Đa dạng hình thức lấy ý kiến

- Thứ Sáu, 18/06/2021, 09:20 - Chia sẻ
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi, bổ sung 2020) thì cơ quan lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và cơ quan, tổ chức có liên quan; đăng tải toàn văn hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản đó trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan đề nghị xây dựng văn bản trong thời hạn ít nhất là 30 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc tham gia ý kiến của người dân, doanh nghiệp đối với các dự thảo văn bản pháp luật còn rất ít, nên việc lấy ý kiến đôi khi chỉ mang tính hình thức, "làm cho có" chứ chưa đi vào thực chất. Nguyên nhân của tình trạng này là do người dân không tiếp cận được các dự thảo văn bản, thiếu thông tin hoặc họ không quan tâm nhiều đến việc xây dựng chính sách. Ở khía cạnh khác, không ít người dân, doanh nghiệp cho rằng, các ý kiến đóng góp của họ, cơ quan chức năng liệu có thật sự lắng nghe, tiếp thu hay không? Đặc biệt nhiều cơ quan, đơn vị nhận ý kiến đóng góp thường không phản hồi, giải trình việc tiếp thu hay không tiếp thu các ý kiến của người dân, doanh nghiệp.

Có thể nói, việc lấy ý kiến người dân, nhất là các đối tượng tác động trực tiếp đối với các dự án luật, dự thảo văn bản pháp luật là rất quan trọng. Điều này không những bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp mà quan trọng hơn là giúp cho cơ quan có thẩm quyền có cái nhìn toàn diện, bao quát, thấu đáo tất cả các vấn đề có liên quan đến nội dung văn bản, chính sách sắp được ban hành. Mặt khác, việc này còn hạn chế tình trạng "ngồi máy lạnh" làm chính sách dẫn đến các văn bản pháp luật ban hành ra thiếu tính khả thi, không đi vào thực tế cuộc sống hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc tham gia tích cực, có chất lượng của người dân ngay từ đầu, trước khi các văn bản pháp luật được còn nhằm dự lường được các vấn đề có khả năng phát sinh, cần phải điều chỉnh trong thời gian tới.

Từ đó, bảo đảm các văn bản pháp luật, chính sách khi đã được ban hành phát huy được vai trò tích cực trong đờisống xã hội, điều chỉnh tốt các vấn đề xã hội phát sinh cũng như quản lý xã hội được tốt hơn. Ngoài ra,sự tham gia đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, chính sách của người dân còn góp phần bảo đảm quyền được tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, xây dựng chính sách của người dân đã được Hiến pháp, pháp luật quy định.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện tối đa để người dân tiếp cận, tham gia xây dựng văn bản pháp luật. Theo đó, phải đa dạng hóa hình thức, cách thức chuyển tải các dự án luật, dự thảo văn bản pháp luật đến được với mọi tầng lớp nhân dân như thông qua báo chí, tin nhắn, mạng xã hội... thay vì chỉ đăng tải trên Cổng thông tin điện tử đơn vị như hiện nay. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khen thưởng, biểu dương đối với những người tích cực tham gia xây dựng pháp luật và có ý kiến thiết thực trong xây dựng cơ chế, chính sách. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị nhận ý kiến đóng góp phải phản hồi, giải trình nghiêm túc việc tiếp thu hay không tiếp thu các ý kiến đóng góp của người dân. Như vậy, sẽ dần tạo thói quen cho người dân trong việc tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, nhất là các nội dung pháp luật liên quan, tác động đến cuộc sống, sản xuất kinh doanh của đông đảo người dân.

PV