Dấu ấn đậm nét

- Thứ Ba, 03/08/2021, 05:23 - Chia sẻ
“Thành công của Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV là sự khởi đầu tốt đẹp cho nhiệm kỳ mới. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của Hiến pháp và pháp luật... Quốc hội Khóa XV chắc chắn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó”(1). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định như vậy tại phiên bế mạc kỳ họp. Đây cũng chính là quyết tâm của toàn thể đại biểu Quốc hội Khóa XV trước Đảng, trước toàn thể cử tri, đồng bào cả nước.

Nỗ lực vượt bậc

Có thể khẳng định, thành công của kỳ họp ghi dấu ấn đậm nét trong tâm trí đại biểu và cử tri cả nước. 

Thông thường kỳ họp thứ nhất mỗi khóa Quốc hội ở thế kỷ XXI này được tiến hành trong khung thời gian khoảng hai tuần, với nội dung chủ yếu là tổng kết cuộc bầu cử đại biểu dân cử nhiệm kỳ mới, xây dựng bộ máy nhà nước ở Trung ương của nhiệm kỳ, quyết nghị nhân sự cấp cao trong bộ máy đó và giải quyết một số việc trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ hoặc những việc đã đến hạn phải xử lý. 

Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV diễn ra trong tình thế thời gian rút xuống tối thiểu, công việc tăng lên tối đa. Theo Công văn số 4419/TTKQH-TH ngày 20.6.2021 về triệu tập Kỳ họp thứ Nhất thì dự kiến kỳ họp cũng sẽ được tiến hành trong 17 ngày (từ 20.7 đến ngày 5.8.2021). Còn theo Chương trình chính thức của kỳ họp được Quốc hội thông qua tại phiên trù bị thì kỳ họp sẽ chỉ diễn ra từ 20 - 31.7 (12 ngày) do đại dịch Covid-19 đang lây lan với tốc độ nhanh trên diện rộng. Nhưng, một lần nữa đến ngày 24.7, trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh, Quốc hội đã quyết định rút ngắn thêm 3 ngày nữa, nghĩa là tất cả các công việc của kỳ họp sẽ kết thúc vào chiều 28.7.

Việc tăng khối lượng công việc và xử lý ngay những công việc “dài hơi” của cả nhiệm kỳ (như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; kế hoạch tài chính quốc gia; kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm...) ngay trong kỳ họp đầu tiên là vấn đề chưa từng có tiền lệ. Đề xuất, thảo luận và quyết đáp ngay các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19 trong hoàn cảnh “nước sôi, lửa bỏng” cũng là công việc “đặc thù” hoàn toàn mới... Với trách nhiệm trước Đảng, trước dân, bằng sự nỗ lực vượt bậc, Quốc hội đã làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật, ban đêm ngoài giờ hành chính và kết thúc tốt đẹp mọi công việc vào đúng 17 giờ ngày 28.7 như đã định.

Các kế hoạch 5 năm, các công việc toàn khóa như trên, lệ thường được Quốc hội các khóa xử lý vào kỳ họp thứ ba hoặc thứ tư, vì còn phải đánh giá cho sát thực tình hình thực hiện của nhiệm kỳ qua và tiên lượng chuẩn xác hơn diễn biến tình hình của những năm tới. Tuy nhiên, kế hoạch của cả nhiệm kỳ mà mãi cuối năm thứ hai mới xử lý được thì cũng là muộn... Bởi vậy, Quốc hội Khóa XV, một mặt phải gắng sức xử lý sớm - ngay từ kỳ họp đầu tiên, mặt khác tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin cũng cho phép xử lý công việc nhanh hơn, chính xác hơn để ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ, toàn xã hội, tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực đều phải hành động theo kế hoạch.

Việc đề xuất, thảo luận và đưa vào nghị quyết kỳ họp về các giải pháp cấp bách phòng, chống đại dịch Covid-19 trong tình hình mới, chính là góp phần tạo “cơ sở pháp lý” cho hành pháp và toàn xã hội nhanh chóng dập dịch có hiệu quả hơn. Việc này hoàn toàn phù hợp với điểm b, Khoản 2, Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Đó là “thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành”. Những quyết sách này là sự đổi mới mang ý nghĩa rất tích cực nhiều mặt của Quốc hội, cả về đề cao trách nhiệm, phong cách làm việc cũng như sự nhạy bén và tầm lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược.

Các đại biểu tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV
Ảnh: TTXVN

Các đại biểu Quốc hội làm việc có hiệu quả cao

Ngay từ những ngày làm việc đầu tiên của nhiệm kỳ mới, các đại biểu Quốc hội đã làm việc có hiệu quả cao. Qua ý kiến của 46 đại biểu phát biểu thảo luận về kinh tế - xã hội (năm 2021 và 5 năm 2021 - 2025), 32 ý kiến của đại biểu phát biểu thảo luận về các Chương trình mục tiêu quốc gia và 5 ý kiến tranh luận (4 về kinh tế - xã hội và 1 về Chương trình mục tiêu) cho thấy, các đại biểu nắm bắt tình hình thực tiễn khá chắc chắn, hàm lượng thông tin phong phú, tư duy khá mạch lạc và phương pháp diễn giải có logic. Tổng hợp ý kiến đại biểu theo vùng, miền sẽ cho thấy bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội của đất nước với nhiều gam màu khác nhau, khá sinh động. Nhưng có lẽ cử tri quan tâm nhiều hơn đến những ý kiến mang tính chỉ báo cần lưu ý, quan tâm hơn trong chỉ đạo, điều hành.

Trên giác độ lập pháp, ý kiến của đại biểu mới tham gia Quốc hội lần đầu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) về tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế hiện tại là khá xác đáng. Đại biểu cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 1.400 cán bộ pháp chế, trong đó các bộ, ngành ở Trung ương chiếm khoảng 1/3 tổng số. Thực tiễn đòi hỏi phải tăng cường cả về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ này. Chính đây là một trong những giải pháp để khắc phục hai vấn đề thực tế hiện nay. Một là, tình trạng hàng năm, qua hoạt động giám sát cho thấy có quá nhiều văn bản của các cấp ở địa phương, các bộ, ngành ban hành không chuẩn xác (không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng điều chỉnh, không rõ nội hàm...). Hai là, khắc phục tình trạng nhiều dự thảo luật chuyên ngành bị trì trệ về thời gian, chưa bảo đảm chất lượng... mà vẫn trình sang Quốc hội, gây khó khăn cho các chủ thể trong quy trình xây dựng luật và pháp lệnh.

Trên lĩnh vực kiện toàn bộ máy nhà nước, tinh giản biên chế, ý kiến của đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam), cũng là đại biểu mới tham gia Quốc hội lần đầu rất đáng lưu tâm. Đại biểu cho rằng, ở cấp xã đã tiến hành nhiều năm và có kết quả tốt. Nay cần chú ý kiện toàn bộ máy, tinh giản biên chế các cấp “trung gian” là cấp tỉnh, cấp huyện và kể cả nội bộ các bộ, ngành; tăng cường lực lượng cán bộ tốt cho cấp xã. Theo ý của đại biểu thì bộ máy nhà nước ở cấp huyện, cấp tỉnh từ nay phải rất gọn nhẹ, vì trong điều kiện cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, Trung ương, các bộ, ngành hoàn toàn có thể chỉ đạo trực tiếp tới cơ sở... Có thể coi đây là một gợi ý để hoàn thiện bộ máy nhà nước ở tất cả các cấp trong thời gian tiếp theo.

Trên giác độ thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội(2) và các Chương trình mục tiêu quốc gia thì ý kiến của đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng), đại biểu mới tham gia Quốc hội lần đầu, có thể sẽ là lưu ý cho Chính phủ, các ban quản lý các Chương trình mục tiêu quốc gia và cho việc triển khai Nghị quyết 88: Phải quan tâm giải quyết cho được “6 nhất” mà không ai mong muốn ở các địa bàn miền núi, biên giới. Đó là: Nơi nhiều khó khăn nhất; tỷ lệ hộ nghèo cao nhất; thu nhập bình quân đầu người thấp nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; và tiếp cận dịch vụ xã hội cũng chậm nhất.

Trên giác độ quản lý, điều hành thì ý kiến tranh luận của đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) về địa bàn triển khai hai Chương trình mục tiêu quốc gia và Nghị quyết số 88 của Quốc hội, cũng rất đáng quan tâm. Trước đó, một số đại biểu cho rằng Nghị quyết số 88 và hai Chương trình quốc gia có mục tiêu trùng lặp, do đó nên tập trung thống nhất vào một ban chỉ đạo chung. Đại biểu Nguyễn Thị Xuân lý giải rằng, Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững có địa bàn thực hiện là toàn quốc, gồm cả thành thị và nông thôn. Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới thì địa bàn như tên gọi của nó, chỉ bao gồm nông thôn (không có thành thị). Còn địa bàn của Nghị quyết số 88 thì chỉ gồm có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (cũng có một phần thành thị trong vùng, miền). Tư duy địa bàn, ranh giới tương đối rành mạch như thế là để trong chỉ đạo, điều hành, nhất là trong việc phân bổ các nguồn lực sao cho thật hợp lý, sát đúng với thực tế mỗi địa bàn. Trong đó giảm nghèo bền vững là mục tiêu chung của cả hai Chương trình và Nghị quyết số 88, cần được nghiên cứu kỹ càng để khơi dậy tính tự chủ của dân chúng và “rót” các nguồn lực đúng địa bàn, đúng trọng tâm...

Tựu trung ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội gợi lên ý tưởng tổng quát mà rất hiện thực, đó là tiếp tục phát huy sức mạnh toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tư duy của lãnh đạo phải nhạy bén; phương pháp quản lý, điều hành phải linh hoạt, uyển chuyển, thích ứng với hoàn cảnh và tình hình đang biến đổi mau chóng.

Cùng với đó, khối nhân sự làm công tác phục vụ có thể nói là tận tình, trọn vẹn ở cả hai mảng công việc. Trong điều kiện thời gian rút ngắn xuống tối thiểu, khối lượng công việc tăng lên tối đa, nhưng các cơ quan đảm trách các phần việc chuyên môn nghiệp vụ của kỳ họp đã khẩn trương chuẩn bị khá kịp thời, chu đáo và trách nhiệm. Công tác hậu cần phục vụ sinh hoạt, ăn ở, đi lại, hoạt động... của đại biểu nhìn chung là thuận tiện, hợp lý. Nhiều đại biểu mới khá ấn tượng với việc tổ chức kỳ họp của Quốc hội.

Đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định tại phiên bế mạc kỳ họp, “sau 9 ngày làm việc liên tục, khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, đoàn kết, trí tuệ và trách nhiệm, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp”. Với những hoạt động khởi đầu thành công của kỳ họp này, Quốc hội sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp, nhân lên những kinh nghiệm quý báu và tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả lên một tầm cao mới trong các kỳ họp tiếp theo của toàn khóa.

------

(1) Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV chiều 28.7.2021.

(2) Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18.11.2019 của Quốc hội về Phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội