trọng tâm ưu tiên của đầu tư công giai đoạn 5 năm tới là gì?

- Nhiệm kỳ 2021 - 2025 là lần thứ hai chúng ta thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm. Trước đây, chúng ta thực hiện kế hoạch đầu tư công theo từng năm. Qua tổng kết và kinh nghiệm rút ra từ việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm qua, chúng ta đã thấy được những điểm mạnh, điểm yếu. Tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV đã cho ý kiến bước đầu về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Đây là bước chuẩn bị "nguyên liệu" để Quốc hội Khóa XV xem xét, quyết định theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Theo đó, Quốc hội Khóa XIV đồng tình với đề xuất của Chính phủ, đó là trong nhiệm kỳ tới, tốc độ tăng trưởng về thu ngân sách từ 1,1 - 1,2 lần so với giai đoạn trước. Chi ngân sách cũng tăng tương ứng và giữ cho được nợ công và bội chi ở mức thấp hơn giai đoạn trước. Giai đoạn trước nợ công là 65%, thì giai đoạn tới phải xuống 60% và bội chi 4% thì giai đoạn 2026 - 2030 phải thấp hơn, bình quân dưới 3%.

Một câu hỏi đặt ra là, trong bối cảnh kinh tế - xã hội, tăng trưởng gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, chúng ta dự kiến mức tăng trưởng khoảng 6 - 7%, theo đó thu ngân sách cũng giảm tỷ trọng, thì đầu tư công trung hạn sẽ như thế nào? Tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội đồng tình với Chính phủ rằng, trong nhiệm kỳ tới sẽ bố trí đầu tư công khoảng 2,7 triệu tỷ đồng - cao hơn kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn trước (đề ra là 2 triệu tỷ đồng và thực hiện là 2,1 triệu tỷ đồng) khoảng gần 30%.

- Thực tế cho thấy, nhu cầu đầu tư công của nước ta đang rất lớn trong khi nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp. Vậy trật tự ưu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới là gì để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn này, thưa Phó Chủ tịch?

- Ưu tiên hàng đầu là bố trí cho những công trình dở dang, chuyển tiếp, những phần còn nợ của toàn bộ giai đoạn trước, nhất là một số khoản từ nhiệm kỳ trước chưa được sử dụng phải chuyển sang giai đoạn này. Ví dụ như dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, dự án đường cao tốc Bắc - Nam, và nhiều dự án khác… mà Quốc hội Khóa XIV đã quyết định, nhưng chưa giải ngân được, sẽ chuyển sang nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Chúng ta sẽ phải tiếp tục bố trí vốn để triển khai các dự án, công trình này.

Thứ hai, bố trí ưu tiên cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (khoảng 131.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2021 - 2025); Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (với mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành); và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thứ ba là ưu tiên cho các công trình trọng điểm quốc gia. Trong đó, chúng ta phải đầu tư để có thêm ít nhất 700km đường cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn trước chúng ta đã quyết định đầu tư 650km), nối từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh, và các đường cao tốc kết nối với vùng, địa phương trọng điểm, bảo đảm có thể nối được toàn tuyến Bắc - Nam. Phấn đấu sẽ có khoảng 5.000km đường cao tốc đến năm 2030.

Thứ tư là các tuyến đường ven biển, chống sạt lở bờ biển, bờ sông và các công trình bảo đảm an toàn hồ đập, an ninh nguồn nước. Chúng ta hiện còn 550km đê biển từ Hà Tiên đến Tiền Giang cần đầu tư, rồi hệ thống l công trình thủy lợi, bảo đảm nước tưới tiêu cho các tỉnh, vùng bị khô hạn Bình Thuận, Ninh Thuận... Quốc hội đã ban hành Nghị quyết yêu cầu Chính phủ xây dựng Đề án về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập. Chúng ta có khoảng 1.200 hồ, đập đang bị xuống cấp cần đầu tư sửa chữa, nâng cấp.

Cho nên, nghe 2,7 triệu tỷ đồng có vẻ lớn, nhưng nguồn lực bố trí cho đầu tư công rất eo hẹp. Thực tế, cứ mỗi km đường cao tốc, chúng ta mất khoảng 200 tỷ đồng, mỗi km đê biển ít nhất là 20 tỷ đồng, rồi việc sửa chữa khoảng 1.200 hồ lớn nhỏ cũng không phải ít tiền. Chưa kể những công trình, dự án chuyển sang từ giai đoạn trước… Trong bối cảnh như vậy, chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu, tiết kiệm chi để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.

	Nguồn: ITN

Đầu tư công là “chất xúc tác”, không phải “cây gậy thần”

- Năm qua, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm, đó là giải ngân vốn đầu tư công chậm, “có tiền mà không tiêu được”. Phó Chủ tịch nhìn nhận như thế nào về thực trạng này?

Thực ra phải nhìn nhận thế này, thường những quy định mới bao giờ cũng gặp khó khăn khi thực hiện. Chúng ta nói giải ngân chậm, song có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Có nguyên nhân do tổ chức thực hiện chưa tốt, và có nguyên nhân do quy định của pháp luật đã tạo khuôn khổ pháp lý mới với yêu cầu phải thực hiện nghiêm. Luật Đầu tư công mà Quốc hội thông qua đề ra một nguyên tắc “cứng”, đó là đã bố trí dự án thì phải đủ thủ tục và bố trí đủ vốn, chỉ ra được khả năng cân đối vốn.

Còn việc vốn đã có, nhưng lại không tiêu được, tôi cho là xuất phát từ công tác chuẩn bị chưa tốt. Vì rằng, anh muốn tiêu được vốn đã bố trí cho dự án, thì phải có đầy đủ, từ thiết kế, dự toán đến thẩm định, giải phóng mặt bằng…, điều này khác với trước đây, thậm chí có dự án giải ngân, ứng trước khi chưa đủ điều kiện, “vừa chạy vừa xếp hàng”. Kể từ khi Luật Đầu tư công có hiệu lực thì không cho phép cách làm cũ nữa. Đây là bài học chúng ta rút ra từ thực tiễn, đó là khi xây dựng dự án đừng có “trên trời”. Thực tế và bài học của nhiều nước cho thấy, họ chuẩn bị 10 năm cho một dự án và thực hiện trong 3 năm. Chúng ta có khi chuẩn bị chỉ 6 tháng, nhưng thực hiện tới 10 năm chưa xong.

- Nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng, Luật Đầu tư công “bó” quá…, thưa Phó Chủ tịch?

- Tôi không cho là vậy. Quy định trong Luật Đầu tư công là những vấn đề có tính nguyên tắc. Như trên đã nói, để một dự án được phê duyệt thì phải có thiết kế, phải thẩm định, đánh giá hiệu quả, đấu thầu…, về mặt thời gian có thể chậm, nhưng “chậm mà chắc”. Đây là sự thận trọng cần thiết, sự thay đổi rất căn bản. Khi đã thành nền nếp thì việc này sẽ trở thành bình thường, cũng giống như khi tham gia giao thông, có trật tự trong giao thông thì giải được ách tắc, xung đột. Đó cũng là kỷ luật của Nhà nước pháp quyền. Thực hiện được như vậy, tôi cho rằng, chính là chúng ta đổi mới được về mặt tư duy trong quá trình tổ chức thực hiện. Xét cho cùng, phải chấp hành pháp luật và lấy hiệu quả làm chính.

- Vậy sự chậm giải ngân trước mắt này nên nhìn nhận là sự thay đổi tích cực, tất yếu, thưa Phó Chủ tịch?

- Thực ra chậm không phải là sự tích cực, nhưng chậm mà bảo đảm hiệu quả, bảo đảm sự chắc chắn còn hơn nhanh mà ẩu, "dục tốc, bất đạt". Ở đây là sự thay đổi cách làm. Khi đã vào nền nếp, tôi tin sẽ không chậm nữa. Chúng ta phải hình thành thói quen muốn có vốn cho dự án, công trình thì phải có sự chuẩn bị rất kỹ, đúng quy định của pháp luật. Nếu chúng ta làm đúng trật tự, đúng bài bản, đúng phương pháp, sẽ cảm thấy nhẹ nhàng. "Kỷ luật là tự do", vô kỷ luật thì không có hiệu quả, dẫn tới sai phạm, lãng phí.

Thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư công, chúng ta sẽ đưa tất cả vấn đề thuộc về xây dựng, quản lý tài sản, vốn của nhà nước đi vào nền nếp, bảo đảm những nguyên tắc then chốt đó là phải hiệu quả và bảo đảm nguồn lực. Nếu trước đây ví đầu tư công của chúng ta như “sao chổi” - đầu nhỏ, nhưng đuôi quét cả bầu trời, thì bây giờ phải “đầu nào, đuôi nấy”.

- Rõ ràng, thưa Phó Chủ tịch, với câu chuyện đầu tư công, chúng ta thiết lập trật tự không mới nhưng chưa được tuân thủ nghiêm, đó là đã là tiền của dân, thì từng đồng phải được chi tiêu có hiệu quả? 

- Tiền của cá nhân thì mỗi người tự chi tiêu không cần hỏi ai, còn tiền của dân, của nước thì phải do cơ quan đại diện cho Nhân dân quyết định. Quốc hội là cơ quan đại biểu đại diện cho dân thì phân bổ ra sao, chi tiêu thế nào là do Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. 5 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn vừa qua đã cho chúng ta nhiều kinh nghiệm và bài học. Tôi tin là trong nhiệm kỳ tới, đầu tư công của chúng ta sẽ thay đổi.

- Xung quanh câu chuyện đầu tư công, điều Phó Chủ tịch tâm đắc và trăn trở nhất là gì?

- Tôi mong rằng sau này đầu tư công của chúng ta sẽ phải là động lực, chất kích thích dẫn dắt đầu tư toàn xã hội và nhường dần “dư địa” cho các thành phần kinh tế khác cùng tham gia.

Trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội ban hành nhiều luật mới về kinh tế, như Luật Quy hoạch; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công… Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng. Nhưng đầu tư công không phải là “cây gậy thần” mà là “chất xúc tác”, để tạo ra những sản phẩm thuộc trách nhiệm của Nhà nước mà các thành phần khác không tham gia hoặc chỉ tham gia một phần.

Điều quan trọng nhất là chúng ta phải cơ cấu lại các nội dung liên quan đến đầu tư công. Ví dụ, đường cao tốc hay đường sắt là các trục giao thông chính thì Nhà nước phải chủ đạo vì đây là những dự án “xương sống”, trong đó có những đoạn không thể đầu tư theo hình thức BOT thì Nhà nước phải làm và thu phí, nhưng cũng có đoạn Nhà nước giải phóng tạo mặt bằng để các nhà đầu tư tham gia, có đoạn có thể BOT. Đây chính là sự kết hợp đối tác công - tư trong một dự án. Chúng ta không nên ôm đồm, dễ dẫn tới cơ chế phi thị trường. Kết hợp công - tư cũng chính là cơ chế thị trường định hướng XHCN, có “bàn tay” của Nhà nước.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, qua Báo Đại biểu Nhân dân, tôi xin chúc đồng bào, cử tri, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tại Việt Nam một năm mới thật an khang, thịnh vượng và thành công.

- Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!

Thanh Tâm thực hiện