Đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo đạt kỷ lục mới

- Thứ Hai, 17/01/2022, 07:09 - Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thu hút đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam năm 2021 vẫn đạt 1,353 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2016.

Xu hướng dần thay đổi

Báo cáo thường niên của ESP Capital và Cento Ventures cho biết Việt Nam nằm trong nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore. Việt Nam đang nổi lên là một trong những nền kinh tế năng động mới nổi và là trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các thành phố đổi mới sáng tạo chính là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với lợi thế có lực lượng lao động trẻ có trình độ học vấn cao; cơ sở hạ tầng phát triển thu hút nhiều công ty đa quốc gia; thị trường tiêu thụ lớn; chính quyền địa phương có sự hỗ trợ mạnh mẽ và tích cực.

Thống kê gần đây từ Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2021 tăng trưởng rõ rệt qua mỗi năm. Năm 2016, đầu tư cho khởi nghiệp đạt 205 triệu USD. Con số này trong năm 2017 đã tăng lên 291 triệu USD và có bước nhảy vọt lên tới trên 860 triệu USD vào năm 2018 và năm 2019. Mặc dù năm 2020 bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát và lây lan nhanh của dịch Covid-19 nhưng đầu tư khởi nghiệp đã tăng trưởng vượt bậc trở lại vào năm 2021 với hơn 1,353 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2016.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, đồng sáng lập quỹ Do Ventures cho biết, sau hơn 20 năm chuyển mình, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với sự cộng hưởng của cả ba thế hệ nhà sáng lập. Thế hệ đầu tiên (giai đoạn 2000 - 2006 với những cái tên như VNG, Vatgia...) và thế hệ thứ hai (giai đoạn 2007 - 2014, đại diện là VNPay, Sendo, Tiki, Nhaccuatui...) đã đạt được những cột mốc nhất định và hiện trở thành nhà đầu tư cho thế hệ thứ ba (thành lập từ năm 2015 trở đi, như Sky Mavis…). Thế hệ thứ ba đang trải qua nhiều áp lực và cạnh tranh hơn bao giờ hết, nhưng họ lại có lợi thế khi tận dụng được những kiến thức và kinh nghiệm do hai thế hệ trước tích lũy lại. Với khả năng tiếp cận và học hỏi rộng mở từ môi trường quốc tế, thế hệ thứ ba đang có những bước tạo đà rất thuận lợi để đưa Việt Nam trở thành trung tâm khởi nghiệp công nghệ mới của khu vực và từng bước ghi lại dấu ấn trên toàn cầu.

Thu hút đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam năm 2021 đạt 1,353 tỷ USD

Tháo “điểm nghẽn” về vốn     

Tuy nhiên, ông Đoàn Đức Thuận, chuyên gia tư vấn, đào tạo về chiến lược và đổi mới sáng tạo cho rằng, tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại vẫn còn cao. Đổi mới sáng tạo ở Việt Nam nhiều năm gần đây thường đi liền với góc nhìn của kinh doanh và mang lại giá trị kinh tế, thiếu cái nhìn sâu sắc về yếu tố con người và giá trị thiết thực đối với người dùng. Xu hướng hiện nay của đổi mới sáng tạo là lấy trải nghiệm khách hàng làm trung tâm. Do đó, dịch Covid-19 tuy mang lại những ảnh hưởng tiêu cực nhưng đây cũng chính là thời điểm để các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra những sự đổi mới mang ý nghĩa sâu sắc hơn, hướng về xã hội nhiều hơn. Khi có lý tưởng tồn tại vững chắc, khách hàng và cộng đồng sẽ hồi đáp doanh nghiệp bằng sự tăng trưởng về cả thương hiệu lẫn giá trị.

Bước vào thời kỳ 4.0, hành vi chi tiêu của khách hàng càng ngày càng thay đổi. Đặc biệt là sau khi trải qua đại dịch Covid-19, hành vi tiêu dùng của khách hàng đang thay đổi nhanh hơn bao giờ hết như tiêu dùng và thanh toán trực tuyến, hướng tới những tiện ích khi ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống. Ngay cả khi đã bước vào thời kỳ “bình thường mới”, người tiêu dùng được dự báo vẫn sẽ tiếp tục giữ những thói quen của họ trong thời kỳ đại dịch. Những thay đổi này đòi hỏi doanh nghiệp cần phải bám sát vào sự thay đổi của người tiêu dùng để có cách thức thích nghi, đáp ứng được nhu cầu mới của thị trường.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, một nguyên nhân khác khiến tỷ lệ khởi nghiệp thất bại cao là do nguồn vốn chưa đủ mạnh, đồng thời khó tiếp cận chính sách hỗ trợ tín dụng vì bắt buộc phải có tài sản bảo đảm đầu tư. Bên cạnh đó, với những thương hiệu mới ra mắt trên thị trường, người dùng thường có tâm lý nghi ngại về chất lượng của sản phẩm cũng như dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Đây là giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nếu không đủ nguồn lực để duy trì hoạt động thì doanh nghiệp rất dễ thất bại. “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là động lực phục hồi và phát triển kinh tế. Chính vì vậy, để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, việc tháo được “điểm nghẽn” về vốn là yếu tố cốt lõi”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Minh Trang