Đánh thức di sản đô thị

- Thứ Bảy, 08/01/2022, 06:58 - Chia sẻ
Thời gian qua, nhiều di sản kiến trúc hàng trăm năm tuổi tại khu phố cổ Hà Nội đã được trùng tu, bảo tồn. Không “bảo tàng hóa”, các công trình này được “đánh thức” với những hoạt động văn hóa, sáng tạo, thu hút đông đảo công chúng, mang đến cho di sản đời sống mới, hòa vào dòng chảy đương đại.
Trình diễn sắp đặt thời trang “Nhị Hà Flow” tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm - Ảnh: BTC
Trình diễn sắp đặt thời trang “Nhị Hà Flow” tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm
  Ảnh: BTC

Không “bảo tàng hóa” di sản
Hơn 40 năm qua, 22 Hàng Buồm là địa chỉ một trường mẫu giáo thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ít ai biết rằng sau cánh cổng nhà trẻ còn lưu bóng dáng quần thể kiến trúc cổ kính đặc sắc của Hội quán Quảng Đông. Đây cũng là một trong hai hội quán còn lại trong khu phố cổ Hà Nội (cùng với Hội quán Phúc Kiến ở 40 Lãn Ông). 
Dự án tôn tạo Hội quán Quảng Đông được khởi động từ cuối năm 2018, sau hơn 2 năm thực hiện, phần lớn các hạng mục đã được phục dựng kiến trúc ban đầu. Vấn đề đặt ra khi hoàn thành việc bảo tồn, trùng tu là để di sản song hành với sự phát triển của đời sống đương đại. KTS. Nguyễn Hoàng Phương, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết: Việc trùng tu cố gắng giữ lại các yếu tố nguyên gốc. Một số phần cấu kiện của di sản không còn sử dụng được vẫn lưu giữ và trưng bày tại đây để mọi người thấy những lớp thời gian đã qua. Dù vậy, nghiên cứu kiến trúc, chức năng mới cho công trình di sản, những người thực hiện mong muốn công trình không bị “bảo tàng hóa”. 
Với sự tham gia của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các nghệ sĩ, Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo vừa được tổ chức tại không gian này như hoạt động mở đầu, biến nơi đây thành không gian sáng tạo mới của Hà Nội. Với hơn 20 sự kiện tích hợp, gồm không gian triển lãm và trình diễn thiết kế thời trang, nghệ thuật thư pháp, âm nhạc thử nghiệm, sắp đặt trình diễn video art, hòa nhạc video, trình diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống thử nghiệm… chương trình đã thu hút nhiều công chúng tham gia. 
Không chỉ Hội quán Quảng Đông, theo KTS. Nguyễn Hoàng Phương, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản gần đây tại Hà Nội đều chú ý mang tới đời sống mới cho các công trình kiến trúc xưa. Như đình Đồng Lạc ở 38 Hàng Đào được bảo tồn, tôn tạo trở thành nơi giới thiệu sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ đặc sắc của Việt Nam. Hay ngôi nhà 50 Đào Duy Từ - từng là Rạp hát Lạc Việt, một trong 2 rạp hát lớn nhất Hà Nội thế kỷ XX (bị phá hủy từ cuối thập niên 1980), được xây dựng, giữ lại đường nét, hình dáng của công trình cũ thể hiện trên vật liệu mới, vừa gợi sự kết nối với quá khứ, vừa mang dấu ấn của nhịp sống hiện đại.

	Triển lãm ảnh "Hà Nội Là" tại 22 Hàng Buồm
Triển lãm ảnh "Hà Nội Là" tại 22 Hàng Buồm

Gắn với đời sống đương đại
KTS. Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, ở các nước, di sản đồng hành với sự phát triển đô thị hàng trăm năm. Tại Việt Nam, việc nhận diện, đưa vào khai thác, phát huy giá trị di sản đô thị từng thời kỳ, từng địa phương có sự khác nhau. Tuy vậy, có thể thấy, di sản đô thị là phần đặc biệt quan trọng và không thể tách rời với đô thị lịch sử, đặc biệt với Hà Nội, một thành phố đang phát triển nhanh, mạnh, phần hồn cốt của thủ đô nằm ở phần lõi của đô thị di sản. 
Theo GS. TS. KTS. Hoàng Đạo Kính, biến di sản đô thị trở thành di tích bất di bất dịch là điều không khả thi, mà phải khơi dòng cho di sản đô thị vừa giữ được bản sắc, nhưng lại “đứng chân” được, hòa vào dòng chảy tự nhiên, trở thành một thành tố của đời sống hiện đại. Các di sản kiến trúc có giá trị văn hóa và lịch sử là tài sản của đô thị. Bảo tồn và phát huy được “dĩ vãng vật chất và tinh thần” của mình, đô thị có thể duy trì, củng cố và giữ được diện mạo, tâm hồn, bản sắc riêng.
Tạo đời sống mới cho di sản còn mang tới nhiều lợi ích khác. KTS. Phạm Tuấn Long cho rằng, với diện tích đất hạn chế, mật độ dân cư cao, quận Hoàn Kiếm không còn quỹ đất dành cho phát triển thiết chế văn hóa như các quận khác. Việc giải phóng mặt bằng và tu bổ di sản văn hóa kiến trúc, ngoài đóng góp vào quỹ di sản đô thị, giảm mật độ dân cư trong di tích, còn tạo không gian văn hóa, sinh hoạt cho cộng đồng dân cư. Thực tế, thời gian vừa qua, nhiều công trình không những trở thành điểm đến du lịch, mà còn được người dân trên địa bàn đón nhận.

KTS. Phạm Tuấn Long cho biết thêm, các di sản thời gian qua đã đóng góp vào sự phát triển chung của quận Hoàn Kiếm. Riêng du lịch của quận tăng trưởng 23%/năm. Tiền thu được từ dịch vụ đã đầu tư trở lại cho di tích. Với hướng phát triển như vậy, thành phố đang nghiên cứu các dự án với quy mô lớn hơn. 
Đã có nhiều bài học thành công từ các nước phương Tây về khai thác di sản kiến trúc trong cuộc sống hiện đại. Chẳng hạn, nhiều di sản kiến trúc của Italy, Pháp trở thành không gian nghệ thuật, một số ngôi đền của Nhật Bản trở thành nơi diễn ra chương trình nghệ sĩ cư trú... Nêu các ví dụ trên, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn khẳng định: Các không gian như Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm hoàn toàn là nơi xứng đáng đầu tư chất xám, đưa di sản văn hóa kiến trúc đồng hành với sáng tạo nghệ thuật của thành phố. Đây là cách bảo tồn tốt nhất, để di sản sống cùng nghệ thuật đương đại, mở ra các không gian sáng tạo nghệ thuật lấy cảm hứng từ truyền thống, di sản.

Ngọc Phương