Đánh thức phế tích và tạo dựng giá trị mới

- Thứ Năm, 10/09/2020, 05:35 - Chia sẻ
Khi xây dựng quy hoạch khu nghỉ dưỡng trên núi Ba Vì (Hà Nội), người Pháp đã tuân thủ nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường tự nhiên. Đây là chủ trương của Chính phủ Pháp trong phát triển du lịch, kể cả du lịch tại các thuộc địa gần 100 năm trước. Nằm giữa thiên nhiên hoang sơ, những phế tích kiến trúc Pháp rêu phong đang bị thời gian phá hủy. Ý tưởng “đánh thức” những phế tích này đã được đặt ra tại tọa đàm “Phát huy giá trị các phế tích tại Vườn Quốc gia Ba Vì” sáng 9.9.

Ứng xử nghiêm cẩn và khoa học

Những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp đến đã đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển kiến trúc, đô thị hiện đại ở Việt Nam. Cùng với các đô thị lớn được hình thành ở các vùng đồng bằng, những thị trấn hay khu nghỉ dưỡng được xây dựng trên các vùng cao như Sa Pa, Hà Giang, Tam Đảo, Ba Vì, Bạch Mã, Bà Nà... Đó là những bằng chứng thực tế sống động về sự lựa chọn vị trí, hoạch định cấu trúc, tạo diện mạo kiến trúc bản địa, sử dụng vật liệu địa phương cũng như thái độ tôn trọng và cách ứng xử phù hợp với đặc điểm địa hình, môi trường tự nhiên vốn có.

Biệt thự được dựng lại trên nền, tường các phế tích Pháp tại cotes 600m.
Nguồn: BTC

Gần 200 phế tích kiến trúc tại Vườn Quốc gia Ba Vì (Sơn Tây, Hà Nội) được xây dựng từ hơn 90 năm trước tại các điểm cao (cotes) 400m, 600m, 700m, 800m, 1.000m là những dấu tích quan trọng của di sản quy hoạch, kiến trúc vùng núi rừng đặc trưng thời thuộc Pháp. Không những thế, bản thân những phế tích đặc biệt này, cùng với đất trời, cây cỏ còn tạo nên những khung cảnh hữu tình giàu cảm xúc lịch sử với đầy đủ các yếu tố thiên nhiên, con người và thời gian. Nói cách khác, theo KTS Lê Thành Vinh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các phế tích này có những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và cảnh quan, là nhân tố quan trọng trong phức hợp cảnh quan di sản thiên nhiên hiện hữu. Vì thế, chúng có sức hút mạnh mẽ về văn hóa, du lịch, từ đó là tiềm năng về phát triển kinh tế, xã hội đương đại và tương lai.

Họa sĩ Thành Chương, người rất thành công khi kéo được khách du lịch đến với không gian văn hóa Phủ Thành Chương ở Sóc Sơn, Hà Nội, cho rằng, để biến phế tích thành giá trị phục vụ cho đời sống hôm nay, chúng ta phải hiểu cái gốc, cái cốt lõi của khu vực núi Ba Vì. Rừng nguyên sinh là cái gốc. Những khu rừng nguyên sinh như thế này không còn nhiều ở cả Việt Nam và thế giới. Hơn thế, Vườn Quốc gia Ba Vì còn có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam, vì vậy, phát triển luôn phải đề cao giá trị của rừng, lấy rừng làm gốc... "Quan điểm của tôi là cần đánh thức các phế tích, khai quang, phát sáng, đem lại giá trị của nó trong hiện tại”.

Ở góc nhìn của một nhà sử học, ông Dương Trung Quốc cho biết: “Bước vào thế kỷ XX, người Pháp tin chắc rằng đất nước này, xứ sở này sẽ mãi mãi là ‘lãnh thổ hải ngoại’ của họ, nên những người cầm quyền cũng như những nhà thực dân đều nhìn nhận Ba Vì như một miền đất hứa, trước hết cho cuộc sống của chính họ, cộng đồng người Âu châu cần một không gian gần gũi về sinh thái và khí hậu như miền quê châu Âu xa xôi của họ. Và vẻ đẹp đầy quyến rũ của cảnh quan Ba Vì càng làm cho họ đầu tư nhiều hơn không chỉ tiền bạc mà cả trí lực vào vùng đất này. Để đạt mục tiêu khai thác, người Pháp đã ứng xử đối với Ba Vì với một sự nghiêm cẩn và khoa học, điều mà ngày nay chúng ta có thể học hỏi”.

Can thiệp chủ động

Giải quyết câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển hay khai thác hợp lý tiềm năng của Ba Vì, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, chắc chắn là một bài toán khó. Tuy nhiên, trên thế giới bài toán này đã có lời giải. Họ đã phát triển, cải tạo các phế tích để thu hút cộng đồng đến hưởng thụ và tìm hiểu trực quan những dấu ấn của lịch sử, văn hóa. Đó là một cách làm để quá khứ không còn chỉ nằm trên giấy. Phương thức này đồng thời tạo nguồn kinh phí để bù đắp phần nào cho việc duy trì và bảo vệ các di tích vốn rất eo hẹp.

Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Quốc Thông cho biết, qua khảo sát, về quy mô cotes 600m, 700m, 800m so với thời Pháp vẫn gần như giữ nguyên trạng, những gì về cấu trúc đô thị, hệ thống đường từ thời Pháp đều được tôn trọng. Đặc biệt, các phế tích và cảnh quan trên các cotes được giữ lại, phát lộ để trở thành các điểm tham quan dành cho khách du lịch. Ở cotes 400m có 13/29 công trình từ thời Pháp được can thiệp, xuất hiện xu hướng xây dựng thành khu nghỉ dưỡng mang tính phổ thông. Riêng cotes 600m, 700m, với quy mô 55ha, thực chất mới xây dựng trên nền phế tích 12/82 công trình của người Pháp.

 Bày tỏ quan điểm về can thiệp bảo vệ đối với các phế tích kiến trúc này, KTS Nguyễn Quốc Thông cho rằng, bảo tồn phải trong sự phát triển bền vững, tuân thủ pháp luật và phục vụ người dân. "Như vậy, với tài nguyên này, cần thiết phải khai thác. Khai thác hợp lý chính là can thiệp chủ động để bảo vệ và làm tăng giá trị kiến trúc, cảnh quan, đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Ba Vì theo hướng bền vững. Mức độ can thiệp phải cẩn trọng để giữ gìn được tài nguyên này”.

PGS.TS. Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, gợi ý, không nên đặt vấn đề phục hồi toàn bộ cảnh quan văn hóa khu vực này như nó vốn có. Tuy nhiên, có thể lựa chọn khu vực thích hợp có khả năng phục dựng một số biệt thự để phục vụ cho nhu cầu du lịch sinh thái cao cấp. "Theo quan điểm hiện tại, bảo tồn di sản văn hóa phải phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững. Di sản đến từ quá khứ nhưng phải gắn với hiện tại, đáp ứng tốt nhu cầu của con người. Tạo lập sự “cân bằng động” giữa bảo tồn và phát triển, giữa văn hóa và môi trường thiên nhiên là cái đích phải hướng tới. Bảo tồn di sản để tạo cơ hội hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa mới".

Hương Sen