Quốc hội Việt Nam với Năm Chủ tịch AIPA 2020:

Đại hội đồng AIPA 23 và dấu ấn Việt Nam

- Thứ Hai, 07/09/2020, 16:31 - Chia sẻ

                                                     Ts. Bùi Ngọc Thanh

                   Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Quốc hội Việt Nam lần đầu tiên tổ chức kỳ họp Đại hội đồng AIPO lần thứ 23 tại Hà Nội từ ngày 8 - 13.9.2002.

Tham gia Đại hội đồng có 18 nước, bao gồm: 8 nước Nghị viện thành viên chính thức AIPO (Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam); 2 nước Quan sát viên đặc biệt là Brunei và Myanmar; 8 Nghị viện các nước Quan sát viên khác là Australia, Canada, Trung Quốc, Nghị viện châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zeland và Liên bang Nga. Tham dự còn có Phó Tổng thư ký ASEAN và một số khách mời khác. Tổng số khách tham dự Đại hội đồng AIPO 23 lên tới 295 đại biểu, trong đó có 170 nghị sỹ, có 7 Chủ tịch và 7 Phó Chủ tịch Quốc hội/ Nghị viện các nước thành viên.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch AIPO phát biểu tại Đại hội đồng AIPO 23 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức năm 2002
Ảnh: Trí Dũng

Các hoạt động chính của Đại hội đồng

Phiên khai mạc diễn ra tại Hội trường Ba Đình. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch AIPO Nguyễn Văn An đọc diễn văn khai mạc; Chủ tịch Nước Trần Đức Lương đọc lời chào mừng.

Tại phiên họp toàn thể thứ nhất, 18 Trưởng đoàn các nước và Phó Tổng thư ký ASEAN đã đọc tham luận. Đại hội đồng đã tiến hành các cuộc họp của các Ủy ban: Ủy ban về chính trị; Ủy ban về tổ chức; Ủy ban kinh tế; Ủy ban về các vấn đề xã hội; Ủy ban đối thoại với các Nghị viện quan sát viên; Hội nghị các nữ nghị sĩ AIPO (WAIPO) và Ủy ban thông cáo chung.

Tại phiên họp toàn thể thứ 2, Đại hội đồng đã nghe Chủ tịch các Ủy ban trình bày báo cáo kết quả làm việc của các Ủy ban và thông qua 33 Nghị quyết thuộc các vấn đề của các Ủy ban. Trưởng đoàn các quốc gia thành viên AIPO đã ký thông cáo chung. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch Nước Trần Đức Lương đã tiếp các Trưởng đoàn... Đại hội đồng đã tổ chức mít tinh trọng thể nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập AIPO (1967-2002).

AIPO 23 thành công rực rỡ

Về các vấn đề chính trị, Đại hội đồng đã đạt được sự nhất trí cao về vấn đề chống khủng bố, nhấn mạnh cam kết của AIPO là, trong cuộc đấu tranh chống khủng bố với cách tiếp cận là toàn diện, đồng bộ. AIPO phản đối bất cứ quyết định nào nhằm vào các hành động quân sự xâm lược Iraq và nêu rõ, phải tôn trọng Hiến chương của Liên Hợp quốc, đặc biệt là các nguyên tắc về hoạt động chính trị, bình đẳng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia... Vấn đề được đặc biệt quan tâm, đó là Biển Đông. Trong đó, Đại hội đồng quan tâm rất nhiều đến thỏa thuận của các Ngoại trưởng ASEAN, mong các Ngoại trưởng sớm thông qua Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông; coi đây là bước đi quan trọng để hoàn thành dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Về các vấn đề kinh tế, Đại hội đồng nhấn mạnh những tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa đối với các nước đang phát triển, sự cần thiết phải bảo đảm tự do và công bằng trong hoạt động thương mại. Đại hội đồng đặc biệt quan tâm đến vai trò của AFTA như là một động lực cho sự phát triển kinh tế trong khu vực và quyết nghị, AIPO cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển thương mại và đầu tư ở khu vực ASEAN. Đại hội đồng đã ra nghị quyết đẩy mạnh việc thu hẹp khoảng cách về hạ tầng cơ sở và công nghệ thông tin giữa các nước thành viên ASEAN. Đồng thời cam kết sẽ thực hiện đồng bộ tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, đó là ba trụ cột của phát triển bền vững được.  

Về các vấn đề xã hội và phụ nữ, Đại hội đồng nhấn mạnh tầm quan trọng lâu dài của các biện pháp xóa đói giảm nghèo; thỏa thuận tổ chức một nhóm nghiên cứu việc thành lập Ngân hàng ASEAN để hỗ trợ cho công cuộc chống đói nghèo. Tăng cường hợp tác sản xuất và phân phối các loại thuốc điều trị HIV/AIDS, đấu tranh chống buôn bán ma túy... Đại hội đồng đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong hoạt động chính trị, các biện pháp để loại bỏ bạo lực gia đình và tình trạng buôn bán phụ nữ trong khu vực. Sáng kiến của Việt Nam tổ chức cuộc họp thân mật giữa nữ nghị sĩ AIPO với các đại biểu tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam được các đoàn nhiệt liệt hoan nghênh, coi đây là một trong những dấu ấn Việt Nam.

Về các vấn đề tổ chức, Đại hội đồng nhất trí cao và hoan nghênh AIPO đã quyết định lập Giải thưởng cao quý, dành cho các nhà hoạt động chính trị có đóng góp xuất sắc cho AIPO. Lần đầu tiên, Đại hội đồng đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng cho 4 cựu nghị sỹ của 4 nước (Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan). Các đoàn đánh giá cao sáng kiến này của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch AIPO...

Do chủ động nắm bắt được tình hình chính trị, kinh tế - xã hội ở khu vực cũng như trên thế giới nên Việt Nam đã đưa ra các chủ đề phù hợp để thảo luận tại các Ủy ban, được các đại biểu nhiệt liệt hoan nghênh. Trong số 33 Nghị quyết được thông qua thì có tới 20 Nghị quyết do Việt Nam đề xuất và dự thảo, 7 dự thảo do Ban thư ký AIPO, 4 dự thảo do Indonesia đưa ra, một dự thảo do Malaysia và một dự thảo do Brunei. Các Nghị quyết đều đạt được sự nhất trí cao.

Đại hội đồng đạt được kết quả cao là do chúng ta đã chủ động chuẩn bị, chú trọng nội dung hoạt động về công tác tổ chức, lễ tân, an ninh, hậu cần, thông tin, tuyên truyền, báo chí (hơn 30 công đoạn diễn biến của Đại hội đồng là hơn 30 kịch bản khác nhau, từ ở Trung ương về các địa phương)... Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan ban, ngành ở Trung ương và địa phương, nhất là với các Bộ: Ngoại giao, Văn hóa - Thông tin, Quốc phòng, Công An, Tổng cục Du lịch, Tổng Công ty Hàng không dân dụng Việt Nam; với các tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh...

 AIPO diễn ra khi chúng ta vừa tổ chức và tiến hành xong Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XI, còn bộn bề công việc đầu khóa. Lần đầu tiên tổ chức kỳ họp Đại hội đồng AIPO nên chưa có kinh nghiệm, nhất là phải sử dụng tiếng Anh trong điều hành. Từ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch AIPO đến Chủ tịch các Ủy ban chuyên đề, người điều hành các phiên thảo luận đều phải sử dụng tiếng Anh. (Như có lần chúng tôi đã giới thiệu: Trong phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch AIPO Nguyễn Văn An đã điều khiển bằng tiếng Anh. Mở đầu ông dí dỏm: “Tôi vốn không giỏi tiếng Anh, nhưng để đỡ mất thời gian của phiên khai mạc long trọng này, tôi mạnh dạn điều khiển bằng tiếng Anh, mong các quý vị thông cảm và ủng hộ. Nhưng nếu các quý vị gây khó cho tôi quá, thì tôi buộc phải nói bằng tiếng Việt”. Cả hội trường ồ lên vui vẻ kèm theo những tràng pháo tay không ngớt, tỏ vẻ đồng tình ủng hộ tuyệt đối Chủ tịch AIPO-23...).

Và, trong tất cả các phiên họp, các cuộc họp các Ủy ban đều đã được điều hành bằng tiếng Anh... Không gian hoạt động của Đại hội đồng không chỉ ở Hà Nội mà còn ở một số địa phương xa nên phải hết sức cố gắng bảo đảm an ninh, an toàn và sức khỏe của đại biểu...

Tuy vậy, do sự chủ động chuẩn bị, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đồng AIPO 23 đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập AIPO - một sự kiện có ý nghĩa chính trị lớn lao.

Kết quả của Đại hội đồng AIPO 23 đã thể hiện rõ tinh thần chủ động hội nhập ở thời điểm đó, tích cực tham gia có hiệu quả vào quá trình hình thành các quyết định chính trị có ý nghĩa quan trọng của khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trong khu vực và thế giới. Mặt khác, chúng ta đã thực sự góp phần vào việc củng cố khối đoàn kết, giữ vững truyền thống của Hiệp hội ASEAN và mở rộng hợp tác ngoại khối. Từ sau AIPO 23, giữa ASEAN và AIPO (hành pháp và lập pháp) quan hệ có phần thường xuyên và chặt chẽ hơn cho đến bây giờ.

Kết của của Đại hội đồng AIPO 23 đã được bạn bè quốc tế tham dự Đại hội đồng đánh giá thực lòng rất cao. Đó là: Quốc hội Việt Nam đã tạo ra “Dấu ấn Việt Nam” đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Bùi Ngọc Thanh