Đánh giá hiệu quả chính sách

- Thứ Ba, 13/04/2021, 08:10 - Chia sẻ
Các vấn đề phát sinh từ chính sách xã hội hóa các dịch vụ công, trong đó bao gồm hợp tác giữa các đơn vị sự nghiệp nhà nước và doanh nghiệp để cung ứng dịch vụ công được quan tâm từ nhiều năm nay, đặc biệt trong ngành y tế. Gần đây nhất, các cơ quan báo chí thông tin rộng rãi việc Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đang tiến hành xác minh một số vụ việc liên quan đến gói thầu mua sắm thiết bị y tế, đề án xã hội hóa tại Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Thanh Nhàn.

Cách đây chưa lâu, vụ việc ở Bệnh viện Bạch Mai, trước đó nữa là vụ việc tham nhũng trong mua sắm thiết bị xét nghiệm Covid-19 ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho thấy vấn đề nêu trên không phải là cá biệt. Vi phạm xảy ra ở nhiều cơ sở y tế, nhiều bệnh viện, cho thấy tính hệ thống của vấn đề này, và vì vậy cần được xem xét từ “gốc” - tức là đánh giá hiệu quả chính sách để nếu cần thiết tính đến những điều chỉnh trong thực thi chính sách xã hội hóa.

Điểm chung của các vụ việc là sai phạm về tài chính xảy ra ở các dự án mua sắm vật tư, trang thiết bị trong các chương trình liên doanh liên kết giữa cơ sở cung cấp dịch vụ (bệnh viện) và doanh nghiệp tư nhân. Đáng nói hơn, kể cả khi có “giám định” độc lập, thì thiết chế này cũng bị “vô hiệu hóa” khi cố tình giám định theo hướng “phục vụ” cho một số doanh nghiệp nhất định. Các quy trình như giám định giá độc lập, hay hội đồng giám định dễ dàng bị qua mặt, bởi đơn giản, công ty giám định tư nhân cũng chỉ là “sân sau”, lập ra để hợp thức hóa thủ tục.

Dù “kịch bản” vi phạm như thế nào, thì thiệt hại trên thực tế đều rơi vào bệnh nhân - người sử dụng dịch vụ. Và do đó, từ một chủ trương mang tính nhân văn và hợp lý - cho phép tư nhân hợp tác với tổ chức nhà nước để cung cấp dịch vụ công có chất lượng hơn, với giá cả phù hợp hơn - cuối cùng, trong một số trường hợp như nói trên lại khiến người dân chịu thiệt hại nhiều hơn khi sử dụng dịch vụ công thiết yếu.

Để xử lý vấn đề này, nhiều chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị chính sách, cả giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Trước mắt, kiên quyết tuân thủ quy định về đấu thầu công khai, minh bạch trong tất cả các gói mua sắm vật tư, thiết bị trong ngành y tế là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, đấu thầu cạnh tranh cần được công khai thông tin, đặc biệt trên Cổng thông tin y tế mà Bộ Y tế đã xây dựng và đưa vào hoạt động gần đây. Cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và minh bạch về mức giá, về chào thầu, về kết quả lựa chọn thầu của các đơn vị tham gia thầu là việc trong tầm tay của Bộ Y tế. Mở rộng thông tin, sẵn sàng cung cấp thông tin cho người dân, báo chí có thể tham gia giám sát là giải pháp trực tiếp, “chi phí thấp” mà vẫn cho “hiệu quả cao”.

Dài hạn hơn, đánh giá lại quy trình và hiệu quả của chính sách “xã hội hóa dịch vụ công thiết yếu là công việc quan trọng mà Quốc hội và Chính phủ cần xem xét tiến hành. Việc xem xét hiệu quả cụ thể trong từng lĩnh vực, từ y tế, giáo dục, cung cấp dịch vụ nước sạch, vệ sinh - môi trường... sẽ giúp trả lời câu hỏi, liệu xã hội hóa có bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ với giá cả phù hợp và chất lượng đạt yêu cầu cho người dân hay không? Điều gì trục trặc trong xã hội hóa theo kiểu liên kết công - tư? Có nên chuyển hẳn một số dịch vụ cho tư nhân trong một số điều kiện cụ thể; và Nhà nước cung cấp dịch vụ trong một số điều kiện cụ thể thay vì cách làm liên kết?

Những câu hỏi nêu trên cần có sự đánh giá khoa học; từ phía Quốc hội là qua chương trình giám sát, các phiên chất vấn chính sách; và từ Chính phủ là qua chương trình đánh giá chính sách có sự tham gia của các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức xã hội. Có như vậy, một vấn đề lớn như cung cấp dịch vụ công thiết yếu mới có thể đạt hiệu quả, bảo đảm người dân được tiếp cận dịch vụ một cách dễ dàng, bình đẳng, với giá cả phù hợp.

Cẩm Phô