Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ

Đảm bảo cân bằng lợi ích

- Thứ Ba, 05/10/2021, 20:45 - Chia sẻ
Sau hai lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2009 và 2019, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ lần này có tới 94 điều trong tổng số 222 điều luật được Chính phủ đề xuất sửa đổi, liên quan đến hầu hết các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ nhằm tuân thủ cam kết ở hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam mới ký kết. Luật công nhận và bảo hộ nhiều loại quyền trong các khoảng thời gian khác nhau với các điều kiện bảo hộ khác nhau.

Nên quy định nguyên tắc chung

Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng là nghĩa vụ đối với Việt Nam để tuân thủ Công ước Paris (Điều 6bis) và Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs, Điều 16). Tuy cùng có chức năng chỉ dẫn nguồn gốc thương mại của một sản phẩm như nhãn hiệu thông thường, nhưng nhãn hiệu nổi tiếng khác biệt ở chỗ chứa cùng lúc 3 thuộc tính khách quan: được công chúng biết đến với tư cách là nguồn gốc thương mại, phạm vi biết đến ở mức độ cao và danh tiếng gắn liền với sản phẩm/dịch vụ. Như vậy, bản chất của nhãn hiệu nổi tiếng thực chất không phải là một loại nhãn hiệu đặc biệt mà chỉ là một tình trạng hoặc trạng thái nổi tiếng gắn liền với một thời điểm cụ thể cho một loại hàng hóa/dịch vụ cụ thể.

Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng
Nguồn ITN

Xét từ góc độ này, theo Luật sư Lê Quang Vinh, Công ty sở hữu trí tuệ Bross & Cộng sự, các quy định trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ lần này chưa giải quyết được 6 hạn chế liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng như: Bỏ sót nhãn hiệu nổi tiếng không đăng ký; Cơ quan có thẩm quyền dễ tùy tiện khi “tự phong” nhãn hiệu có trước là nổi tiếng để từ chối nhãn hiệu nộp sau mà không tuân thủ quy tắc pháp luật quy định về chứng cứ và công nhận nhãn hiệu nổi tiếng…

Luật sư Vinh góp ý, Dự thảo Luật nên sửa đổi theo hướng quy định các nguyên tắc chung về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng trong xác lập và thực thi quyền, nguyên tắc bảo hộ thụ động và căn cứ pháp lý theo theo Công ước Paris, Hiệp định TRIPs và Khuyến nghị chung của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) về các quy định bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng được quy định ở Điều 18.22 Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Điều 12.20 Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA). Đồng thời, bổ sung cụm từ “có danh tiếng” khi định nghĩa về nhãn hiệu nổi tiếng, bởi nếu không có thuộc tính này thì vừa không phân định được ranh giới pháp lý giữa nhãn hiệu nổi tiếng và nhãn hiệu được sử dụng, thừa nhận rộng rãi theo Điểm g, Khoản 2, Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, vừa dễ gây nhầm lẫn giữa 2 đối tượng này.

Thực thi hiệu quả hệ thống bảo hộ giống cây trồng
Nguồn ITN

Giới hạn quyền ở mức độ hợp lý

“Giới hạn nông dân giữ giống” là vấn đề nhạy cảm đối với tất cả các quốc gia khi đàm phán gia nhập Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV) trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên đây là quy định bắt buộc đối với quốc gia thành viên UPOV nhằm thực thi có hiệu quả hệ thống bảo hộ giống cây trồng với mục tiêu khuyến khích chọn, tạo giống cây trồng mới.

Một trong những chính sách đối với sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ giống cây trồng nói riêng là nhằm cân bằng lợi ích giữa chủ thể sáng tạo (người tạo ra giống cây trồng mới) với người sử dụng sản phẩm sáng tạo (bao gồm người sản xuất trong đó chủ yếu là nông dân và người tiêu dùng). Theo ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ dịch vụ giống cây trồng Việt Nam thuộc Hiệp hội thương mại giống cây trồng, tại thời điểm xây dựng Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, điều kiện kinh tế - xã hội, nhận thức các đối tượng liên quan còn hạn chế, mặt khác quy mô nông nghiệp còn nhỏ, chủ yếu sản xuất tự cung, tự cấp. Tuy nhiên hiện nay kinh tế - xã hội của đất nước, quy mô, hình thức cũng như cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã có nhiều thay đổi. Ngoài ra với việc Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới thì việc đưa quy định này vào Dự thảo là cần thiết nhằm thực thi hiệu quả hệ thống bảo hộ giống cây trồng.

Nông dân là người trực tiếp sử dụng giống mới để trồng ra các sản phẩm phục vụ xã hội nên họ phải có quyền sử dụng giống. Do vậy, nên hiểu quy định “giới hạn nông dân giữ giống” hàm ý “đặc quyền” của người nông dân trong việc giữ lại giống được bảo hộ để trồng tiếp cho vụ sau. Song đặc quyền này cần phải được giới hạn ở một mức hợp lý nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp cho tác giả tạo ra giống cây trồng đó.

Cụ thể, giới hạn về diện tích đối với từng loài cụ thể cho mỗi hộ nông dân, hoặc giới hạn quy mô sản xuất thông qua phân biệt “hộ nông dân” và “chủ trang trại”, định nghĩa rõ 2 đối tượng này để phân biệt hộ sản xuất cá thể phục vụ tiêu dùng cho bản thân và trang trại sản xuất kinh doanh.

Tính đến 1.7.2020, cả nước có 9.123.018 đơn vị sản xuất nông nghiệp trong đó có 20.611 trang trại, số còn lại là nông hộ sản xuất phục vụ nhu cầu hộ gia đình. Về diện tích đất sản xuất, bình quân diện tích mỗi đơn vị sản xuất là 5.674 m2. Ở miền Tây Nam bộ có những hộ nông dân sản xuất hàng trăm ha lúa. Như vậy nếu nông dân được phép giữ giống gieo trồng tiếp một cách tràn lan sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của tác giả.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ dịch vụ giống cây trồng Việt Nam Nguyễn Thanh Minh

Hoàng Tuấn