Phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội

Đánh giá thực trạng, định vị thương hiệu

- Thứ Hai, 14/06/2021, 07:11 - Chia sẻ
Xác định văn hóa là trung tâm trong chính sách phát triển, là động lực, sức mạnh nội sinh, nguồn lực quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước quyết định xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021 - 2025.
	Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh ITN
Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa
Nguồn: ITN

Tầm nhìn rộng mở

Tại tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp” do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 10.6 vừa qua, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai cho biết: Đảng bộ thành phố quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (một trong hai nghị quyết chuyên đề trong cả nhiệm kỳ) làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô với tầm nhìn rộng mở, nhằm bắt nhịp xu thế thời đại; không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện đời sống tinh thần Nhân dân gắn với thu hẹp khoảng cách, nâng cao khả năng thụ hưởng văn hóa giữa các vùng (khu vực đô thị, ngoại thành, khu xa trung tâm…). Đồng thời, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố; hướng tới mục tiêu từng giai đoạn, phấn đấu đến năm 2045 Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Đây vừa là việc cụ thể hóa nhiệm vụ đặt ra trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ, Chương trình số 06 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (Khóa XVII) về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, giai đoạn 2021 - 2025”, vừa là quyết tâm chính trị cao của thành phố thực hiện cam kết với UNESCO trong xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” trên lĩnh vực thiết kế của khu vực Đông Nam Á, với nền tảng là các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo.

Công nghiệp văn hóa đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm phát triển, coi đây là “con gà đẻ trứng vàng”, vừa phát triển kinh tế bền vững, gìn giữ bản sắc, vừa quảng bá hình ảnh quốc gia. Theo các chuyên gia, với hơn 5.000 di tích văn hóa lịch sử, 1.350 làng nghề, nhiều danh lam thắng cảnh và các lễ hội tiêu biểu, hội tụ các loại hình nghệ thuật biểu diễn trong nước và quốc tế, hệ ẩm thực phong phú... Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển ngành công nghiệp này trong tương lai.

Đưa công nghiệp văn hóa trở thành “đầu tàu”

Hà Nội được định vị là một thành phố thiết kế sáng tạo, nhưng chưa đủ. Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group of Companies, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo cho rằng, thành phố cần định vị thương hiệu thành phố sáng tạo dựa trên sự hội đủ ba yếu tố: Sự khác biệt; tính phù hợp; và triết lý riêng. Đối với Hà Nội, còn cần thêm các yếu tố khác biệt mang tính đặc trưng văn hóa Việt Nam, cá tính của vùng đất nghìn năm văn hiến, sự tương thích với chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Bề dày văn hóa là cơ sở và bệ phóng cho phát triển chứ không minh chứng cho một nền công nghiệp văn hóa phát triển. Đây là ý kiến của nhạc sĩ Quốc Trung - Giám đốc, Tổng đạo diễn Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival). “Không thể phủ nhận chúng ta có tiềm lực với gần 10 triệu dân cùng hàng trăm nghìn lượt du khách tới Hà Nội mỗi năm, vậy khó khăn nằm ở đâu? Xin thưa đó là vì chúng ta thiếu sự phát triển bền vững. Một dự án nghệ thuật đỉnh cao muốn thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước cần được đầu tư về mọi mặt và có tuổi đời hoạt động từ 5 - 10 năm. Tuổi đời các dự án nghệ thuật thường rất ngắn khiến giá thành sản xuất rất cao, dẫn đến việc đầu tư về mọi mặt không đủ, qua loa và yếu ớt”. Cho đến giờ Hà Nội chưa có một dự án nghệ thuật nào mang tầm quốc tế đủ sức thu hút mọi thành phần công chúng trong và ngoài nước, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe về tính cạnh tranh với thói quen thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao của khán giả quốc tế.

Theo nhạc sĩ Quốc Trung, Hà Nội cần đánh giá thực trạng và tiềm năng, từ đó lựa chọn mô hình phát triển tập trung, dựa trên đặc thù, đặc trưng của văn hóa truyền thống và thế mạnh của thành phố. Để công nghiệp văn hóa phát triển, thành phố phải coi nó và đưa nó thành “đầu tàu” dẫn dắt các ngành công nghiệp khác.

Đồng tình với ý kiến trên, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam Trần Ly Ly cho rằng, cần xây dựng các cuộc khảo sát về thực trạng mang tính toàn diện và cụ thể cho từng lĩnh vực, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp mang tính thực tiễn, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần phát triển đồng bộ từ yếu tố con người đến cơ sở hạ tầng và đặc biệt là các sản phẩm nghệ thuật; có sự chung tay của 3 nhóm yếu tố như ngân sách công (chẳng hạn tài trợ địa điểm biểu diễn bằng cách xây dựng một nhà hát đủ chuẩn); nguồn thu trực tiếp từ show diễn và bảo trợ (đến từ các thương hiệu, nhà tài trợ, quảng cáo, tổ chức phi chính phủ…) mới tạo nên được giải pháp lâu dài, bền vững.

Để công nghiệp văn hóa phát triển, nhiều ý kiến cũng đề xuất, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa; quan tâm tới các không gian sáng tạo, đặc biệt là không gian dành cho lớp trẻ. Cùng với đó, có chiến lược phát triển nguồn nhân lực, giáo dục sáng tạo cập nhật sự phát triển chung của thế giới; thúc đẩy phát triển công nghệ để sáng tạo, quảng bá và phân phối sản phẩm; tạo cơ chế phối hợp, liên kết tuần hoàn, bền vững giữa các lĩnh vực công nghiệp văn hóa...

Ngọc Phương