Dân vẫn “trèo tường”, phường vẫn không biết !

- Thứ Hai, 02/08/2021, 20:55 - Chia sẻ
“Ai ở đâu ở đấy”, tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố hay nơi cư trú từ sau ngày 31.7.2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép). Đây là một nội dung đáng chú ý trong Công điện số 1063/CĐ-TTg  về phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ như là một trong những biện pháp quan trọng trong tình hình cấp bách hiện nay.
Người dân vượt rào thép gai vận chuyển đồ, rời khỏi khu phong tỏa ở Hà Nội - 4
Người dân vượt rào thép gai rời khỏi phường Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội ( phường Chương Dương được xác định là vùng cách ly y tế từ 00 giờ ngày 31.7.2021 đến ngày 14.8.2021. Ảnh: dantri.com.vn

Dù Thủ tướng yêu cầu là vậy, nhưng đêm 1.8, lợi dụng thời điểm buổi tối khó quan sát, hơn nữa lực lượng kiểm soát mỏng không thể bố trí kiểm soát dọc cả tuyến đường nên một số người dân đã ra cố tình trèo qua tường đê để ra khỏi khu vực phong tỏa tại phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Điều đáng nói, phường Chương Dương vừa được UBND quận Hoàn Kiếm xác định là vùng cách ly y tế từ 00 giờ ngày 31.7.2021 đến ngày 14.8.2021. Theo đó, trong thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế, người dân tại địa bàn phường không được tiếp xúc với người khác, không ra khỏi vùng cách ly trừ trường hợp phải chuyển cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định hoặc những trường hợp khác. Trường hợp các hộ gia đình và cá nhân không tuân thủ yêu cầu cách ly sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định pháp luật. Văn bản cấp trên đã quy định rất rõ về việc tuân thủ phải cách ly y tế, đáng tiếc là, vẫn còn một số người vẫn cố tình vi phạm quy định, điều này tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch cho cộng đồng.

Những ngày này, tình hình dịch ở Hà Nội đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm Covid-19 tăng lên mỗi ngày. Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký Công điện số 17 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Công điện nêu rõ, chủ động quyết định việc thực hiện các biện pháp cao hơn trong thời gian giãn cách xã hội như phong tỏa một khu vực: Khu dân cư, tổ dân phố, cấp phường, xã, thị trấn để kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tuyệt đối không để người dân di chuyển ra ngoài địa bàn Thành phố trong thời gian giãn cách xã hội theo đúng quy định tại Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 31.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ, trừ những người được chính quyền cho phép. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố nếu để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương mình.

Có thể thấy “ai ở đâu ở đấy” là một biện pháp rất cần thiết và quan trọng vào lúc này không chỉ đối với Hà Nội mà với tất cả các địa phương đang điểm nóng của dịch. Nếu làm tốt được biện pháp này sẽ sớm rà soát được các trường hợp nhiễm và siết chặt được nguồn lây. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, và ý thức cá nhân của mỗi người dân trong việc chấp hành quy định phòng, chống dịch.

Người dân vượt rào thép gai vận chuyển đồ, rời khỏi khu phong tỏa ở Hà Nội - 13
Lợi dụng đêm tối, một số người dân trèo tường ra khỏi phường Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: dantri.com.vn

Ngày 1.4.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 447/QĐ-TTg công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc. Theo đó, xác định rõ bệnh Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu. Theo điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Ngoài xử lý hành chính, tùy từng mức độ nguy hiểm của hành vi, đối với trường hợp bỏ trốn khỏi khu vực cách ly y tế dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, nếu người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được cách ly mà trốn khỏi nơi cách ly gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự 2015.

Nếu người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa mà trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về Tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật hình sự 2015.

Ai cũng hiểu khi khu dân cư bị phong tỏa, khi trở thành người dân vùng cách ly, mọi sinh hoạt cuộc sống của chúng ta bị đảo lộn. Nhưng mỗi người vì mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh phải tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch. Bởi chỉ cần một chút chủ quan của mỗi chúng ta sẽ mang lại hiểm họa dịch bệnh rất lớn cho cộng đồng.

Xử phạt hành chính đã có, chế tài nghiêm khắc hình sự đã có. Do đó, đối với những người sống ở khu phong tỏa, vùng cách ly, cố tình vi phạm quy định phòng chống dịch, khi đang thực hiện giãn cách xã hội, phải xử lý nghiêm để răn đe.

Hà An