Dấu ấn sân khấu xã hội hóa

- Thứ Sáu, 29/10/2021, 06:13 - Chia sẻ
Trong lịch sử 100 năm của sân khấu kịch nói Việt Nam, Trưởng ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh, đạo diễn Nguyễn Thanh Hiệp cho rằng, sân khấu kịch nói TP. Hồ Chí Minh đã tạo dấu ấn với sự ra đời của mô hình sân khấu xã hội hóa, đem đến nhiều tác phẩm kịch nói được nhiều thế hệ khán giả yêu thích.

Từ phong trào tự phát

Theo đạo diễn Nguyễn Thanh Hiệp, sự phát triển của sân khấu xã hội hóa ngoài công lập ở TP. Hồ Chí Minh là sự công nhận chính thức phong trào sân khấu tự phát. Dù được tư nhân bỏ vốn đầu tư hoặc sự góp vốn của nhiều cổ đông nhưng ngay từ khi thành lập mô hình này đã được định hướng về mặt tư tưởng, hình thức thể hiện, nội dung mang tính nhân văn và hoạt động theo cơ chế thị trường, từng bước thu hút khán giả đến với chiếc nôi đầu đời. Đó là CLB Sân khấu thể nghiệm (sân khấu nhỏ 5B), đến năm 1997 trở thành Nhà hát kịch sân khấu nhỏ TP. Hồ Chí Minh.

“Sân khấu vẫn có một ma lực. Điển hình là các vở diễn mới, cũng như các vở diễn dàn dựng lại vẫn thu hút khán giả nhiều lứa tuổi. Đặc biệt, số lượng thí sinh đăng ký học ngành diễn viên và đạo diễn sân khấu cũng như khóa học ngắn hạn tại các sân khấu ngày một tăng là tín hiệu đáng mừng cho ngành sân khấu. Sân khấu nhỏ 5B đã trình làng CLB Diễn viên trẻ do NSƯT Việt Anh phụ trách, quy tụ 80 diễn viên, sinh viên, đạo diễn trẻ xuất thân từ các trường nghệ thuật. Hoạt động chính của CLB là tập huấn các tác giả trẻ viết kịch bản, đạo diễn, dàn dựng vở trong không gian nhỏ với dàn diễn viên trẻ làm chủ lực”, đạo diễn Nguyễn Thanh Hiệp nhớ lại.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại, nhất là phải thoát khỏi tư duy bao cấp, những người làm sân khấu kịch thời đó phải tự tìm con đường nghệ thuật của mình. Hơn 80 đạo diễn, diễn viên đã liên kết với nhau, đốt lên ngọn lửa đam mê, để được làm nghề một cách không toan tính. Từ chiếc nôi 5B, hình thành nên những tên tuổi được xem là thế hệ vàng của sân khấu kịch nói TP Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất như: Thành Lộc, Việt Anh, Thành Hội, Hữu Châu, Hồng Vân, Thanh Thủy, Ái Như, Công Ninh, Minh Nhí, Minh Hải, Phú Hải, Trần Cảnh Đôn, Kim Loan, Phương Linh…

Cảnh trong vở kịch Tết của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B, TP Hồ Chí Minh

Nguồn: nudoanhnhan.net 

Chuyển đổi để tồn tại và phát triển

Sân khấu nhỏ 5B sau đó phát triển thành các đơn vị nhỏ, rồi thành lập các công ty biểu diễn nghệ thuật độc lập như: Công ty Thái Dương (Idécaf), Công ty Vân Tuấn (Phú Nhuận), Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Sân khấu Minh Nhí, Sân khấu Quốc Thảo, Sân khấu Thế giới trẻ…; tiếp đó, phát triển mô hình Kịch cà phê, diễn xuất trong không gian nhỏ, có tương tác với khán giả. Kịch cà phê Bệt, Kịch cà phê Đời, Kịch Cầu vồng, CLB Sân khấu Lạc Long Quân… ra đời cũng từ cột mốc này.

Cái được của sân khấu kịch nói TP. Hồ Chí Minh chính là sự đổi mới góc nhìn tác phẩm qua hình thức dàn dựng của đạo diễn. Chính CLB sân khấu thể nghiệm đã ươm mầm qua từng tác phẩm, nhất là sau Liên hoan sân khấu nhỏ TP. Hồ Chí Minh năm 1989, thể hiện từ cách đánh giá nội dung theo chuẩn mực mới, tiêu chí nghệ thuật mới. 

Khi kết hợp với Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh, các sân khấu tư nhân cũng đã xây dựng được một số tác phẩm tiêu biểu như: Bí mật vườn Lệ Chi, Mẹ và Người tình, Vua Thánh triều Lê, Ngàn năm tình sử, Nỏ thần, Chiếc áo thiên nga, Cánh đồng bất tận, Nửa đời ngơ ngác, Rặng trâm bầu… Tính chất năng động trong đánh giá tác phẩm thời đại 4.0 đã thúc đẩy những nỗ lực phát triển sân khấu. Tuy nhiên, mặt chưa được khiến sàn diễn kịch nói rơi vào bế tắc là rời xa đời sống đương đại. Nguồn kịch bản khan hiếm dần những đề tài người dân quan tâm. Những câu chuyện cứ được kể từ hào quang cũ, từ sự an toàn, dẫn đến chạy theo thị hiếu khi xuất hiện kịch ma, kịch quỷ, kịch đồng tính… Chính vì lạm dụng và thiếu kiểm soát, một thời gian dài, nhiều sàn diễn kịch xã hội hóa rơi rụng.

Bên cạnh đó, sân khấu kịch TP. Hồ Chí Minh thiếu chiến lược đầu tư nền tảng, đặc biệt là công tác quản lý. Lỗ hổng này dẫn đến việc làm bầu tự phát, hên xui, thua lỗ thì đóng cửa, khiến sân khấu xã hội hóa một thời bung ra 12 đơn vị, rồi còn 5 đơn vị như hiện nay: Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP. Hồ Chí Minh, Sân khấu IDECAF, Sân khấu Hồng Vân, Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Sân khấu Thế giới trẻ.

“Khi giá trị giải trí được xem trọng, sân khấu kịch đã buông bỏ mặt trận tư tưởng cần thiết làm nên thương hiệu của mình. Theo tôi, phải dung hòa giữa giải trí và tính nghệ thuật đạt chất lượng thẩm mỹ, tư duy thì sàn diễn kịch mới có thể tìm lại sức sống, nhất là sau những đợt giãn cách xã hội. Bởi, nói theo NSND Trần Minh Ngọc, sân khấu kịch TP. Hồ Chí Minh sống được nhờ bán vé chứ không phải phát vé mời. Nếu không ý thức chuyển đổi tư duy từ kịch bản đến hình thức thì sân khấu kịch nói tại TP. Hồ Chí Minh sẽ chết”, đạo diễn Nguyễn Thanh Hiệp khẳng định.

Hương Sen