“Đào tạo nhân lực là yêu cầu sống còn”

- Thứ Sáu, 29/10/2021, 06:30 - Chia sẻ
Nền kinh tế đang dần phục hồi sau Covid-19, yêu cầu chuyển đổi số nhanh và mạnh hơn, để không tụt hậu thì "đào tạo nhân lực là yêu cầu sống còn, cấp bách", PGS.TS. Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn chia sẻ. "Nếu không, sự nghiệp kinh tế vốn được dày công xây dựng sẽ đổ vỡ”.
Đào tạo nhân lực là yêu cầu sống còn để khôi phục nền kinh tế nhanh, toàn diện

Nguồn: ITN 

Chưa đáp ứng yêu cầu

Theo dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ xác định phát triển các loại hình thị trường, trong đó có thị trường lao động theo hướng linh hoạt, liên thông, kết nối chặt chẽ cung - cầu; tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam…

Cụ thể, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%, trong đó 28 - 30% có bằng cấp, chứng chỉ đến hết năm 2025; nằm trong nhóm 60 nước có Chỉ số Lao động có kiến thức chuyên môn trong Chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu (GII) vào năm 2025; giảm tỷ trọng lao động có việc làm phi chính thức trong nền kinh tế xuống dưới 50%...

Báo cáo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp lần này cho thấy, trong số 22 chỉ tiêu đặt ra trong giai đoạn 2016 - 2020, 5 chỉ tiêu “có khả năng không hoàn thành”, trong đó có chỉ tiêu về đào tạo lao động. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ đạt khoảng 25% nhưng thực tế mới đạt 24,5%.

TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội nhìn nhận, nếu so với tỷ lệ đặt ra, kết quả nêu trên “không đáng ngại”. Lý do một phần bởi chịu tác động từ nguyên nhân khách quan là dịch Covid-19 mang tính toàn cầu. Tuy vậy, điều khiến bà “cảm thấy tiếc” là mục tiêu đặt ra “quá khiêm tốn”. “Trong xu thế công nghiệp 4.0 đòi hỏi ứng dụng công nghệ nhiều hơn, các mô hình kinh doanh mới ra đời, chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo cần phải nâng cao hơn, song thực tế mục tiêu đặt ra chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng nguồn nhân lực cũng phân bố không đều, thấp hơn ở khu vực nông nghiệp, phi chính thức”, bà Hương nhấn mạnh.

Đánh giá của Chính phủ cũng nêu rõ, chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường còn chậm, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Vẫn còn tình trạng mất cân đối cung cầu lao động cục bộ giữa các vùng, các khu vực, ngành nghề kinh tế. Lao động phi chính thức, lao động dễ bị tổn thương còn lớn, giảm chậm (năm 2015 tỷ lệ lao động phi chính thức là 58,3%; năm 2020 là 56,2%). Các chương trình đào tạo cho lao động nông thôn hiện nay chủ yếu tập trung vào đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng…

Phân định rõ ngành mũi nhọn để tập trung đào tạo

Trong bối cảnh nền kinh tế đang dần phục hồi sau Covid-19, yêu cầu chuyển đổi số nhanh và mạnh hơn, để không tụt hậu thì “đào tạo nhân lực là yêu cầu sống còn, cấp bách”, PGS.TS. Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn nói. "Nếu không, sự nghiệp kinh tế vốn được dày công xây dựng sẽ đổ vỡ".

Theo ông Thọ, trước tiên, cần phân định rõ các ngành kinh tế làm trụ cột, mũi nhọn để tập trung đào tạo lao động đáp ứng yêu cầu về kỹ năng, nghiệp vụ. Đó phải là những ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số... Đồng thời, phải động viên, giáo dục ý thức, tinh thần cho người lao động để họ hiểu rằng việc làm là “của chúng ta, cho chúng ta và cho cả thế hệ tương lai”.

Chia sẻ với ý kiến trên, TS. Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, muốn nền kinh tế phục hồi nhanh và toàn diện sau Covid-19, “nhất thiết phải tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo”, đặc biệt là lao động ở những phân khúc đang thiếu và yếu là lĩnh vực nông nghiệp, các vùng chưa phát triển. Bên cạnh đó, cần đổi mới hệ thống đào tạo, tăng tính hấp dẫn của giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động. Tiếp tục cải tạo, củng cố hệ thống mạng lưới giáo dục đào tạo, nhất là hệ thống trung tâm dạy nghề; kết nối thông tin thị trường lao động để giảm tỷ lệ thất nghiệp cũng như tỷ lệ làm trái ngành.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, cần sửa đổi chính sách tiền lương gắn với năng lực, hiệu quả lao động. Đổi mới công tác đánh giá hiệu quả công việc của người lao động bằng cách xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá thực hiện công việc (KPI) cho từng vị trí việc làm; tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức chính trị - xã hội…

“Căn bệnh cố hữu vẫn là khâu tổ chức thực hiện. Phải tạo sự quyết liệt, đồng lòng của các cấp, ngành, địa phương. Khi xây dựng chỉ tiêu thì phải làm rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của từng bộ, ngành, đơn vị và có sự phối hợp chặt chẽ với nhau”, TS. Nguyễn Thị Lan Hương đề xuất.

Minh Châu