Diễn đàn "Soi mình trong sự tín nhiệm của Nhân dân"

Đại biểu “rõ vai”, nghị trường minh bạch

- Chủ Nhật, 07/03/2021, 08:42 - Chia sẻ
Lần đầu tiên tham gia Quốc hội, là đại biểu kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động Quốc hội khá khiêm tốn nhưng với đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau Thái Trường Giang, khi đau đáu với những vấn đề mà cử tri quan tâm, thực tiễn cuộc sống đang đòi hỏi thì sẽ luôn tìm được cách để mang tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân đến nghị trường, thúc đẩy các cơ quan chức năng giải quyết. Điều quan trọng là phải luôn xác định đúng vai trò của mình, không định kiến, không xuê xoa nhưng cũng không được cục bộ, cá nhân... Khi đại biểu “phân vai” rõ ràng thì tính minh bạch, dân chủ và hiệu quả hoạt động của Quốc hội sẽ được nâng lên.

Không ngại là người “trong ngành”

- Nhìn lại 5 năm làm đại biểu Quốc hội, ông thấy mình đã hoàn thành được trọng trách mà cử tri và Nhân dân ủy thác hay chưa?

Chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số và hướng tới quốc gia số để bắt kịp các nước phát triển trên thế giới là một định hướng hết sức quan trọng được Đảng đề ra tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII vừa qua. Đây cũng là xu hướng tất yếu khi tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Bối cảnh đó đòi hỏi trong Quốc hội nhiệm kỳ tới phải có những đại biểu thực sự am hiểu về lĩnh vực này.

ĐBQH Thái Trường Giang (Cà Mau)

Về cơ bản, tôi thấy mình đã thực hiện được lời hứa với cử tri khi ứng cử đại biểu Quốc hội. Trong tất cả các hoạt động thực hiện nhiệm vụ của một người đại biểu Nhân dân ở cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, tôi đã luôn xem xét, cân nhắc và quyết định trên cơ sở bảo đảm tốt nhất lợi ích của Nhân dân, của đất nước.

Tuy vậy, tôi cũng tự nhận thấy là mình chưa chuyển tải được đầy đủ ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến với diễn đàn của Quốc hội. Bởi ý kiến của cử tri phủ rộng mọi mặt của đời sống xã hội. Quan điểm của tôi là tiếp thu nhưng có chọn lọc. Những ý kiến xác đáng, những vấn đề lớn, thuộc phạm vi của Quốc hội, của Chính phủ, tôi sẽ kiến nghị đến Quốc hội, đến Chính phủ. Còn những vấn đề mang tính chất ở địa phương, thuộc thẩm quyền của địa phương thì mình cũng phải giải thích rõ cho bà con hiểu và chuyển các ý kiến, kiến nghị đó đến đúng địa chỉ xử lý. Quan trọng là hiệu quả giải quyết các vấn đề mà cử tri mong muốn, gửi gắm đến đại biểu Quốc hội như thế nào.

Tất nhiên, cũng có những vấn đề khiến tôi còn nhiều trăn trở như: An toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả nông sản với điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, kết cấu hạ tầng giao thông của vùng đồng bằng sông Cửu Long... Trăn trở không phải là vì những lĩnh vực này không có chuyển biến gì, thậm chí là đã có những chuyển biến rất rõ nét nhưng cuộc sống luôn vận động và phát triển theo chiều hướng tốt hơn, nhu cầu của người dân cũng càng ngày càng cao hơn, có những lĩnh vực thì dù chúng ta mong muốn rất nhiều nhưng khả năng, nguồn lực có hạn nên cũng chưa đáp ứng được mong đợi của cử tri và Nhân dân. Ví dụ nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các đại biểu Quốc hội của các tỉnh trong khu vực này hầu như kỳ họp nào cũng kiến nghị, Chính phủ cũng rất lắng nghe, có nhiều biện pháp tháo gỡ nhưng đến nay, hạ tầng giao thông của khu vực vẫn còn nhiều yếu kém, từ đây làm hạn chế rất nhiều khả năng phát triển của khu vực. Tôi hy vọng trong thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ sẽ dành nhiều ưu tiên hơn để phát triển hạ tầng giao thông ở đồng bằng sông Cửu Long để có thể khai thác tối đa tiềm năng của khu vực.

- Theo dõi những phát biểu của ông trên nghị trường có thể thấy, ông luôn đi thẳng vào cốt lõi của vấn đề thay vì nói giảm, nói tránh hay sử dụng những biện pháp ngôn ngữ để gây ấn tượng. Có khi nào ông từng băn khoăn rằng, mình phát biểu như thế sẽ dễ đụng chạm không, nhất lại là khi ông là lãnh đạo một sở ở địa phương?  

 - Mỗi đại biểu sẽ có cách tiếp cận và lên tiếng riêng. Cá nhân tôi luôn nghĩ rằng, khi mình lên tiếng trên diễn đàn của Quốc hội thì phải nói thẳng, nói thật những vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra, những điều mà người dân đang quan tâm, đang bức xúc và chính mình cũng phải cầu thị và khách quan trong việc nhìn nhận, đánh giá vấn đề. Ví dụ như với Bộ Khoa học và Công nghệ, tôi là Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, nhiều người cũng hỏi tôi có ngại lên tiếng về các vấn đề thuộc phạm vi quản lý của ngành không? Tôi vẫn lên tiếng khi cần phải lên tiếng, nhất là câu chuyện bảo đảm đủ nguồn chi 2% ngân sách Nhà nước đầu tư cho khoa học, công nghệ thế nào; đổi mới tư duy và cơ chế, chính sách để “cởi trói” cho khoa học và công nghệ ra sao... Đặc biệt là tại các phiên họp của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, khi thẩm tra các báo cáo, các dự án luật có liên quan đến khoa học, công nghệ, các thành viên Ủy ban trao đổi rất thẳng thắn với lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, không có gì phải ngần ngại, e dè cả. Nhìn chung, trong ngành khoa học công nghệ, nếu có phát sinh vấn đề gì, tôi đều liên hệ trực tiếp với Bộ. Lãnh đạo Bộ và các cơ quan chuyên môn của Bộ khi đại biểu Quốc hội có ý kiến thì cũng tập trung xem xét, giải quyết rất rốt ráo, rất “vừa lòng nhau”. Cá nhân tôi không có ngại chuyện mình làm trong ngành thì không dám nói.

- Ông nghĩ thế nào về sự “phân vai” của đại biểu?

- Quốc hội có gần 500 đại biểu đại diện cho các cơ cấu, thành phần khác nhau nên tất nhiên câu chuyện “phân vai” thế nào cũng còn tùy thuộc ở quan điểm của mỗi đại biểu. Từ thực tiễn hoạt động của Quốc hội vừa qua thì tôi cho rằng, cũng có một số đại biểu chưa “phân vai” thật tốt. Ví dụ, khi tôi chất vấn bộ trưởng một ngành thì đại biểu của ngành đó lại đứng lên tranh luận lại với tôi. Tất nhiên, tranh luận như vậy cũng có ý nghĩa tích cực là làm rõ các vấn đề từ góc nhìn của người trong ngành có thể sẽ cặn kẽ hơn. Nhưng ở đây, phải thật rành mạch: tôi chất vấn Bộ trưởng thì Bộ trưởng phải có trách nhiệm trả lời còn đại biểu trong ngành không có trách nhiệm giải trình thay Bộ trưởng, không nên sử dụng quyền tranh luận với đại biểu chất vấn để bảo vệ lãnh đạo ngành và ngành mình. Việc đó là không nên, nếu không muốn nói là không đúng. Bởi nếu đại biểu bị chi phối bởi tình cảm cá nhân hay các vấn đề cục bộ địa phương, bộ, ngành thì dễ dẫn đến sự thiếu minh bạch và khi đó, hiệu quả tranh luận sẽ giảm xuống. Kể cả trong các hoạt động chất vấn, giám sát... cũng tương tự như vậy. Khi đại biểu “phân vai” rõ ràng thì tính minh bạch, dân chủ và hiệu quả hoạt động của Quốc hội sẽ được nâng lên.

Phải thực sự khách quan

- Ông vừa đề cập đến câu chuyện tranh luận trên nghị trường. Đây cũng là một dấu ấn, thể hiện rõ nét tinh thần dân chủ trong hoạt động của Quốc hội Khóa XIV, thưa ông?

- Ngay từ đầu nhiệm kỳ, lãnh đạo Quốc hội đã có chủ trương chuyển mạnh hoạt động của Quốc hội từ “tham luận” sang “tranh luận”. Các kỳ họp sau đó, cách thức tranh luận trên nghị trường ngày càng được định hình rõ nét hơn. Đến nay, theo cảm nhận của tôi thì tranh luận trong hoạt động của Quốc hội là rất tốt, không chỉ tạo nên bầu không khí sôi nổi, cởi mở, dân chủ, minh bạch mà còn đem lại hiệu quả rõ nét bởi đại biểu phải nắm rất chắc vấn đề, có đủ dữ liệu thông tin, có lý lẽ xác đáng mới có thể tranh luận một cách thuyết phục được. Tất nhiên văn hóa tranh luận thì vẫn phải tiếp tục xây dựng để tránh những hiện tượng “bênh” Bộ trưởng như tôi đã nói ở trên hoặc hiện tượng mà đại biểu hay gọi vui là “chen luận” - tức là sử dụng quyền tranh luận nhưng lại không phải với mục đích tranh luận...

- Đại biểu kiêm nhiệm bị hạn chế khá nhiều về mặt thời gian tham gia các hoạt động của Quốc hội. Với ông thì thế nào?

-  Tôi được cơ quan tạo điều kiện nên cũng bảo đảm được yêu cầu về thời gian dành cho hoạt động đại biểu Quốc hội. Tất nhiên, tôi vẫn phải tranh thủ thời gian ngoài giờ hành chính, ngoài công việc chuyên môn để nghiên cứu các nội dung sẽ được trình Quốc hội xem xét, thảo luận, quyết định; tiếp nhận, chắt lọc các ý kiến, kiến nghị của cử tri rồi tham vấn các cơ quan chuyên môn về những nội dung mà mình định phát biểu...

- Nếu tổng kết ngắn gọn về thời gian làm đại biểu Quốc hội, ông sẽ nói điều gì?

- Thời gian thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội của một đại biểu kiêm nhiệm không thể so sánh với một đại biểu chuyên trách nhưng 5 năm qua, với tôi, Quốc hội thực sự là một “trường học” lớn, giúp tôi học hỏi được rất nhiều điều bởi từ tiếp xúc cử tri đến xây dựng luật, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước - hoạt động nào cũng đòi hỏi đại biểu phải có kiến thức, có kỹ năng, và quan trọng nhất là phải có bản lĩnh, dám nói thẳng, phải thực sự khách quan, phải lên tiếng vì các vấn đề chung, lợi ích chung của người dân, của đất nước.

- Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Chi thực hiện