Đánh thức kinh tế ban đêm

- Thứ Năm, 27/08/2020, 06:51 - Chia sẻ
Vào giữa tháng 7, trước khi dịch Covid-19 quay lại, sự kiện "Ấm thực và Âm nhạc biển An Bàng" tại cuối bãi phía tây biển An Bàng, TP Hội An, Quảng Nam diễn ra từ 4 giờ chiều đến gần 12 giờ đêm đã thu hút hàng chục nghìn khách tham gia, trong đó có rất nhiều người nước ngoài đang lưu trú, tạm trú tại Hội An.

Sức hút của sự kiện này có thể xuất phát từ chỗ nhiều người “cuồng cẳng cuồng chân” sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch, nhưng mặt khác cũng chứng tỏ các hoạt động kinh tế ban đêm là một “con gà đẻ trứng vàng”.

Trên thế giới, kinh tế ban đêm đang dần trở thành một động lực tăng trưởng mới. Mỗi năm, các hoạt động dịch vụ buổi tối mang về cho New York (Mỹ) 19 tỷ USD và 300 nghìn việc làm. Trung bình doanh thu hàng năm từ kinh tế ban đêm của Anh đạt 66 tỷ bảng và tạo ra 1,3 triệu việc làm (thống kê trong giai đoạn 2002 - 2012). Tại Trung Quốc, từ năm ngoái, Chính phủ nước này khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh vào ban đêm nhằm thuyết phục người tiêu dùng trẻ rút hầu bao nhiều hơn cho các hoạt động ăn uống, giải trí và mua sắm. Tháng 8.2019, Quốc Vụ viện Trung Quốc đã thông qua 20 biện pháp kích thích tiêu dùng bao gồm cho phép các cơ sở kinh doanh đóng cửa muộn hơn, thành lập các khu chợ đêm, mở thêm các cửa hàng tiện lợi 24/24 và các quán ăn uống mở cửa đến tận khuya.

Trên thực tế, sau khi khống chế thành công đợt dịch Covid-19 lần một, việc khai thác tiềm năng của kinh tế ban đêm đã được Chính phủ đặt ra nhằm hướng đến không chỉ lợi ích kinh tế - xã hội mà còn là giá trị quảng bá hình ảnh, văn hóa của đất nước. Sự kiện "Ấm thực và Âm nhạc biển An Bàng" nhắc tới ở trên cũng nằm trong định hướng này. Cho dù có khó khăn, nhưng nếu muốn thu hút khách du lịch nước ngoài nhiều hơn nữa thì cần phát triển các loại hình kinh tế đêm.

Vào cuối tháng 7, chính xác là ngày 27, Thủ tướng đã ký Quyết định 1129 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam - cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy sự phát triển của kinh tế đêm, hướng đến tận dụng tối đa cơ hội để phát triển kinh tế. Một trong những giải pháp chủ động phát triển kinh tế ban đêm là cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số thành phố, khu du lịch lớn. Đặc biệt, Đề án nhấn mạnh quan điểm: Phát triển kinh tế ban đêm phải dựa trên cơ sở tôn trọng và hài hòa cung - cầu trên thị trường, cơ quan quản lý không áp đặt tư duy chủ quan của mình và phải vượt qua rào cản tư duy “không quản được thì cấm”.

Tiếc rằng đúng thời điểm ấy dịch Covid-19 quay lại, bùng phát ở thành phố du lịch Đà Nẵng - 1 trong 10 địa phương được thí điểm hoạt động kinh tế ban đêm theo Đề án 1129 và lan ra nhiều tỉnh, thành phố khác. Vì thế lĩnh vực kinh tế mới này tạm thời bị ngưng trệ.

Tuy vậy các hoạt động kinh tế ban đêm chắc chắn sẽ khởi động trở lại. Và giờ là lúc cần lập tức triển khai các nhóm giải pháp trong Đề án 1129 để ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát có thể sớm phục hồi khu vực dịch vụ, du lịch, về lâu dài là tạo thêm những cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế.

Kinh tế ban đêm không chỉ quán bar hay club, mà nền tảng của nó phải là sự đa dạng của các hoạt động văn hóa, giải trí, nghệ thuật có thể mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ và sự hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa nước sở tại. Để hình thành được kinh tế ban đêm đúng nghĩa như vậy, cần nỗ lực từ nhiều phía - cả chính quyền, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân. Đây là kinh nghiệm của các quốc gia có nền kinh tế về đêm sôi động trên thế giới. Trong đó, đòi hỏi sự chủ động và sáng tạo của chính quyền địa phương trong việc quy hoạch được không gian cho các hoạt động kinh tế ban đêm, đưa ra định hướng và khuyến khích phát triển những hoạt động cụ thể, đồng thời tạo lập một môi trường an ninh tốt.

Cẩm Phô