Dấn thân để hòa nhịp đời

- Thứ Hai, 27/12/2021, 06:37 - Chia sẻ
Đất nước nói riêng, nhân loại nói chung đang đứng trước nhiều vấn đề hệ trọng phải giải quyết. Trong bối cảnh đó, văn học nghệ thuật với tư cách là một lĩnh vực nhạy bén nhất, có thế mạnh đặc thù, không thể thờ ơ; các nghệ sĩ phải dấn thân, nhập cuộc, làm tròn vai trò, nhiệm vụ của mình, sáng tạo các tác phẩm có giá trị nghệ thuật mang tầm thời đại.
Đội ngũ văn nghệ sĩ cần hòa mình vào thực tiễn sinh động - Ảnh: Th.Nguyên
Đội ngũ văn nghệ sĩ cần hòa mình vào thực tiễn sinh động
Ảnh: Th.Nguyên

Bền bỉ sáng tạo, đồng hành với đất nước
Phát biểu tại hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay”, do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức ngày 15.12 vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn khẳng định: Đồng hành với lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng hàng nghìn năm của dân tộc ta, văn học, nghệ thuật nước nhà đã bền bỉ sáng tạo, bồi đắp bản sắc văn hóa, lương tri và phẩm giá dân tộc. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc trong thế kỷ XX, văn học nghệ thuật đã trở thành “binh chủng đặc biệt”, tạo thành sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, lập nên những kỳ tích, chiến công hiển hách, đi đến thắng lợi vẻ vang, thống nhất non sông, từng bước kiến thiết, dựng xây đất nước. 
Phát huy truyền thống rất đỗi tự hào, trong quá trình đổi mới đất nước, đội ngũ văn nghệ sĩ đã hòa mình vào thực tiễn phong phú, sinh động trong công cuộc đổi mới đất nước. Đặc biệt, 2 năm vừa qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành, văn học nghệ thuật cũng không đứng ngoài cuộc.

Theo PGS. TS. Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, khác với hoạt động chống dịch của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, các y, bác sĩ nơi tuyến đầu trực tiếp đối mặt với dịch bệnh và cái chết, các nhà văn, nhà thơ, các nhạc sĩ - nghệ sĩ, bằng tài năng và nhiệt huyết công dân của mình, giống như người tiếp lửa, đã kịp thời mang đến những lời ca, tiếng hát, những áng văn thơ làm xúc động lòng người, động viên, cổ vũ tinh thần, biểu dương những phẩm chất cao đẹp, những tấm gương dũng cảm hy sinh vì sự bình yên của cuộc sống, vì những giá trị nhân văn cao cả của con người.

“Đại dịch là điều không ai mong muốn. Nhưng trong thử thách khốc liệt đã làm nảy sinh những xúc cảm mới, những nghiền ngẫm suy tư mới, những quan niệm mới về giá trị, phẩm chất, về sức chịu đựng và ý chí, nghị lực, về tình yêu thương của con người” - PGS.TS. Phan Trọng Thưởng nói.
Bên cạnh công cuộc phòng chống dịch, thời gian vừa qua, văn học nghệ thuật cũng vẫn tiếp tục đi sâu vào các vấn đề nóng hổi của đời sống, góp phần bảo vệ cương vực lãnh thổ, bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; xây dựng và phát triển văn hóa, con người... 

Cần có cơ chế khuyến khích sáng tạo văn học nghệ thuật
Cần có cơ chế khuyến khích sáng tạo văn học nghệ thuật
Ảnh: Th.Nguyên

Có cơ chế khuyến khích sáng tạo
Tuy vậy, như nhiều đại biểu thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những nỗ lực và thành tựu, đời sống văn học nghệ thuật còn không ít bất cập, hạn chế, cả mặt yếu kém. Số lượng tác phẩm ra đời nhiều nhưng ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; có những tác phẩm chưa khám phá, khắc họa và cắt nghĩa đầy đủ, đúng đắn ý nghĩa, chiều sâu, tính đại diện của thực tiễn đổi mới đất nước hôm nay, thiên về tô đậm mảng tối, mặt tiêu cực, thậm chí xuyên tạc lịch sử dân tộc... Không ít tác phẩm xa rời những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo những vấn đề nhỏ nhặt, tầm thường, chiều theo thị hiếu dễ dãi của một bộ phận công chúng, đề cao một chiều chức năng giải trí, hạ thấp chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ...
Đất nước hòa bình, thống nhất đã gần nửa thế kỷ, hiện thực lớn lao và hết sức phong phú, sôi động. Ông Lại Xuân Môn băn khoăn: “Phải chăng chúng ta vẫn còn nợ lịch sử đất nước, nợ dân tộc và nhân dân những tác phẩm xứng tầm về những vấn đề quan trọng như thế?”
Nền văn học nghệ thuật nước nhà đang đứng trước sứ mệnh cao cả là trực tiếp góp phần khơi dậy khát vọng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới. Để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang đó, nhiều ý kiến cho rằng, đội ngũ văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động văn học, nghệ thuật cần dấn thân, đắm mình vào thực tiễn sinh động, phát huy mạnh mẽ trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân để khám phá và sáng tạo, không ngừng mở rộng phạm vi, chiều sâu chiếm lĩnh hiện thực; lý giải và cắt nghĩa sâu sắc những vấn đề mới, quan trọng, cấp thiết để nhân dân ta được thưởng thức nhiều hơn nữa những tác phẩm hấp dẫn, sâu sắc về nội dung tư tưởng, mới mẻ về hình thức. 
Để nghệ sĩ phát huy tài năng, sáng tạo ra các tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao gắn với các vấn đề của đời sống, PGS. TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, cần có hành lang pháp lý cho tự do sáng tạo, cơ chế khuyến khích sáng tạo, làm tốt bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư, chú ý phát hiện, bồi dưỡng, phát triển, trọng dụng tài năng văn học nghệ thuật; đào tạo phương thức lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật, có những lãnh đạo, nhà quản lý hiểu về vai trò của văn học nghệ thuật trong xây dựng đất nước...
Hy vọng được đón nhận bước phát triển mới của nền văn học nghệ thuật nước nhà, ông Lại Xuân Môn đề nghị: đội ngũ cán bộ tham mưu, quản lý lĩnh vực văn học nghệ thuật phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Liên hiệp, các hội chuyên ngành Trung ương và địa phương tổ chức nghiên cứu, tổng hợp khó khăn, rào cản, từ đó kịp thời hoạch định cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả cho hoạt động sáng tạo và quảng bá các tác phẩm có giá trị đến với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế.

Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật, hệ thống cơ chế, chính sách khoa học, sát với thực tế, bảo đảm tự do sáng tác, cải thiện điều kiện làm nghề, giải phóng và thúc đẩy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Đồng thời, rà soát, bổ sung cơ chế đầu tư, tài trợ, đặt hàng, cơ chế thi đua khen thưởng, tôn vinh để tạo động lực và điều kiện bảo đảm cho các tác phẩm phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển trở thành dòng chủ lưu trong đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà.

Thảo Nguyên