Chọn nhân sự - Lựa nhân tài

Đã dùng thì phải tin

- Thứ Tư, 26/08/2020, 08:16 - Chia sẻ
Chỉ có người hiền mới cầu hiền. Thành tâm "cầu hiền" là một trong những phẩm chất của "người hiền" ở vị trí nắm giữ rường cột quốc gia.

TS Nhị Lê -  Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Đừng dùng mà không tin nhân tài

Tiền nhân nói: Người trí thức không bỏ lỡ người và không uổng lời. “Chiếu cầu hiền” của Lê Lợi, viết: "Người tài ở đời vốn không ít, mà cầu hiền tài không chỉ có một đường, hoặc người nào có tài kinh luân mà bị khuất ở hàng quan nhỏ, không ai tiến cử, cùng người hào kiệt náu ở nơi đồng nội, lẫn trong hàng binh lính... trẫm đâu biết được", rằng: "Phàm các quan liêu đều phải hết chức vụ, tiến cử hiền tài. Còn như các kẻ sĩ quê lận ở xóm làng cũng đừng lấy điều "đem ngọc bán rao" làm xấu hổ, mà để Trẫm phải than đời hiếm nhân tài". Nghĩa là các bậc minh quân đều mong những người có tài năng, đạo đức và thẳng thắn, trung thực ra giúp nước, bằng cả con đường tiến cử và tự tiến cử.

Vì thế, đối với nhân tài, đã tin thì thu nạp, đã thu nạp thì phải dùng, và đã dùng thì phải tin. Nhân tài ngại ngùng nhất và sợ hãi nhất là thái độ ngờ vực, tệ hại hơn là nửa tin nửa ngờ của người cùng với họ. Nhiều hiền sĩ trong nhân gian, không kể xuất thân, đã được triều đình biết đến và có cơ hội thi thố tài năng. Chiếu khuyên dụ hào kiệt của Lê Thái Tổ viết: "Ta nhắc mình tỏ lòng thành thật khuyên các bậc hào kiệt đều nên cùng nhau gắng sức, cứu đỡ muôn dân, đừng có kín tiếng giấu tài khiến thiên hạ phải hãm trong lầm than mãi mãi", cũng vì lẽ đó.

Trong việc trọng dụng nhân tài, đã bao lần các vị vua anh minh lỗi lạc luôn cầu lời thật như khát nước và đều xuống “Chiếu cầu ngôn”. Hoàng đế Quang Trung và sau này Minh Mạng cũng đã từng xuống chiếu cầu lời nói thật. Trong các buổi chầu hễ nghe viên quan nào nói dựa ý mình là cắt ngang lời ngay: Ngươi không có ý kiến khác thì lui đi. Ai ưa nói thật, người đó thành công. Chân nhân tài thì "Trung ngôn nghịch nhĩ" (lời nói thật khó lọt tai) nhưng vị đằng sau lời nói thật là một tấm lòng vàng ngọc. Kẻ nói dựa thì vụ lợi còn người nói thật không những không được việc gì mà còn có thể bị thiệt thân. Xem tất cả những bậc người hiền tài, dường như tất cả đều bị hại vì nói thật. Tin và dùng, dùng và tin nhân tài thì điều còn mất nằm ở chính chỗ này vậy. 

Dưới triều Nguyễn, nhiệm vụ của Đô Sát Viện là giám sát hành vi của các quan lại trong triều kể cả hoàng thân quốc thích để phát hiện ra những hành vi khuất tất, không công bằng, không giữ phép, dối trá, bưng bít, chuyên quyền đều phải tham hặc. Thời vua Minh Mạng, vấn đề thưởng phạt cũng rất nghiêm minh, quan lại có công thì được ban thưởng lớn, có tội, có lỗi đều bị xử phạt nghiêm khắc. Chẳng hạn, năm 1838, vua Minh Mạng cách chức Thượng thư Bộ Lễ của Phan Huy Thực về lỗi do không kiểm tra, đôn đốc để người dưới quyền trễ nải trong công vụ.     

Tin dùng nhân tài và đến lượt nhân tài cũng phải chứng tỏ cho sự tin tưởng và trọng dụng ấy! 

Trọng dụng mà không bảo vệ được nhân tài là có tội

Xưa nay, kinh nghiệm cho thấy, dùng nhân để trị người, dùng nghĩa để trị mình, nhất là trong việc đối đãi với nhân tài, thường nhất định thành công. Vì, không gì hơn, dùng người tài phải dựa theo nghĩa mà an định bốn phương. Nên phải dùng nhân nghĩa mà đối đãi với nhân tài, chính là bảo vệ nhân tài vậy.

 Chẳng thế, Nguyễn Huệ - Quang Trung bày tỏ lòng mình trong “Chiếu cầu hiền”: Cho phép mọi người có tài năng thuộc mọi tầng lớp trong xã hội được dâng sớ tâu bày kế sách; cho phép các quan văn võ tiến cử người có nghề hay, nghiệp giỏi; cho phép người tài tự tiến cử; sẵn sàng cất nhắc người xứng đáng, không kể thứ bậc; "tùy tài lục dụng" những kẻ được tiến cử; không trị tội người có lời sơ suất,... thì quả là bậc "thánh đức lớn ngang trời đất", "sáng đẹp hơn ngũ đế, lòng nhân hiếu cảm động đến trời", làm "rực rỡ cơ nghiệp to lớn, nối tiếp cơ đồ vĩ đại".

 Cổ nhân vẫn thường răn: Chớ mang nhốt những người quân tử vào chung một rọ với bọn tiểu nhân. Dân gian lại có câu: Chớ mang bỏ ếch vào giỏ cua. Tất cả cũng là vì vậy. Đó chính là cách bảo vệ nhân tài.

Nhưng, ngay trong hạng quân tử cũng gồm mấy hạng: chân quân tử và ngụy quân tử, nên để bảo vệ nhân tài càng cần loại bỏ những người nói năng khéo léo, nét mặt giả bộ niềm nở, vì đây thường là hạng người ít có lòng nhân. Kẻ có tính hay hồ nghi, chớ cắt đặt cho cùng lo toan việc lớn. Lại những kẻ đại gian lại giống như người trung, kẻ đại nịnh tuồng giống người trung tín, nhất là với những kẻ miệng lưỡi, thì đem danh lấy lợi làm bả mà nhử, qua đó mà thanh lọc, để làm trong sạch đội ngũ nhân tài.

Cố nhiên sửa điều dở cho ai chớ nghiêm khắc quá; dạy điều hay cho ai, chớ cao xa quá. Nhưng, nghe và tin theo những kẻ xúc xiểm nhân tài, những kẻ manh tâm bôi nhọ nhân tài, rồi thoái thác trách nhiệm, xa lánh người ngay, bỏ mặc người trung, thì không chỉ tự hạ nhục nhân tài, hạ nhục mình, mà còn tự giết chết chính mình. Đấy là việc không đao mà hạ sát nhân tài. Việc bảo vệ nhân tài càng nên lấy đó làm răn! Nhà Trần cũng rất nghiêm khắc với hành vi gian lận, dùng tiền bạc hay mối quan hệ riêng để được cất nhắc. Chẳng hạn, Trần Thủ Độ đã toan cho chặt đứt ngón chân của một kẻ nhờ bà Trần Thị Dung xin cho chức câu đương. Thượng hoàng Nhân Tông từng phê bình vua Minh Tông vì ban tước quá nhiều. Với những kẻ tài năng nhưng đạo đức thấp kém, nhà Trần kiên quyết xử nghiêm. Đặng Long là cận thần của vua Nhân Tông, rất giỏi văn học nhưng hàng giặc Nguyên, phải bị xử chém. Ấy là thượng sách trong phép bảo vệ những nhân tài chân chính!   

Chúa Trịnh Khương từng chỉ dụ: "Ngày từng mong nghe lời trung thực, khuyên bảo ân cần, lo mở rộng kiến văn để mở mang đạo trị. Từ xưa không ai mượn nhân tài đời khác, điều đó chỉ mong vào đời nay...".

Vì thế, bảo vệ nhân tài một cách cương quyết không chỉ sự phồn vinh của quốc gia xã tắc bừng lên, không chỉ để cho nhân tài nảy nở, phúc ấm dân tộc mãi mãi dài lâu mà còn lấp lánh mãi trí huệ, danh dự, nhân nghĩa và liêm sỉ của người mang trọng trách trọng dụng, tính ưu việt của thể chế trong cuộc bảo vệ và đối đãi nhân tài. 

TS Nhị Lê