Đánh giá đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi

- Thứ Hai, 17/01/2022, 17:32 - Chia sẻ
Chiều 17.1, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã phối hợp với UNICEF Việt Nam tổ chức Hội thảo kỹ thuật tham vấn, đóng góp ý kiến dự thảo báo cáo “Đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội và thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry và Quyền Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Lê Hồng Loan đồng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới hơn 60 điểm cầu trong cả nước.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, hiện nay, cả nước nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đang triển khai thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 và Chương trình giáo dục phổ thông mới. Để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông có chất lượng và hiệu quả, đòi hỏi cụ thể hóa các Nghị quyết của Quốc hội, pháp luật của Nhà nước và chính sách của Chính phủ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc nghiên cứu đánh giá kết quả thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết của Quốc hội và thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 trên địa bàn các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là nhu cầu tất yếu trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.

Theo đó, trên cơ sở kết quả khảo sát thực tế và báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi, sự cố vấn của các chuyên gia của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Hội đồng Dân tộc đã xây dựng Dự thảo báo cáo Đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội và thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, nghiên cứu đánh giá nhằm góp phần giải đáp các câu hỏi: Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới giáo dục và thực hiện Luật Giáo dục 2019 đang thực hiện như thế nào, tác động của đại dịch Covid - 19 đối với quá trình thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ra sao... Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng để tìm ra giải pháp phù hợp đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có những điều chỉnh, bổ sung và ban hành chính sách mới nhằm thực hiện có hiệu quả, hiệu lực Luật Giáo dục 2019 và các chính sách phát triển giáo dục vùng dân tộc, tạo động lực phát huy nội lực để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, tại chỗ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại Hội thảo

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, mục đích của Hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến về những nội dung cơ bản của dự thảo báo cáo, làm rõ những kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn, bất cập trong thực tiễn, nhất là trong bối cảnh triển thực hiện chính sách chịu sự tác động tiêu cực của đại dịch Covid - 19 đối với trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông và thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid – 19.

Hoàng Ngọc