Cà phê phin

Đáp đền tiếp nối

- Chủ Nhật, 09/01/2022, 06:48 - Chia sẻ
Người thầy tin rằng, cô học sinh ấy và chính anh đã được nhận một bài học về sự tử tế, và cả về việc sẽ đền đáp sự giúp đỡ ấy thế nào...

1. Một cái điện thoại áp chặt vào tấm kính, một thông điệp màu trắng viết trên nền đen, và nó hướng đến Brian Hamilton, 47 tuổi, người phụ trách đồ thi đấu của đội Vancouver Canucks, trong một trận đấu khúc côn cầu của giải nhà nghề Mỹ NHL. Cô ngồi ngay phía sau lưng Hamilton. Cô có tên Nadia Popovici, 22 tuổi, một sinh viên y khoa. Cô làm tất cả những gì có thể để Hamilton để ý đến mình.

Hamilton nhìn thấy và lúc đầu đã định lờ đi, nhưng sau đó, khi Popovici đập đập tay vào kính, ông đã tìm đến chỗ cô và tìm hiểu xem cô muốn gì. Ông đọc thông điệp ngắn gọn cô đã viết trên màn hình: “Cái nốt trên gáy ông có thể là một dấu hiệu của ung thư. Hãy đi khám bác sĩ ngay!”. Khá sốc trước thông điệp của cô gái không hề quen biết, về nhà, Hamilton hỏi vợ và sau đó là bác sĩ của đội khúc côn cầu về cái nốt ruồi bất thường và nguy cơ ung thư. Họ đều nhận thấy điều này, và thế là ông đến bác sĩ để khám. Popovici đã nói đúng, Hamliton bị ung thư tế bào hắc tố, một loại ung thư da có độ ác tính cao. Nhưng nhờ được phát hiện sớm, nên khối u đã dễ dàng được lấy đi và ông thoát án tử nhờ điều trị ngay.

"Cô ấy đã đưa tôi ra khỏi một đám lửa cháy chậm”, Hamilton nói trong một cuộc họp báo cuối tuần trước, giọng đầy xúc động. “Bác sĩ của tôi nói, nếu như tôi cứ lờ đi thì vài năm nữa, tôi sẽ không còn có mặt ở đây. Cô ấy là người hùng của tôi”. Và ông quyết định sẽ tìm đến người đã cứu mạng mình để cảm ơn. Qua trang Twitter của đội Vancouver Canucks, Hamilton viết: “Gửi đến người phụ nữ tôi đang tìm kiếm, cô đã làm thay đổi đời tôi và bây giờ, tôi muốn nói “Cảm ơn rất nhiều”. Vấn đề là tôi không biết cô là ai và cô sống ở đâu”.

Chỉ mất 3 tiếng đồng hồ để thông điệp ấy đến được với Popovici, lúc cô đang ngủ sau một ca trực đêm ở một đường dây nóng phòng chống tự tử với tư cách là chuyên gia can thiệp khủng hoảng. Mẹ cô chính là người đã gọi điện cho cô để báo tin sau khi bà đọc được thông điệp của Hamilton. Và rồi, trước trận đấu giữa chính Vancouver Canucks và Seattle Kraken, đội mà Popovici là cổ động viên, vào tối 2.1.2022, họ gặp nhau, ôm nhau và Hamilton cảm ơn Popovici về những gì cô đã làm cho ông. 

Nhưng Hamilton không chỉ nói lời cảm ơn. Cả hai đội Vancouver Canucks và Seattle Kraken đã tặng Popovici 10.000 USD để trang trải học phí trường y cho cô gái. Trước trận đấu, cổ động viên của hai đội đã đứng dậy để vỗ tay chào đón cô. Popovici nói: “Nhiều người bảo rằng số tiền ấy quá ít ỏi để học y, nhưng hãy tin tôi đi, số tiền ấy thật lớn. Tôi cảm thấy vô cùng biết ơn”…

Nguồn: ITN

2. Chuyện được kể bởi một thầy giáo dạy lịch sử ở bang Kentucky, Mỹ, về một cậu học trò sáng dạ của anh, người luôn có điểm cao trong các bài kiểm tra và thường xuyên tham gia các cuộc tranh luận trên lớp. Nhưng có một chuyện khiến người thầy trẻ ấn tượng hơn cả về cậu học trò của mình. 

Chuyện xảy ra ở kỳ thi học kỳ, bài thi về các kiến thức liên quan đến Thế chiến II, với 50 câu hỏi, mỗi câu 2 điểm. Sau khi thu bài về chấm, Winston thấy một dòng chữ ghi trong bài làm, điều anh chưa từng thấy bất cứ học sinh nào viết thế trong đời dạy học của mình. Dòng chữ viết: “Nếu được, thầy có thể cộng điểm thưởng của em vào bạn nào có điểm thấp nhất lớp được không ạ?”. Winston ngạc nhiên và tự hỏi, tại sao cậu học sinh này lại làm điều ấy, khi mà thường là các học sinh sẽ cố gắng giành được càng nhiều điểm càng tốt trong các kỳ thi và cũng chẳng quan tâm đến ai được điểm kém?

Winston kết luận, cậu học sinh ấy làm thế chỉ vì cậu ấy có lòng trắc ẩn và sự tử tế, và chắc chắn là cậu muốn giúp một ai đó. Cậu đã đạt 94/100 điểm, và theo thông lệ với các học sinh điểm cao nhất lớp, Winston luôn tặng 5 điểm thưởng. 5 điểm thưởng ấy cậu không lấy mà cuối cùng, được tặng cho một học sinh chỉ đạt 58 điểm (trong khi phải đạt tối thiểu 60 điểm mới không phải thi lại). Winston cũng đã lưỡng lự một chút vì thực ra việc cộng điểm như thế không đúng lắm, nhưng cuối cùng, anh vẫn làm, bởi anh ngưỡng mộ thái độ sống của cậu học trò.

Thế là một cô học sinh tưởng phải thi lại ấy đã được 63 điểm và vượt qua kỳ thi, nhờ sự giúp đỡ bí mật của một người khác. Winston không nói rõ rằng anh có tiết lộ điều ấy với cô học trò không, nhưng anh tin rằng, cô học sinh ấy và chính anh đã được nhận một bài học về sự tử tế và cả về việc sẽ đền đáp sự giúp đỡ ấy thế nào. 

Nếu ai đó đã làm điều gì tốt cho bạn, có khi bạn cũng không cần phải đền đáp người ấy mà cứ làm những điều tốt cho những người khác, và những người đó lại làm những điều tử tế cho những người khác nữa, cứ thế nhân những điều thiện…

Anh Ngọc