Đã đến lúc G7 hành động để bảo đảm công bằng vaccine

- Thứ Tư, 21/04/2021, 08:12 - Chia sẻ
Các quốc gia giàu nhất thế giới chưa có được sự hợp tác cần thiết để đánh bại đại dịch. Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào tháng 6 tới tại Vương quốc Anh phải là cơ hội để các nhà lãnh đạo đồng ý về một kế hoạch tài chính nhằm củng cố sự hợp tác quốc tế về Covid-19, bắt đầu bằng việc bảo đảm tiếp cận công bằng với vaccine.

Mặc dù việc các Chính phủ ưu tiên tiêm chủng cho công dân của họ trước tiên là quyết định tự nhiên và đúng đắn, nhưng quan trọng hơn là các quốc gia không nên đánh mất bức tranh toàn cảnh. “Không ai an toàn cho đến khi tất cả đều an toàn” - đó là câu thần chú của thời đại Covid-19. Nó chỉ ra một sự thật cơ bản: Đối mặt với một loại virus không có biên giới, không quốc gia nào là một ốc đảo, không đất nước nào có thể an toàn một mình và không điều gì quan trọng hơn tình đoàn kết quốc tế.

Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Vương quốc Anh vào tháng 6 tới là cơ hội để các nhà lãnh đạo của các nước giàu nhất thế giới thể hiện tình đoàn kết đó, bằng cách đồng ý về một kế hoạch hành động tài chính để củng cố cuộc chiến của nhân loại với Covid-19, bắt đầu bằng việc thúc đẩy tiếp cận công bằng với vaccine.

Bất bình đẳng ở một nơi, hậu quả ở mọi nơi

Việc phát triển vaccine Covid-19 an toàn và hiệu quả là một thành công của khoa học. Các quan hệ đối tác mới liên quan đến các Chính phủ, doanh nghiệp, các nhà từ thiện và các tổ chức đa phương đã thử nghiệm, phân phối và bắt đầu quản lý vaccine trong khoảng thời gian nhanh kỷ lục. Chương trình hợp tác toàn cầu có tên “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19 (Access to Covid-19 Tools Accelerator - ACT- Accelerator) là sự hợp tác giữa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với các bên đối tác khác, cung cấp một khuôn khổ hợp tác đa phương trong chẩn đoán, điều trị và cung cấp vaccine Covid-19. Chương trình COVAX, một trụ cột chính trong quan hệ đối tác đó, cho đến nay đã cung cấp tổng cộng 40 triệu liều vaccine cho hơn 100 quốc gia.

Bất chấp những thành tựu này, tình trạng bất bình đẳng vaccine vẫn đang gia tăng. Mặc dù chỉ chiếm 16% dân số thế giới, các quốc gia có thu nhập cao lại sở hữu hơn một nửa số đơn đặt hàng vaccine đã được xác nhận, tương đương khoảng 4,6 tỷ liều - đủ để tiêm chủng cho dân số của họ nhiều lần. Với tỷ lệ dân số gấp đôi, các nước đang phát triển nghèo nhất mới có được nửa số đơn đặt hàng được xác nhận. Nguồn cung cấp hiện tại cho châu Phi vùng cận Sahara chỉ chiếm chưa đến 1% dân số. Khi các quốc gia giàu có tiêm chủng cho các nhóm dân số trẻ hơn và khỏe mạnh hơn, thì ở các nước như Mozambique, Nepal và Bolivia, những nhân viên y tế tuyến đầu đang phải chiến đấu với đại dịch mà không có sự bảo vệ.

Chênh lệch trong khả năng tiếp cận vaccine cho thấy một thực trạng bất công rõ rệt. Trong khi các nước G7 đang trên đà đạt được mức bao phủ tiêm chủng tới 70% vào cuối năm 2021, thì một số nước nghèo nhất sẽ không thể đạt được mức đó trước năm 2024. Viễn cảnh này gợi nhắc một cách đáng ngại đến phản ứng ban đầu của thế giới đối với cuộc khủng hoảng HIV/AIDS, khi châu Phi và các nước đang phát triển khác bị bỏ lại phía sau trong danh sách dài chờ đợi các loại thuốc kháng virus sau khi các loại thuốc này đã được phổ biến rộng rãi ở các nước giàu. Sự chậm trễ đã khiến khoảng 12 triệu người thiệt mạng.

Bỏ lại những người nghèo trên thế giới trong cuộc chạy đua vaccine thể hiện một sự thất bại thảm hại về mặt đạo đức. Nhưng nguy hiểm hơn, đó còn là hành động tự hủy hoại bản thân một cách tàn khốc đối với các nước giàu. Khi thế giới không đạt được sự miễn dịch cộng đồng nhờ vaccine, virus Corona có thể lây lan và đột biến trên các quần thể chưa được chủng ngừa, điều này sẽ gây ra mối đe dọa sức khỏe cộng đồng ở khắp mọi nơi - kể cả ở những quốc gia giàu có nhất. Hơn nữa, sự gián đoạn thị trường do tỷ lệ tiêm chủng thấp ở các nước đang phát triển có thể khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại 9,2 nghìn tỷ USD, trong đó các nền kinh tế tiên tiến gánh chịu một nửa thiệt hại.

Nói tóm lại, có đầy đủ lý do cả về đạo đức, dịch tễ học và kinh tế buộc chúng ta phải hành động tập thể một cách khẩn cấp để đạt được công bằng vaccine. Chúng ta càng hành động dứt khoát với tư cách là một cộng đồng thì càng có nhiều sinh mạng được cứu và các nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh hơn.

Thời điểm cho những hành động táo bạo

Nhân loại sẽ không thể đối mặt với thách thức bảo đảm có đủ vaccine với giá cả phải chăng cho tất cả các quốc gia chỉ với các khoản đóng góp tự nguyện, các thỏa thuận song phương bên ngoài COVAX và chủ nghĩa dân tộc vaccine tràn lan vốn là đặc điểm phản ứng của các nước giàu cho đến nay.

Đây là thời điểm cho những hành động táo bạo. Các nước G7 phải khẩn trương mở rộng quy mô hỗ trợ cho ACT-A đồng thời hỗ trợ các nước đang phát triển tự chủ về vaccine. Để xây dựng hệ thống phòng thủ toàn cầu hiệu quả chống lại Covid-19 và các mối đe dọa đại dịch khác trong tương lai, chúng ta cần chia sẻ công bằng về vaccine; chia sẻ cởi mở về bí quyết, thông tin và công nghệ cần thiết để phát triển các cơ sở sản xuất vaccine ở những nơi cần thiết. Từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh đại dịch là yếu tố tiên quyết. Liên minh Vaccine cho mọi người (People’s Vaccines Alliance) - một khuôn khổ hợp tác gồm nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế, đang vận động thúc đẩy các nước từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ trong vaccine. Điển hình là Nam Phi và Ấn Độ đã gửi đề nghị này lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Điều còn thiếu là kế hoạch tài chính cần thiết để xây dựng các chương trình hành động dựa trên các nền tảng do ACT-A tạo ra. Hội nghị thượng đỉnh G7 có thể đóng một vai trò quan trọng cho kế hoạch này. Các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới nên đồng ý tài trợ cho một kế hoạch toàn cầu nhằm bảo đảm cho tất cả mọi người được tiêm chủng ngừa vào cuối năm 2022.

Một cam kết của G7 với khoảng 30 tỷ USD/năm trong vòng hai năm tới, cùng với các biện pháp rộng lớn hơn để hỗ trợ khả năng tự chủ về vaccine, sẽ giúp biến mục tiêu đó trở thành hiện thực. Khoản tiền này cũng sẽ giúp bù đắp thiếu hụt tài chính hiện tại của ACT-A cho năm nay vào khoảng 22 tỷ USD. Tổng thống Ramaphosa của Nam Phi và Thủ tướng Na Uy Erna Solberg đã viết thư cho các Chính phủ đề xuất một thỏa thuận chia sẻ gánh nặng tài chính toàn cầu dựa trên sức mạnh kinh tế tương đối của các nước. Cách tiếp cận này nhận được sự ủng hộ của nhiều quan chức như cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown, người hiện là Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về giáo dục toàn cầu, Giám đốc Điều hành UNAIDS Winnie Byanyima, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và Graça Machel - người sáng lập Quỹ tín thác Graça Machel... Những nhân vật này đã đề xuất cách tiếp cận trên nên được xem xét, thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh G7.

Vậy các nước G7 có đủ khả năng đầu tư cho kế hoạch trên hay không? Thực tế, câu hỏi mà các lãnh đạo hàng đầu G7 nên trả lời phải là: "Liệu họ có đủ khả năng để KHÔNG đầu tư hay không?". Bởi khoản tiền mà họ bỏ ra chỉ tương đương với những gì họ sẽ mất trong 2 tuần do các biện pháp hạn chế thương mại. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính rằng các nền kinh tế tiên tiến có thể thu về hơn 1 nghìn tỷ USD doanh thu bổ sung từ việc thúc đẩy phục hồi kinh tế thông qua tăng tốc tiêm chủng toàn cầu, nghĩa là họ thu về 16 USD cho mỗi 1 USD đầu tư.

Với tư cách là cổ đông lớn của IMF và WB, các Chính phủ G7 nên tận dụng các nguồn lực của cả hai tổ chức cho phản ứng Covid-19. Các quốc gia có thu nhập thấp đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng từ nhiều phía: Tăng trưởng giảm, nợ không bền vững và nguồn lực tài chính hạn chế để đối phó với dịch bệnh.

Với việc Mỹ đã đồng ý về nguyên tắc kế hoạch tái phân bổ 650 tỷ USD thông qua Quyền rút vốn đặc biệt (SDR, tài sản dự trữ của IMF) để hỗ trợ các nước chịu tác động nặng nhất từ Covid-19, các Chính phủ G7 có thể đồng ý tăng gấp đôi phân bổ SDR cho các nước thu nhập thấp, một động thái sẽ tạo ra 42 tỷ USD để chống lại đại dịch. Đối với hơn 40 quốc gia nghèo vẫn đang phải chi trả cho các nghĩa vụ nợ nhiều hơn cho y tế, các nước G7 có thể chuyển đổi các khoản nợ khó trả của các nước này thành vaccine.

Tất nhiên, tài chính chỉ là một phần của phương trình. Quản trị cũng là một vế rất quan trọng. Cần phải bảo đảm rằng tất cả các Chính phủ và xã hội dân sự đều có tiếng nói trong việc định hình hợp tác quốc tế. Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) cần cung cấp một nền tảng đa phương cho tiếng nói đó thông qua cuộc họp thường niên của mình và phải đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được sự công bằng về vaccine.

Benjamin Franklin - một trong 4 nhà khai quốc công thần của Mỹ từng cảnh báo các tác giả bản Tuyên ngôn Độc lập về nguy cơ chia rẽ khi đối mặt với một kẻ thù hùng mạnh: “Thật vậy, hoặc là tất cả chúng ta phải mắc kẹt cùng nhau. Hoặc là tất cả chúng ta mắc kẹt theo những cách riêng rẽ”. Đối mặt với đại dịch chết người này, các nhà lãnh đạo G7 giờ đây phải thể hiện sự đoàn kết toàn cầu. Sự an toàn của công dân và hy vọng của thế giới phụ thuộc vào điều đó.

Đạt Quốc