Đại dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030

- Thứ Hai, 17/08/2020, 08:15 - Chia sẻ
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, ĐBQH Khóa IX, X, XI

Có quá sớm hay không để đề cập đến nội dung này trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 trong khi chưa có số liệu và kết luận rõ ràng, đại dịch còn đang diễn biến phức tạp? Đúng là chưa ai có thể tiên liệu lúc nào sẽ chặn đứng được Covid-19, và chưa thể đánh giá đầy đủ, định lượng các tác hại của đại dịch đang ngày càng lan rộng, dây chuyền, hầu như trong mọi lĩnh vực.

Chưa rõ và đã rõ

Tuy nhiên trong cái chưa rõ có những điều đã rõ mà theo tác giả, các chiến lược phát triển không thể không tính đến.

Đại dịch Covid-19 đã thay đổi sâu sắc thế giới, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về các mặt xã hội, văn hóa, tập quán người dân trong sinh hoạt tiêu dùng, quan hệ giữa các quốc gia tại tất cả các nước không có loại trừ.

Sức lan truyền của đại dịch được nhân lên với sự giao thương và đi lại nhanh chóng, thuận tiện và rộng khắp giữa các châu lục ngày nay. Ngăn chặn sự lan truyền sẽ ảnh hưởng ngay đến kinh tế đối ngoại, đến sự đi lại của hàng triệu người mỗi ngày trên thế giới và từ đó đến ngành kinh tế hàng không, đến du lịch.

Toàn cầu hóa kinh tế đã khuếch đại xuyên biên giới các tác hại của đại dịch bởi lẽ nó đã tạo ra một sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế. Chỉ cần tắc nghẽn ở một khâu cung ứng là ảnh hưởng đến sản xuất của nhiều nền kinh tế có liên quan.

Thu nhập của người dân ở các đô thị bị đe dọa và mong manh hơn bao giờ. Cách ly xã hội, một nhà máy, một doanh nghiệp ngừng hoạt động là hàng trăm, hàng nghìn người, thậm chí nhiều hơn nữa, trong một thời gian ngắn bị ảnh hưởng: Giảm thu nhập, mất công ăn việc làm, thất nghiệp, kéo theo sức mua giảm, hàng hóa ế ẩm…

Các tác động dây chuyền này cứ thế diễn ra không loại trừ nước nào, bất luận đã hay đang phát triển, bất luận ở châu lục nào.

Trên đây là dẫn chứng một số điều đã rõ. Quốc gia nào sớm biết rút ra kịp thời từ đại dịch các bài học cần thiết, quốc gia đó sẽ sớm xây dựng cho mình một lợi thế, một sự vững vàng hơn trong phát triển.

Những bài học từ đại dịch

Không riêng ở nước ta, bài học thứ nhất là càng phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩunguồn cung ứng nhập khẩu cho sản xuất; thị trường trong nước phải được xem là một thị trường đúng nghĩa, khác với một “bánh xe cứu nạn” được sử dụng khi xuất khẩu bị “kẹt”.

Đa dạng hóa xuất nhập khẩu, nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu đòi hỏi phải vượt qua sự “ngại ngùng” trước những thị trường khó tính với các hàng rào kỹ thuật, hay sự “lười biếng” bằng lòng với các thị trường “gần, dễ tính, ít đòi hỏi” cho dù bán giá có thấp, cho dù bị bắt chẹt bất cứ lúc nào, tại cửa khẩu biên giới.  

Tăng trưởng âm của GDP của một số nước (và GRDP của một số địa phương Việt Nam) vừa qua cho thấy cần rà soát, xem xét sâu và toàn diện hơn mô hình tăng trưởng. Cơ cấu giữa ba khu vực (khai thác tài nguyên, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng và thương mại, dịch vụ) phải hợp lýchịu được thử thách trong một thế giới nhiều biến động, bất định, lại phải đối diện với biến đổi khí hậu ngày càng nhanh, khốc liệt, khó lường. Đây là bài học thứ hai cần rút ra từ đại dịch.

Mô hình tăng trưởng cần phát triển mạnh theo hướng kinh tế xanh, nhằm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần gìn giữ môi trường và cân bằng sinh thái.

Huy động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cần có hiệu quả cao hơn nữa, doanh nghiệp trong nước cố gắng đồng hành, góp phần nâng cao trình độ công nghệ và năng suất lao động để nền kinh tế đi lên ngày càng vững chắc. Việc nhìn nhận lại này rất cần thiếtđúng lúc khi mà dòng vốn FDI đang chuyển dịch và Việt Nam có nhiều khả năng sẽ là một điểm đến.

Bài học thứ ba, giãn cách xã hội vừa qua là cơ hội để “cách mạng số” phát triển trong đời sống xã hội, trong cải cách hành chính nhà nước và dịch vụ công, trong giáo dục đào tạo, trong thương mại, và nói chung hơn là dịp để chúng ta đi vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mà ba đặc trưng là rút ngắn khoảng cách, điều khiển từ xa, kết nối các đối tượng khác nhau. Qua đại dịch càng thấy phải đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, chủ động và có khả năng thích ứng với biến động.

Con người đã tạo ra bốn cuộc cách mạng công nghiệp, được hưởng thụ từ đó nhưng lại là nạn nhân của một nhịp sống ngày càng quay cuồng đến mức có lúc quên đi ý nghĩa của cuộc sống. Là một thành tố của môi trường nhưng con người luôn muốn cải tạo nó ngày càng quy mô hơn, đôi khi bất chấp quy luật tự nhiên, xâm hại các hệ sinh thái, làm mất đi sự cộng sinh vốn có trong thiên nhiên, một điều kiện của cân bằng sinh thái. Do vậy, bài học thứ tư là con người phải biết tự chế ngự mình và nhớ rằng phát triển không thể chỉ có mức sống mà còn chất lượng cuộc sốngcác giá trị nhân văn của dân tộc và của nhân loại. 

Những khó khăn, đảo lộn về kinh tế, về đời sống là mảnh đất thuận lợi cho tiêu cực và tệ nạn xã hội phát triển. Cách mạng số bên cạnh mặt tích cực (là cơ bản) cũng sẽ bị lợi dụng vào mục đích tiêu cực len lỏi vào kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng trong phạm vi quốc gia cũng như quốc tế, đặc biệt trong điều kiện đại dịch Covid-19. Bài học thứ năm để phát triển bền vững là phải chắc tay lái trong các lĩnh vực này.

Nguồn: ITN

Đoàn kết và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ kép

Chính phủ xác định “nhiệm vụ kép” (chống dịch và khôi phục kinh tế) phải được thực hiện thành công, với nhận thức khó khăn, phức tạp sẽ không ít.

Kép” không đơn giản chỉ là hai, mà là đồng thời phải làm tốt cả hai nhiệm vụ trong bối cảnh đại dịch đã thay đổi sâu sắc thế giới như đã thấy. Nói trạng thái “bình thường mới” sau Covid-19 là vì thế.

Bình thường mới hàm ý trước tiên khủng hoảng về cơ bản đã chấm dứt. Mới hàm ý đánh giá được khác trước đây ở những mặt nào, ra sao, mức độ đến đâu. Viện dẫn như vậy có ý kiến cho rằng nhiệm vụ kép khó khả thi.

Nhưng cuộc sống cứ diễn ra và không thể chờ mọi việc rõ ra rồi mới hành động. Chần chừ hay tiếp tục tư duy và hành động như “trước đại dịch” sẽ bị nó cuốn phăng. Năm bài học nêu lên trên đây không nhất thiết phải chờ có “bình thường mới được định hình rõ ràng” rồi mới triển khai được!

Trong điều kiện đó, đoàn kết và quyết tâm của cả hệ thống chính trị trên nền nhận thức đầy đủ về thách thức và thời cơ, kịp thời rút ra những bài học cần thiết từ đại dịch, dự báo tốt cùng với WHO và cộng đồng các quốc gia về đại dịch là yêu cầu bức thiết để thực hiện thành công nhiệm vụ kép, chiến thắng đại dịch và tiếp tục phát triển kinh tế xã hội đưa đất nước đi lên.

Đó là lý do phải tính đến các hệ lụy và bài học từ đại dịch Covid-19 khi thảo luận các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 5, 10 năm sắp tới với tầm nhìn xa hơn.