Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Đánh giá rõ tác động của việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật

- Thứ Năm, 17/09/2020, 12:26 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 48, sáng nay, 17.9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật; báo cáo kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV; cho ý kiến về báo cáo về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội (gồm 2 nội dung: tình hình thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội và Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật

Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp và Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp

Về kết quả tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, luật, pháp lệnh, Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương; Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, đoàn thể ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2020 hoặc lồng ghép công tác này trong Chương trình, Kế hoạch công tác năm. Hình thức phổ biến là thực hiện cập nhật, đăng tải công khai toàn văn nội dung các luật, pháp lệnh trên Công báo, Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật…

Về kết quả xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, tính từ ngày 16.8.2019 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 103 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực. Hiện đã ban hành được 71 văn bản, còn 32/103 văn bản nợ chưa ban hành. Về công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, từ ngày 16.8.2019 đến ngày 15.8.2020, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền đối với các thông tư là văn bản quy định chi tiết, kết quả bước đầu chưa phát hiện nội dung trái pháp luật…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước

Báo cáo về Kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, liên quan đến kiến nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về 25 nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng trong pháp luật về đầu tư kinh doanh, các cơ quan chức năng đã tiến hành rà soát cụ thể. Kết quả cho thấy, có 16 nội dung phản ánh của VCCI là có cơ sở hoặc đúng một phần, 9 nội dung chưa chính xác.

Tổ công tác của Thủ tướng cũng đã tiến hành rà soát 8.779 văn bản (bao gồm: 249 luật, bộ luật; 43 Nghị quyết của Quốc hội; 44 pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 1.163 Nghị định của Chính phủ; 866 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 6.414 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ). Nội dung các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn tập trung chủ yếu vào 10 lĩnh vực có tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh. 

Qua rà soát cũng cho thấy, hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, tính dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật. Một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu “chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu” theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến việc hiểu, áp dụng không thống nhất…

Xử lý nghiêm khắc tình trạng nợ văn bản

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về các báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận, công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh được Chính phủ chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ Kỳ họp thứ Tám đến nay, Quốc hội đã thông qua 32 luật, nghị quyết, trong đó có 26 dự thảo luật, dự thảo nghị quyết do Chính phủ trình, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013. Đã có thêm 3 dự án luật thuộc danh mục cần ban hành theo Nghị quyết số 718 được đưa vào Chương trình năm 2020. Tuy nhiên, tính đến tháng 8.2020, vẫn còn 18 dự án luật trong Danh mục nói trên chưa có kế hoạch triển khai xây dựng cụ thể, trong đó có 16 dự án luật được phân công cho Chính phủ chủ trì. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật về các báo cáo của Chính phủ

Về ban hành văn bản quy định chi tiết, đến ngày 31.8.2020, còn 32/103 (31%) văn bản nợ chưa ban hành, trong đó có 6 văn bản đã chậm hơn 1 năm. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị đánh giá đầy đủ hơn nội dung này gắn với các trường hợp cụ thể còn nợ đọng văn bản, làm rõ tác động của việc tự kiểm điểm đối với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác ban hành văn bản quy định chi tiết. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần có chế tài xử lý trách nhiệm nghiêm khắc hơn theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 67 của Quốc hội.

Về kết quả thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước, các cơ quan của Quốc hội đồng tình với nhiều nội dung được cho là có mâu thuẫn, chồng chéo hay bất cập, không phù hợp thực tiễn theo như phân tích, đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, việc đánh giá văn bản quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hay không phù hợp với thực tiễn hay không cần hết sức thận trọng, bởi không chỉ liên quan đến chất lượng của công tác xây dựng pháp luật mà sẽ có tác động, ảnh hưởng lớn đến tâm lý, ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp cũng như của toàn xã hội nói chung. Do đó, mỗi nhận định, đánh giá cần phải hết sức cụ thể, rõ ràng, có lập luận chặt chẽ, thuyết phục, phương án xử lý phù hợp, khả thi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý. 

Không ảnh hưởng đến thực tiễn thi hành

Báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng cho biết, có 23 văn bản có nội dung mâu thuẫn; 3 văn bản đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn và 24 văn bản đã hết hiệu lực thi hành nhưng chưa có văn bản khác sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc thay thế.

Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

Báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, qua rà soát 57 văn bản thì 2 văn bản có quy định mâu thuẫn, chồng chéo; 6 văn bản có quy định không còn phù hợp cần sửa đổi hoặc bổ sung. Ngoài ra, qua công tác xét xử các vụ án hình sự, Tòa án Nhân dân tối cao phát hiện một số vướng mắc của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc (khoản 2 Điều 65)…

Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Toà án Nhân dân tối cao

Thẩm tra Báo cáo kết quả rà soát văn bản pháp luật của Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, hai cơ quan này đã thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức rà soát công phu, kỹ lưỡng. Ủy ban Tư pháp nhất trí với đề xuất của Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về việc, mặc dù kết quả rà soát phát hiện một số quy định chưa thống nhất hoặc chưa phù hợp nhưng cơ bản không ảnh hưởng đến thực tiễn thi hành dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung ngay các văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị ghi nhận kết quả rà soát để tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc khi tiến hành sửa đổi tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cho phù hợp, thống nhất.

Kịp thời khắc phục “lỗ hổng” của cơ chế, chính sách

Báo cáo về tình hình rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Kiểm toán Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu rõ, Kiểm toán nhà nước đã có nhiều kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ nhiều văn bản chưa phù hợp thực tiễn hoặc chưa có sự thống nhất giữa các văn bản. Tổng hợp kết quả kiểm toán giai đoạn từ ngày 1.1.2016 đến ngày 31.12.2019, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế 667 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” của cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo về tình hình rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Kiểm toán Nhà nước

Thẩm tra kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo chuyên đề hoặc lĩnh vực của Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, báo cáo chưa tổng hợp các kiến nghị về sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật của các năm trước đến nay và chưa nêu kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Kiểm toán Nhà nước ban hành theo thẩm quyền. Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị, Kiểm toán Nhà nước cần rà soát thêm một số văn bản quy phạm pháp luật khác như các luật thuế, Luật Hải quan…, đặc biệt là Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nội dung liên quan đến hoạt động của kiểm toán nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Thẩm tra kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo chuyên đề hoặc lĩnh vực của Kiểm toán Nhà nước

Về các kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản thông qua hoạt động kiểm toán, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu cụ thể, làm rõ hơn các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của hệ thống tổ chức công đoàn Việt Nam.

Còn 87/572 nội dung chưa có văn bản quy định chi tiết 

Báo cáo Tổng hợp kết quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV (từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ Tám), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đến hết Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội đã ban hành 55 luật; trong đó, có 53 luật đã có hiệu lực thi hành, 2 luật có hiệu lực thi hành từ 1.1.2021.

Tính đến tháng 8.2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành đã ban hành văn bản quy định chi tiết được 485/572 (chiếm 85%) nội dung được giao trong các luật; còn lại 87/572 (chiếm 15%) nội dung chưa ban hành văn bản quy định chi tiết. Một số luật có từ 80% - 100% nội dung chưa có văn bản quy định chi tiết được ban hành, đặc biệt, có một số nội dung sau gần 3 năm luật có hiệu lực nhưng vẫn chưa có văn bản quy định.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo Tổng hợp kết quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV (từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ Tám)

Về bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy định chi tiết, qua giám sát cho thấy, không có văn bản nào có dấu hiệu trái Hiến pháp; cơ bản bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với nội dung được luật giao. Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội cũng chỉ rõ, vẫn còn một số văn bản có dấu hiệu chưa bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật.

Xử lý trách nhiệm còn chung chung

Thảo luận tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng như các báo cáo kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, các báo cáo đều rất chi tiết, có cái nhìn tổng quan. Từ đó cho thấy, công tác xây dựng hoàn thiện pháp luật thời gian qua đã có nhiều cố gắng, dày công để ban hành văn bản phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, xem xét các báo cáo này là việc làm quan trọng để điều chỉnh, xây dựng pháp luật sắp tới trên cơ sở phát hiện những sai sót, hạn chế.

Nhiều ý kiến Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, vẫn còn những hạn chế, bất cập trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã “nhắc đi, nhắc lại”, đó là luật có chồng chéo, một số nội dung chưa rõ… Đặc biệt là việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, thậm chí có văn bản chậm ban hành đến 2 năm; có luật chưa có hiệu lực nhưng đã đề nghị sửa; một số luật gần đây, khi ban hành thì đề nghị giao Bộ này quản lý nhưng vài năm sau lại đề nghị sửa luật để giao cho Bộ khác quản lý… Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc xử lý trách nhiệm trong việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn nói chung chung, không chỉ rõ. Theo ông, phải đánh giá rõ tác động của việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xử lý trách nhiệm như thế nào để xử lý câu chuyện nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật. 

Trung Thành