Đã có một số chuyển biến trong thực tế

- Thứ Hai, 02/11/2020, 06:25 - Chia sẻ

Nguyễn Trường Giang

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật

Trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai khẩn trương, nghiêm túc các nghị quyết của Quốc hội, với số lượng công việc đã hoàn thành khá lớn.

 

Bên cạnh xây dựng, trình Quốc hội các luật liên quan, ban hành văn bản thuộc thẩm quyền, Chính phủ đã tăng cường rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước; đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương. Rà soát, chuyển một số nhiệm vụ mà các bộ, ngành, cơ quan nhà nước không cần thiết phải thực hiện cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đảm nhận. Xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã... Sắp xếp cơ cấu tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số bảo đảm đúng tiêu chí theo quy định.

Các hoạt động nêu trên đã tạo ra một số chuyển biến trong thực tế, góp phần cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương các cấp.

Khối lượng công việc cần thực hiện liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là rất lớn, đòi hỏi sự tập trung và quyết tâm cao. Tuy nhiên, cần nghiêm túc đánh giá, nỗ lực khắc phục hạn chế trong chậm hoàn thành các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang bộ và tiêu chí thành lập phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND; văn bản hướng dẫn công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND, UBND cấp xã được Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội quy định. Bởi, theo Nghị quyết của Quốc hội, các văn bản này phải hoàn thành trước tháng 7.2018, song sau hai năm, Chính phủ mới hoàn thành việc ban hành văn bản theo yêu cầu.

Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn của UBND và chính quyền địa phương. Một số địa phương tiến hành thí điểm sắp xếp, sáp nhập các sở, ngành, phòng, ban theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng vì chưa có nghị định của Chính phủ nên việc sắp xếp bị động. Các bộ cũng lúng túng trong ban hành văn bản hướng dẫn cho công tác tổ chức thực hiện và quản lý điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước cũng như chính quyền địa phương.

Tuy nhiều văn bản liên quan chậm được hoàn thành theo yêu cầu từ nghị quyết của Quốc hội, song công tác rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức được Chính phủ, Bộ Nội vụ chú trọng thực hiện, qua đó đạt được một số kết quả tích cực. Cùng với việc trình ra Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Chính phủ đã ban hành mới, sửa đổi, bổ sung nhiều nghị định về vị trí việc làm, tinh giản biên chế, quản lý cán bộ, công chức.

Bộ Nội vụ cũng đã ban hành một số thông tư về quản lý cán bộ, công chức cấp xã, đang hoàn thiện 3 nghị định quy định chi tiết, một đề án liên quan đến việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về công tác này... Tuy vậy, Bộ Nội vụ cần nỗ lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự thảo một số nghị định hướng dẫn thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, vì hiện Chính phủ chưa xem xét các nghị định này.

P. Thủy ghi