Đại dịch Covid-19: Khủng hoảng toàn cầu và thời cơ chuyển giai đoạn phát triển có tính chiến lược của Việt Nam

- Thứ Sáu, 06/11/2020, 06:55 - Chia sẻ

I. 300 ngày Đại dịch Covid - 19 và dự báo tình hình 2020 - 2021 - 2022

        4 nhận xét về Covid-19:

  • Nhận xét 1: Sau 300 ngày dịch Covid - 19 vẫn đang lan với tốc độ chưa từng có

        Ngày 31 tháng 12 năm 2019 Trung Quốc thông báo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc xuất hiện một loại Virus mới, chưa được đặt tên.

        Sau 92 ngày (ngày 2 tháng 4 năm2020), Covid - 19 đã lây sang 204 nước   và vùng lãnh thổ và có 1 triệu người bị nhiễm. Sau 91 ngày (ngày 3 tháng 7 năm 2020), thì số người nhiễm đã là 11 triệu người và sau 90 ngày tiếp theo (ngày 3 tháng 10 năm 2020) đã có tới 35 triệu người nhiễm ở 214 nước và vùng lãnh thổ và đến ngày 31 tháng 10 năm 2020, sau 300 ngày xuất hiện Covid - 19, số   người nhiễm đã vượt 45 triệu người với hơn 1,1 triệu người đã chết. Nhiều khả năng đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, sẽ có 60 triệu người nhiễm Covid - 19 trên thế giới. Trong quý I năm 2020, bình quân cứ 2 tuần, có thêm 1 triệu người bị nhiễm, trong quý II thì chỉ 1 tuần có thêm 1 triệu người nhiễm, trong quý III  cứ 4 ngày có thêm 1 triệu người nhiễm và trong đầu tuần của quý 4 năm 2020, chỉ cần 3 ngày và gần đây là 2 ngày là thế giới có thêm 1 triệu người nhiễm.  Dịch Covid – 19 trên thế giới đang lây lan với tốc độ ngày càng tăng, khác hẳn với tình hình ở Việt Nam, Trung Quốc, và 10 nước khác có tổng số người đã lây nhiễm dưới 1000 người như: Lào (24 người), Campuchia (286 người), Đài Loan (548 người), Tanzania (509 người), Mông Cổ (328 người).

  • Nhận xét 2: Về tổng thể, thế giới đang ngày càng xa ngưỡng an toàn dịch

        Ngày 11 tháng 3 năm 2020, WHO tuyên bố Covid - 19 là đại dịch toàn cầu. Khi đó thế giới có:

    • 148.405 người bị nhiễm.
    • 66.715 người bị nhiễm được điều trị ở các bệnh viện.
    • 117 nước và vùng lãnh thổ đã có người bị nhiễm.

        Từ các thông tin này, cho phép nhận ra ngưỡng an toàn dịch mà nhân loại đã vượt qua vào ngày 11 tháng 3 năm 2020. Với dân số thế giới lúc đó khoảng 7,7 tỷ người và tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ là 215 thì ngày công bố đại dịch Covid - 19 cho ta 3 chỉ số:

  • Tổng số người bị nhiễm là 148.406/7,7 tỷ người, tức là gần 20 người nhiễm/1 triệu dân.
  • Số người đang điều trị ở các bệnh viện là 66.715 người/7,7 tỷ người, tức là gần 9 người đang điều trị/1 triệu dân.
  • Số nước và vùng lãnh thổ đã bị lây nhiễm là 117/215, chiếm 55% tổng số nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

        Chỉ số số người bị nhiễm trên 1 triệu dân cho biết mức độ lây nhiễm Covid-19 từ khi có người bị nhiễm đầu tiên, nhưng ở thời điểm xem xét thì có rất nhiều người trong đó đã khỏi.

        Chỉ số tỷ lệ số nước đã có lây nhiễm Covid - 19 so với tổng số nước và  vùng lãnh thổ trên thế giới thể hiện mức độ lây lan trên toàn cầu tính đến thời điểm xem xét, song không phản ánh tình hình ngăn chặn, phòng, chống dịch ở các nước thế nào, vì nhiều nước trong đó đã kiểm soát dịch rất tốt, không còn là nguy cơ lây nhiễm do các nước khác.

        Chỉ số số người đang điều trị ở các bệnh viện trên 1 triệu dân ở thời điểm xem xét có ý nghĩa đặc biệt:

    • Phản ánh cường độ lây nhiễm của 1 quốc gia ở 1 thời điểm, vì đây là những người mang virus có nguy cơ lây cho người khác. Tỷ lệ càng lớn thì nguy cơ lây càng cao, vì trước khi họ được đưa vào bệnh viện họ đã nhiễm và ở nhà, tại cộng đồng, tức là họ có thể đã lây nhiễm cho người khác.
    • Một hệ thống y tế đủ mạnh thì việc điều trị cho người nhiễm sẽ hiệu quả, số người đang điều trị sẽ giảm.

    Vì vậy có thể coi chỉ số: số người đang điều trị Covid - 19 trên 1 triệu dân là một chỉ số quan trọng phản ánh tình trạng kiểm soát dịch Covid - 19 của một nước ở thời điểm hiện tại.

        Ở thời điểm ngày 11 tháng 3 năm 2020 khi WHO công bố dịch Covid - 19 toàn cầu thì chỉ số này là 9 người đang điều trị/1 triệu dân.

             Như vậy có thể coi số người đang được điều trị/1 triệu dân ở mức 10 người/1 triệu dân là ngưỡng an toàn dịch trên thế giới và có thể áp dụng cho một quốc gia.

Cùng với sự gia tăng người nhiễm trên thế giới với mức độ như vừa qua, tỷ lệ số người nhiễm đang được điều trị/1 triệu dân tiếp tục gia tăng: Ngày 11   tháng 3 năm 2020 có 9 người đang được điều trị/1 triệu dân; ngày 11 tháng 5  năm 2020 có 300 người đang được điều trị/1 triệu dân; ngày 11 tháng 7 năm  2020 có 600 người đang được điều trị/1 triệu dân; ngày 11 tháng 9 năm 2020 có 913 người đang được điều trị/1 triệu dân và ngày 2 tháng 11 năm 2020 có 1.566 người đang được điều trị/1 triệu dân, gấp 156 lần ngưỡng an toàn dịch (10 người được điều trị/1 triệu dân). Tức là thế giới đang ngày càng xa ngưỡng an toàn   toàn dịch.

  • Nhận xét 3: Diễn biến dịch 2021-2022 sẽ phức tạp, khó lường, với Châu Âu và Châu Mỹ là hai vùng dịch lớn nhất của thế giới.

        Hôm nay có hơn 11,2 triệu người đang được điều trị ở các bệnh viện, xu hướng sẽ còn tăng mạnh đến ngày 31 tháng 12 năm 2020. Nếu chưa tính đến  việc sẽ có vaccines và tác dụng thực tế của vaccines với nhân loại (7,7 tỷ người), thì khi chỉ mất 300 ngày, số người nhiễm đang được điều trị đạt mức 11,2 triệu, thì để chỉ số này giảm xuống còn mức khoảng 70.000 người như khi WHO công bố có dịch Covid – 19 toàn cầu, thời gian cần thiết có thể gấp 2-3 lần thời gian đạt đến mức 11,2 triệu. Tức là thời điểm để mức lây nhiễm Covid – 19 toàn cầu trở lại như thời điểm WHO công bố đại dịch toàn toàn cầu thì không sớm hơn ngày 31 tháng 12 năm 2021 và nhiều khả năng là không sớm hơn tháng 12 năm 2022.

        Việc nghiên cứu vaccines Covid – 19 đang được triển khai tích cực ở nhiều nước. Tuy nhiên tác dụng thực tế của các vaccines phụ thuộc vào 3 yếu tố:

      • Quy mô thử nghiệm trước khi sử dụng đại trà theo các quy định khoa học phải đủ lớn, do đó thời gian thử nghiệm còn dài. Hiện nay nhiều nước thực hiện quy trình thử nghiệm rút ngắn. Theo một số dự báo lạc quan thì phải quý II.2021 mới có các vaccines được thử nghiệm chặt chẽ và được phép lưu hành rộng rãi.
      • Việc sản xuất vaccines Covid - 19 là sản xuất công nghệ cao, đòi hỏi có thiết bị hiện đại. Càng cần số lượng vaccines lớn bao nhiêu thì phải đầu tư mới nhiều dây chuyền sản xuất bấy nhiêu. Đây là điều mà bản thân nước Nga đang gặp khó khăn.
    • Để tiêm vaccines cho hầu hết dân số các nước trên toàn thế giới đòi hỏi chi phí rất lớn. Nhiều nước có mức thu nhập đầu người trung bình hoặc thấp sẽ gặp khó khăn để đảm bảo nguồn tài chính.

Mức độ lây nhiễm và kiểm soát dịch Covid - 19 ở các nước và các châu lục là khác nhau. Trung Quốc, nơi nổ ra dịch đầu tiên của thế giới, chỉ trải qua 1 làn sóng dịch, với đỉnh dịch vào ngày 18 tháng 2 năm 2020 với 58.061 người được điều trị ở bệnh viện. Từ ngày 15 tháng 3 năm 2020 đến nay, số người phải điều  trị trên 1 triệu dân chỉ ở mức 3,2 người, chỉ bằng 1/3 ngưỡng an toàn dịch (10 người/1 triệu dân). Việt Nam đã trải qua 2 làn sóng lây nhiễm với đỉnh lây   nhiễm vào ngày 30 tháng 3 và ngày 17 tháng 8 năm 2020, song số người đang được điều trị chưa bao giờ vượt mức 5 người/1 triệu dân. Campuchia cũng đã trải qua 2 làn sóng lây nhiễm và số người được điều trị cũng chưa bao giờ vượt quá 5 người/1 triệu dân. Indonesia vẫn đang trong làn sóng lây nhiễm thứ 1, với 61.000 người đang được điều trị, tức là trong 1 triệu dân có 222 người nhiễm đang ở bệnh viện, gấp 22 lần ngưỡng an toàn dịch.

        Ý đang trải qua làn sóng dịch Covid - 19 lần thứ 2, với số người đang được điều trị gấp 500 lần ngưỡng an toàn dịch. Pháp đang trải qua làn sóng lần thứ 2, với số người đang được điều trị gấp 1.740 lần ngưỡng an toàn dịch. Mỹ đang bước vào làn sóng dịch thứ 3 với hơn 3 triệu người đang được điều trị, gấp 973 lần ngưỡng an toàn dịch. Ấn Độ đang trải qua làn sóng dịch thứ 1, với số người đang được điều trị là 600.000 người, gấp 44 lần ngưỡng an toàn dịch. Nga đang trải qua làn sóng dịch thứ 2, với số người đang được điều trị là 370.000, gấp 254 lần ngưỡng an tòan dịch. Nhật Bản đang bước vào làn sóng dịch thứ 3, với 6.616 người đang được điều trị, gấp 5,2 lần ngưỡng an toàn dịch. Israel đang trải qua làn sóng dịch thứ 3, với số người được điều trị gấp hơn 116 lần ngưỡng an toàn dịch. Bỉ đang trải qua làn sóng dịch thứ 2 với 35.716 người đang được điều trị/1 triệu dân, gấp 3.750 lần ngưỡng an toàn dịch, là nước có mức độ lây nhiễm cao nhất thế giới.

        Với toàn cầu, dịch Covid - 19 đang lây lan ở làn sóng thứ 1, với tổng số người đã nhiễm 48 triệu người, số người được điều trị là hơn 12 triệu người, gấp 160 lần ngưỡng an toàn dịch.

        Châu Âu đang trải qua làn sóng dịch thứ 2 có tổng số người đang nhiễm Covid - 19 hơn 10 triệu người, có 5,5 triệu người đang được điều trị , gấp 665 lần ngưỡng an toàn dịch.

        Châu Mỹ cũng đang trải qua làn sóng dịch thứ 2, có tổng số người nhiễm hơn 21 triệu, có 4,5 triệu người đang được điều trị, gấp 410 lần ngưỡng an toàn dịch.

        Châu Á vẫn đang ở trong làn sóng dịch thứ 1, có 14 triệu người đã nhiễm và 1,2 triệu người đang được điều trị, gấp 27 lần ngưỡng an toàn dịch.

        Châu Phi đang bước vào làn sóng thứ 2, đã có 1,8 triệu người bị nhiễm, với 285.000 người đang được điều trị, gấp 23 lần ngưỡng an toàn dịch

        Châu Đại Dương đang bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 3, có gần 40.000 người bị nhiễm với gần 4.000 người đang được điều trị, gấp 10 lần ngưỡng an toàn dịch.

        Như vậy, Châu Đại Dương với mức độ nhiễm gấp 10 lần ngưỡng an toàn dịch có nhiều triển vọng là châu lục đầu tiên sẽ giải quyết được việc giảm lây nhiễm xuống dưới mức an toàn dịch trong năm 2021, tiếp theo là Châu Phi có mức độ lây nhiễm gấp 23 lần, Châu Á có mức độ lây nhiễm gấp 27 lần ngưỡng an toàn dịch sẽ là 2 châu lục tiếp theo có thể trở thành châu lục an toàn dịch vào cuối năm 2021. Còn Châu Mỹ với 21 triệu người đã nhiễm, mức độ lây nhiễm gấp 410 lần ngưỡng an toàn dịch và Châu Âu, với hơn 10 triệu người đã nhiễm, mức độ lây nhiễm gấp 665 lần ngưỡng an toàn dịch sẽ là 2 châu lục cần nhiều thời gian để giảm mức lây nhiễm đạt ngưỡng an toàn dịch trong năm 2022.

  • Nhận xét 4: Đại dịch Covid-19 đã dẫn tới khủng hoảng y tế rồi khủng hoảng kinh tế toàn cầu

        Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự báo GDP của thế giới năm 2020 sẽ giảm 4,4%, GDP của Châu Á sẽ giảm 2,2%, của Châu Phi sẽ giảm 2,5%.

        Tổ chức du lịch thế giới của Liên hiệp quốc cảnh báo, du lịch toàn cầu sẽ giảm 60-80% so với năm 2019 với 100 triệu việc làm sẽ mất.

        Ngày 22.9.2020 Hàn Quốc cho biết khoảng 30% bệnh nhân nhiễm Covid-19 bị rối loạn tâm thần. Ngày 30.9.2020 Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ cho rằng, khoảng 6,6% dân số Ấn Độ (hơn 90 triệu người) có thể đã nhiễm Covid-19.

II. Những bài học của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19 thành công

        Mặc dù đã trải qua hai làn sóng lây nhiễm với tổng số người đã nhiễm là khoảng 1.200 người, 35 người chết, nhưng tỉ lệ người đang điều trị trên 1 triệu dân chưa bao giờ vượt mực 50% ngưỡng an toàn dịch. Nói cách khác hơn 300 ngày qua Việt Nam có lây nhiễm Covid-19, cục bộ có dịch ở Quảng Nam - Đà Nẵng từ 22.7 đến 15.9.2020, song về tổng thể nước ta không có dịch Covid-19. Đã hơn 60 ngày qua chúng ta không có lây nhiễm trong cộng đồng.

        Từ thực tiễn Việt Nam, tham khảo thực tiễn các nước, 3 phương châm phòng chống dịch của Việt Nam là:

1. Phương châm phòng chống dịch theo yêu cầu của dịch tễ học:

        1. Chủ động phòng dịch sớm

        2. Phát hiện kịp thời

        3. Truy vết, cách ly triệt để

        4. Điều trị hiệu quả

2. Phương châm phòng dịch theo yêu cầu tổ chức thực hiện 5 tại chỗ:

        1. Xác định nhiệm vụ tại chỗ

        2. Chỉ huy tại chỗ

        3. Lực lượng con người tại chỗ

        4. Phương tiện tại chỗ

        5. Hậu cần tại chỗ

3. Phương châm phòng chống dịch phát huy sức mạnh tổng hợp của xã hội Việt Nam

        1. Đảng lãnh đạo và chịu trách nhiệm cao nhất, Nhà nước chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân.

        2. Toàn hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy truyển thống đoàn kết, nhân ái, kiên cường của người Việt Nam.

        3. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một tổ chiến đấu, mỗi quận huyện là một pháo đài vững chắc phòng chống dịch.

III. Phát triển đất nước trong và sau đại dịch Covid-19: Chắt lọc thời cơ và chủ động chuẩn bị khẩn trương để chuyển đổi mô hình kinh tế, tận dụng thời cơ cách mạng công nghiệp 4.0 và nhu cầu phát triển của thế giới sau đại dịch.

        Có 4 kiến nghị:

        Kiến nghị 1: Chắt lọc, khai thác thời cơ phát triển trong đại dịch:

        Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở rất lớn, gần 200% GDP, đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu và du lịch quốc tế có vai trò rất quan trọng để phát triển và hiện đại hóa kinh tế. Trong gần 100 nước, vùng lãnh thổ là nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, các đối tác xuất nhập khẩu và nước du lịch tới Việt Nam, thực tế chỉ có 17 nước và vũng lãnh thổ là quyết định, chiếm 93,6% tổng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2019, gần 80% tổng giá trị xuất nhập khẩu và gần 88% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

        17 quốc gia và vùng lãnh thổ này là: 11 nước và lãnh thổ Châu Á gồm Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Malaisia, Indonesia, Ấn Độ, Samuha và 6 nước và vùng lãnh thổ Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc là Đức, Hà Lan, Nga, quần đảo Virgin thuộc Anh (BVI), Mỹ và Úc. Đáng chú ý trong danh sách 17 nước và vùng lãnh thổ này vắng bóng các nước như: Pháp, Ý, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Canada, Mê hi cô, Brasil, Nam Phi và các nước Bắc Âu. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, 17 nước và vùng lãnh thổ vẫn đóng vai trò không hề suy giảm với phát triển đất nước. Theo thống kê 10 tháng đầu năm 2020, các nước này đóng góp 92,8% tổng đầu tư nước ngoài (năm 2019 là 93,6%), 80,6% tổng xuất nhập khẩu (năm 2019 là 79,9%) và 81,2% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (năm 2019 là 87,7%).

        Đáng chú ý là do đại dịch trong khi về tổng thể đầu tư nước ngoài, tổng xuất nhập khẩu và số khách du lịch quốc tế năm 2020 đều giảm so với năm 2019, thì có một số nước lại tăng đầu tư vào Việt Nam như: Singapore năm 2019 đầu tư 4,4 tỷ USD vào Việt Nam, năm 2020 có đại dịch song đến tháng 10.2020 đã đầu tư 7,5 tỷ USD (tăng 70%), Thái Lan năm 2019 đầu tư 927 triệu USD vào Việt Nam, còn 10 tháng đầu năm 2020 đã đầu tư 1,7 tỷ USD (tăng 84%).

        Như vậy, để tiếp tục phát triển kinh tế đất nước 2020 - 2022, cần đặc biệt quan tâm phối hợp với chính phủ của 17 nước và vùng lãnh thổ nêu trên để thu hút đầu tư, thúc đẩy xuất nhập khẩu và khách du lịch một cách chắt lọc, hiểu biết lẫn nhau sâu sắc. Cần tìm đến các nhà đầu tư, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chủ lực, các công ty du lịch lớn nhất của mỗi nước để xây dựng các thỏa thuận hợp tác, thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch hiệu quả nhất theo diễn biến kiểm soát dịch Covid-19 tại mỗi nước.

        Kiến nghị 2: Tận dụng thời cơ 2 năm 2021 - 2022 để hoàn thiện các chuỗi sản xuất, cung ứng trong nước để gia tăng sản xuất và tiệu thụ hàng hóa, dịch vụ trong nước, thay thế nhập khẩu, khi các nước xuất khẩu chưa phục hồi sản xuất và xuất khẩu vào Việt Nam.

        Kiến nghị 3:  Quyết liệt chuyển đổi số, hệ thống Chính phủ, chính quyền các thành phố lớn và các doanh nghiệp 2021-2022.

        Đại dịch Covid - 19 đã làm tê liệt nhiều nghành kinh tế ở các nước phát triển, làm chậm tiến trình cách mạng 4.0, giảm áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam trong 3 năm 2020-2022. Đây là thời cơ rất đặc biệt, hiếm hoi để Việt Nam khân trương thay đổi mô hình kinh tế tạo nên một nền tảng mới về chất để Việt Nam cạnh tranh và phát triển sau đại dịch Covid-19: trên nền tảng xã hội số và kinh tế số, nền tảng công nghiệp 4.0.

        Năm 2000 khi TP. Hồ Chí Minh triển khai lập đề án phát triển Công viên phần mềm Quang Trung thì cả nước số nhân lực CNTT - TT chỉ khoảng 100 nghìn người, doanh số phần mềm - dịch vụ CNTT - TT chỉ khoảng 400 triệu USD. Lúc đó chúng tôi ước mơ nếu Việt Nam có được 1 triệu nhân lực CNTT - TT và doanh số CNTT - TT khoảng vài chục tỉ USD thì chúng ta có quyền tự hào tuyên bố với quốc tế rằng: Việt Nam sẽ là một nước mạnh về CNTT - TT.

        Ngày nay sau 20 năm chúng ta đã làm được điều đó:

  • Chúng ta có khoảng 50.000 doanh nghiệp CNTT - TT.
  • Số lao động trong nghành CNTT - TT là hơn 1 triệu người
  • Doanh số CNTT - TT: khoảng 120 tỷ USD, trong đó phần mềm, nội dung số, dịch vụ: trên 5 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng doanh thu giai đoạn 2010-2015 là 51%/năm; 2015-2020 là gần 15%/năm.
  • Đóng góp của nghành CNTT-TT vào GDP của Việt Nam là hơn 14%, với 1 triệu lao động thì đây là ngành có năng suất lao động cao nhất, gấp 2,38 lần năng suất lao động bình quân của Việt Nam.

        Với nguồn lực to lớn này, trong 2 năm 2021-2022, cần tăng tốc quyết liệt việc số hóa toàn bộ tài nguyên dữ liệu của Chính phủ và cơ quan quản lí nhà nước các cấp, toàn bộ tài nguyên dữ liệu của các doanh nghiệp và các đơn vị ở 5 thành phố thuộc trung ương, tạo tiền đề để 5 thành phố tiên phong trong thực hiện xã hội số và kinh tế số, trở thành điểm đến của các doanh nghiệp nước ngoài và người cần dịch vụ số do Việt Nam cung cấp cho thế giới.

        Từ kết quả và kinh nghiệm số hóa dữ liệu quốc gia và các doanh nghiệp, đơn vị ở 5 thành phố 2021-2022, từ 2023 - 2025 triển khai số hóa dữ liệu của các địa phương, các ngành để Việt Nam là điểm đến của kinh tế số thế giới vào giai đoạn 2023-2025.

        Kiến nghị 4: Hình thành 2 trung tâm kinh tế 4.0 tầm quốc gia ở khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

        Xuất phát từ tích tụ các nguồn lực khoa học công nghệ, sản xuất, dịch vụ công nghệ cao, vị trí địa lí đặc thù, cần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên thành hai trung tâm lớn nhất về đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ, sản xuất công nghiệp 4.0, là nơi thu hút các nhà đầu tư và khách hàng quốc tế về dịch vụ 4.0 đến Việt Nam để đặt cơ sở nghiên cứu, sản xuất và cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của họ, là nơi hàng ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam sẽ được hỗ trợ tốt nhất trở thành hai trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của khu vực Đông Nam Á.

        Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và lập đề án khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố (bao gồm 3 quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 9), là tiền đề để thành lập thành phố Thủ Đức, nơi có mật độ sản xuất Công nghệ cao cao nhất Việt Nam (khu công nghệ cao có 36.000 lao động, xuất khẩu 8 tỉ USD một năm), có mật độ đào tạo và nghiên cứu khoa học thuộc loại cao nhất Việt Nam (Đại học Quốc gia và 5 Đại học khác với hơn 100.000 sinh viên, hơn 2.000 tiến sĩ là giảng viên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được xếp hạng là 1 trong 800 Đại học tốt nhất thế giới), nơi có cảng container lớn nhất Việt Nam - cảng Cát Lái, chiếm 50% sản lượng container của Việt Nam, nơi kết nối rất thuận tiện với 2 cảng hàng không quốc tế: Tân Sơn Nhất - Long Thành, nơi có khu đô thị mới rất hiện đại là Quận 2, Quận 9, sẽ là một trung tâm tài chính của cả nước.

        Thành phố Thủ Đức sẽ là đầu mối hiệu quả để kết nối, lan tỏa, tích hợp, hỗ trợ sản xuất, dịch vụ công nghệ cao ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương, tạo nên một cực tăng trưởng lớn dựa trên công nghiệp 4.0 của cả nước ở phía Nam, hướng tới đóng góp hơn 40% kinh tế Việt Nam.

NGUYỄN THIỆN NHÂN - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoànĐBQHTPHồ ChíMinh