Đất nước trước giai đoạn mới!

- Thứ Tư, 02/09/2020, 06:10 - Chia sẻ
Đúng vào thời điểm đất nước kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9 (1945 - 2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng có bài viết quan trọng với tựa đề “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”.

Không chỉ vừa trải qua chặng đường ba phần tư thế kỷ xây dựng đất nước, chúng ta còn đứng trước Đại hội lần thứ XIII của Đảng - một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa định hướng tương lai, giúp trả lời câu hỏi: Việt Nam sẽ trở thành quốc gia như thế nào vào năm 2045, mốc thời gian đánh dấu tròn một thế kỷ kể từ Lễ Tuyên ngôn Độc lập trên quảng trường Ba Đình mùa thu lịch sử 1945? Đây rõ ràng là một dịp vô cùng thích hợp để nhìn lại chúng ta đã làm được gì, đạt được kết quả ra sao, thu nhận được bài học nào. Quan trọng hơn, từ đó hình dung về tương lai của đất nước, xác định mục tiêu cụ thể cho một giai đoạn mới và những hướng đi, những việc cần làm để có thể đưa chúng ta về đích.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nói “với tất cả sự khiêm tốn” rằng “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Nhận định này, một lần nữa, xuất hiện trong bài viết quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước trước thềm Đại hội XIII của Đảng. 90 năm từ ngày có Đảng, 75 năm từ ngày giành độc lập, Việt Nam “từ một nước nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu, trình độ rất thấp, hầu như không có tên trên bản đồ thế giới” nay “đã vươn lên trở thành một nước có quy mô dân số gần 100 triệu người, đang phát triển, có thu nhập trung bình, có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới, tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và là thành viên, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Thành quả lớn lao ấy “là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta”. Cũng chính thành quả ấy đã củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo đúng đắn, vào những quyết sách mạnh mẽ và sáng suốt của Đảng, đồng thời tạo tiền đề để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước không trình bày từng nội dung báo cáo tại Đại hội XIII, mà “đề cập những vấn đề chung có tính chất khái quát, tổng hợp và gợi mở thêm một số vấn đề lớn, quan trọng, để tiếp tục xin ý kiến Đại hội”. Có thể nói, bài viết chứa đựng tư tưởng cốt lõi và chủ đạo, mang tính dẫn dắt đất nước vào một giai đoạn phát triển mới, đạt được mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng định hình tương lai Việt Nam gắn với những dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước trong một tầm nhìn xa và bài bản. Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Năm 2045, đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, Việt Nam sẽ là nước phát triển, thu nhập cao.

Để thực hiện mục tiêu lớn lao nêu trên trong bối cảnh quốc tế và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó lường, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, người đứng đầu đất nước gợi mở 5 nhóm giải pháp. Đặc biệt, có 3 đoạn được in nghiêng, dường như mang hàm ý nhấn mạnh, cần ưu tiên và dồn lực thực hiện, gồm: “tập trung hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; “phải tạo được những bước đột phá thực sự về thể chế để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, rất thiết thực và cụ thể”; “đẩy mạnh đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của những ngành mới, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính phủ số”.

Những giải pháp này không chỉ nhằm tháo gỡ những nút thắt hiện hữu, đang làm chậm quá trình phát triển của đất nước như chất lượng luật pháp, chính sách hay hạ tầng - với tinh thần quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn; mà quan trọng là còn gợi mở động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam, đó là kinh tế số. Một Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu gắn liền với công nghệ số, dịch vụ số bởi chúng ta đang sở hữu những nền tảng và nguồn lực nhất định.

Chỉ còn 25 năm nữa chúng ta sẽ chào đón 2045. Thời gian sẽ rất nhanh! Dù không ai có thể đoán trước được tương lai nhưng lịch sử đã làm nhân chứng cho sự vươn lên đầy uy lực của những dân tộc luôn có tinh thần sẵn sàng, có khả năng thích ứng và tổ chức tốt hơn...

Hà Lan