Đánh thức tiềm năng sáng tạo

- Thứ Tư, 28/10/2020, 23:01 - Chia sẻ
Không gian sáng tạo ấn tượng là nơi khơi nguồn cảm xúc, tạo động lực đổi mới, phát huy tư duy sáng tạo, đồng thời giúp kiến tạo hình ảnh khác biệt cho đô thị trong bối cảnh toàn cầu hóa. Với nhận thức ấy, cuộc thi "Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội" được phát động nhằm đánh thức tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.

Không gian sáng tạo lôi cuốn cộng đồng

Sáng 28.10, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc - Tổ chức Vì một Hà Nội đáng sống (ECUE) phát động cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội.

Trước đó, ngày 31.10.2019, Hà Nội được UNESCO ghi danh trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo, trở thành Thành phố sáng tạo thứ 246 trên thế giới và thủ đô thứ 32 được công nhận về mặt sáng tạo thiết kế. Với lịch sử hơn 1.000 năm tuổi, Thủ đô Hà Nội đang trong quá trình đổi mới và hội nhập đã sẵn sàng “lấy sự sáng tạo và coi nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong tiến trình phát triển thành phố năng động, toàn diện và bền vững”.

Tìm những giá trị mới trong các không gian sáng tạo
Tìm những giá trị mới trong các không gian sáng tạo

Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội nằm trong chuỗi hoạt động mà thành phố phát động nhằm nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng trong nhịp đập văn hóa và sáng tạo của thành phố, từng bước hiện thực hóa xây dựng các không gian sáng tạo, cộng đồng sáng tạo... hỗ trợ nền kinh tế sáng tạo, khởi nghiệp, phát huy các giá trị truyền thống để Hà Nội xứng đáng trở thành trung tâm hội tụ thiết kế và đổi mới ở khu vực - kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á.

Cuộc thi nhằm tìm kiếm ý tưởng mới, độc đáo trong kiến tạo các không gian sáng tạo cho Hà Nội, trên cơ sở khai thác lợi thế của công nghệ hiện đại, nguồn lực con người và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, để tạo nên những không gian sáng tạo lôi cuốn sự tham gia của cộng đồng. Việc tìm ra những giá trị mới trong các không gian sáng tạo sẽ tạo nên động lực để phát triển nền kinh tế sáng tạo.

Về ý nghĩa của cuộc thi, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội - Trưởng Ban tổ chức cuộc thi nhấn mạnh: “Chúng tôi đã chung tay kết nối với các bên để tổ chức một sân chơi bổ ích và thú vị, huy động các sáng kiến để xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo, văn hóa nhằm đánh thức tiềm năng, phát huy lợi thế, hình thành mạng lưới không gian sáng tạo phong phú và hấp dẫn cho thành phố...”.

Tạo bản sắc riêng

Đánh giá cao ý tưởng của cuộc thi, thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam Bùi Hoài Sơn cho rằng, sau khi được UNESCO đưa vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo, Hà Nội cần có sức bật mới để tạo ra bản sắc riêng cho sự phát triển của mình, phải xác định tập trung vào yếu tố sáng tạo nào trong chiến lược phát triển Thủ đô. Và không gian sáng tạo là cái Hà Nội đang cần trong bối cảnh hiện tại, khi thành phố muốn lan tỏa thông điệp tích cực về sáng tạo.

Các không gian sáng tạo lan tỏa thông điệp tích cực về sáng tạo
Các không gian lan tỏa thông điệp tích cực về sáng tạo - Nguồn: ITN

Nhằm khơi gợi các ý tưởng mới, độc đáo trong việc thiết kế và khai thác các không gian của thành phố, thí sinh tham gia cuộc thi có thể lựa chọn một trong 3 chủ đề mà Ban tổ chức gợi ý hoặc tự đề xuất địa điểm, không gian để thiết kế: Hạ tầng thúc đẩy sáng tạo (không gian sinh hoạt cộng đồng tại các khu dân cư, quảng trường, vườn hoa, công viên, cầu cũ, bệnh viện, trường học, nhà hát...); tổ chức không gian sáng tạo trên cơ sở khai thác các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng (nhà máy, cơ sở sản xuất thủ công, nhà kho…); bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống (khu di tích lịch sử, không gian văn hóa, lịch sử làng nghề truyền thống trong đời sống đương đại…).

Theo PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, biến những không gian công cộng thành không gian sáng tạo, người dân chủ động, tích cực tham gia hoạt động này sẽ tạo ra sinh hoạt sáng tạo, ý tưởng sáng tạo và tạo ra một xã hội đáng sống. Bên cạnh đó, trên thế giới đã có nhiều kinh nghiệm sắp xếp, tái thiết nhà máy cũ để tạo ra một bộ mặt mới cho thủ đô, ví dụ như London (Anh) có Bảo tàng Tate Morden từ một nhà máy sản xuất đường; Trung Quốc biến nhà máy của công nghiệp quốc phòng trở thành khu vực sáng tạo cho Bắc Kinh…

Xu hướng này cũng nên áp dụng để tạo ra bản sắc, sự hấp dẫn cho Hà Nội; tránh việc từ các khu nhà máy cũ này mọc lên các chung cư cao cấp, gây sức ép cho hạ tầng đô thị. Mặt khác, các di sản được bảo tồn và phát huy nhằm tạo ra bản sắc mới, sự hấp dẫn cho đô thị. Và việc đưa nghệ thuật, sáng tạo vào nhà máy cũ, để giữ gìn một di sản văn hóa, phục vụ sự phát triển của thành phố, là điều có giá trị đối với sự phát triển bền vững của Hà Nội…

Sáng tạo cần dựa trên vốn văn hóa, yếu tố kỹ năng kinh doanh và công nghệ, làm cho ý tưởng sáng tạo khả thi, đi vào cuộc sống, thể hiện đúng bản sắc văn hóa Việt Nam và Hà Nội hôm nay… Hiện nay, có những e ngại sáng tạo sẽ phá vỡ giá trị truyền thống. Có thể có một số lạc hướng, không phù hợp, nhưng ta cần tôn trọng và ủng hộ sáng tạo, dựa trên hiểu biết sâu sắc về văn hóa dân tộc và kết quả nghiên cứu khoa học…

PGS. TS. Bùi Hoài Sơn

Ngọc Phương