Kiểm kê đất đai

Đất là Vàng hay chỉ là Đất?

- Thứ Sáu, 20/08/2021, 08:52 - Chia sẻ
Tháng 12.2019 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019” nhằm đánh giá thực trạng tình hình sử dụng đất đai của các cấp trong 5 năm, làm cơ sở cho việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao thực hiện đến tháng 12.2020, nhưng tháng 7 vừa qua, Bộ mới công bố kết quả kiểm kê.
	Đường Lâm (Hà Nội) là nơi giàu tài nguyên văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, trong đó đất nông nghiệp với hàng chục loại màu vàng, nhưng diện tích đất nông nghiệp đã giảm từ 61% năm 2011 xuống còn 23% năm 2020 Nguồn: Hanoidata
Đường Lâm (Hà Nội) là nơi giàu tài nguyên văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, trong đó đất nông nghiệp với hàng chục loại màu vàng, nhưng diện tích đất nông nghiệp đã giảm từ 61% năm 2011 xuống còn 23% năm 2020
Nguồn: Hanoidata

Thông tin chưa đầy đủ

Kết quả kiểm kê được công bố kèm theo 4 biểu phụ lục loại đất, đối tượng sử dụng đất và 7 biểu phụ lục chi tiết của 63 tỉnh, thành phố theo 7 vùng địa lý/kinh tế. Đối chiếu với mục sản phẩm trong Đề án “Kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019” thì còn thiếu bản đồ và các báo cáo, trong đó có “Báo cáo thuyết minh kiểm kê đất đai chuyên đề như: Tình hình quản lý, sử dụng đất tại các dự án xây dựng nhà ở thương mại; đất xây dựng các công trình sự nghiệp ngoài công lập, công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất do các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần hóa quản lý sử dụng; đất do các ban quản lý rừng và các doanh nghiệp sản xuất nông lâm nghiệp sử dụng; đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã); đất ngập nước ven biển; đất sạt lở, bồi đắp; đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; diện tích các đảo”. Đây là những nội dung quan trọng, thiếu thì không thể đánh giá được sự biến động đất đai, làm cơ sở cho việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. 

Hay như kết quả kiểm kê cả nước có 15.381.113ha đất rừng, trong đó 2.294.090ha đặc dụng; 7.975.105ha sản xuất, 5.111.918ha phòng hộ. Trong khi đó, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường công bố trước Quốc hội tháng 11.2020 là 14,6 triệu ha đất rừng, trong đó 10,3 triệu ha rừng tự nhiên; 4,3 triệu ha rừng trồng. Chưa bàn trách nhiệm công bố thông tin đúng - sai mà từ việc không khớp số liệu như vậy cần làm rõ khái niệm, vì các loại rừng khác nhau sẽ tạo kết cấu đất đai khác nhau, khả năng chống chịu thảm họa lũ lụt, sạt lở, mức độ an toàn cho sản xuất, tính mạng con người khác nhau… Ứng phó nhầm lẫn sẽ dẫn đến thảm họa.

Chưa phản ánh hết giá trị của đất đai

Quản lý đất đai chặt chẽ, chính xác, hiệu quả hay không do tư liệu quản lý, năng lực cá nhân người quản lý, bộ máy (thiết chế) và quy chế (quy trình) quản lý. Hiện tại, hệ thống tài liệu quản lý đất đai của chúng ta lạc hậu, kế thừa thời bao cấp coi đất đai là tư liệu sản xuất, chủ yếu dùng để chỉ đạo sản xuất nông nghiệp… vốn là Tổng cục Quản lý ruộng đất (1979 - 1994) tiền thân của cơ quan quản lý đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ máy mới nhưng mô hình đối tượng quản lý vẫn cũ. Việt Nam đã qua 30 năm kinh tế thị trường, đất đai đã là “tài sản” biến hóa giá trị nhanh chóng, thì bộ máy quản lý vẫn ôm đống “tài liệu” khô cứng, không có năng lực quản trị tài sản.

Kết quả kiểm kê cho thấy vẫn phân ra 312 mã mầu tương ứng hàng trăm loại đất rối rắm, vô giá trị. Phần mềm vẽ bản đồ địa chính nhập khẩu chỉ hỗ trợ in ấn, xuất bản bản đồ, không hỗ trợ kết nối, đối soát, tích hợp dữ liệu bản đồ với dữ liệu thuộc tính. Hầu hết cán bộ địa chính từ trung ương tới địa phương không biết vẽ mà phải dựa vào các đơn vị đặc quyền thực hiện. Người quản lý thì không rành vẽ, người biết vẽ thì không có thông tin nên việc đồng bộ hóa dữ liệu bản đồ số từ xã/ phường lên quận/ huyện tới tỉnh/ thành phố, quốc gia do vậy còn muôn vàn trở ngại. Nhiều năm qua, ngành Tài nguyên và Môi trường nhiều lần công bố  các dự án thông tin đất đai số hóa nhưng vẫn không có, vô hình trung tạo cơ hội cho các dự án giả bán đất thật tràn lan khắp nơi.

Với thực trạng này, kết quả kiểm kê có thể chưa phản ánh đầy đủ giá trị của đất đai.

Kết quả “Kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019” do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cho thấy cần được soi chiếu toàn diện những bất cập, yếu kém và đổi mới triệt để ngay trong cuộc đánh giá mô hình lập hồ sơ quản lý đất đai, quy trình tiến hành kiểm kê, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia. Hơn thế nữa, cần có sự thay đổi cơ bản trong quá trình bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai thời gian tới.

KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội