Tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử

Cuộc “sát hạch” với người ứng cử

- Thứ Bảy, 17/04/2021, 06:36 - Chia sẻ
Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, danh sách chính thức người ứng cử sẽ được công bố và các ứng cử viên sẽ bắt đầu hoạt động tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Giai đoạn vận động bầu cử có ý nghĩa hết sức quan trọng để người ứng cử giới thiệu, chứng tỏ được với cử tri về năng lực, phẩm chất và khả năng đóng góp của mình nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm người đại diện. Nói cách khác, có thể xem đây là cuộc “sát hạch” trực tiếp, trực diện của cử tri đối với người ứng cử.

Nên có “khung” số lượng cuộc tiếp xúc cử tri

Theo Điều 64, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND: “Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ”. Như vậy, những người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ có 20 ngày để tiến hành vận động bầu cử.

Điều 65 và Điều 66, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, quy định 2 hình thức vận động bầu cử cho người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Một là, gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại các cuộc tiếp xúc ở địa phương nơi mình ứng cử. Hai là, vận động thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Trong cả hai hình thức, người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND đều phải báo cáo với cử tri chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu. Riêng vận động theo hình thức tiếp xúc cử tri thì có công đoạn khá quan trọng là cử tri nêu ý kiến, kiến nghị, đề đạt nguyện vọng với người ứng cử. Cử tri và người ứng cử trao đổi ý kiến có tính chất đối thoại theo nguyên tắc dân chủ, thẳng thắn, cởi mở về những vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Một vấn đề chung mà Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND chưa quy định, đó là số cuộc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử của những người ứng cử. Đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, trên thực tế ở các cuộc bầu cử trước đã diễn ra tình trạng tổng số cuộc tiếp xúc là cần thiết, hợp lý, nhưng có sự chênh lệch đáng kể giữa các tỉnh, thành phố. Một số tỉnh, thành phố, mỗi đơn vị bầu cử chỉ tổ chức khoảng 4 - 5 cuộc tiếp xúc cử tri; cá biệt có nơi chỉ tổ chức 2 - 3 cuộc. Trong khi đó ở một số tỉnh, thành phố lại tổ chức đến 15 cuộc tiếp xúc cử tri, thậm chí có nơi nhiều hơn. Điều này gây ra sự so sánh giữa những người ứng cử; đồng thời, liên quan đến vấn đề thời gian, kinh phí, sử dụng nhân lực, sử dụng các phương tiện phục vụ, và sau cùng là việc đánh giá chung có sự khác nhau đáng kể. Vì thế, trong vận động bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 có lẽ nên có sự thống nhất, hướng dẫn có tính chất “khung” cho phù hợp với đặc thù về phạm vi địa lý (xa, gần, lớn, nhỏ), số lượng cử tri của đơn vị (nhiều, ít). Theo tổng kết ở một vài cuộc bầu cử trước, ví dụ, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII năm 2011, tại 183 đơn vị bầu cử đã diễn ra 2.192 cuộc tiếp xúc, bình quân trên 11 cuộc ở mỗi đơn vị bầu cử, thì “khung” này khoảng 10 cuộc là phù hợp.

Thẳng thắn, chân thành và cầu thị

Đối với các ứng cử viên, từ thực tiễn các cuộc bầu cử trước đây cho thấy, trong quá trình tiếp xúc cử tri vận động bầu cử cần lưu ý một số vấn đề:

Trước hết, về tư thế, phong cách xuất hiện trước cử tri, cần luôn nhớ rằng, mục đích, yêu cầu của tiếp xúc cử tri là nhằm tạo điều kiện để cử tri hiểu rõ hơn về người ứng cử để từ đó cân nhắc, lựa chọn bầu ai nên người ứng cử phải thể hiện mình là người thực sự chân thành, luôn cầu thị, sẵn sàng trao đổi ý kiến, học hỏi nơi cử tri và nhân dân. Người ứng cử phải thể hiện ngay tiêu chuẩn đầu tiên của đại biểu dân cử là trung thành, trung thực và chân thực. Phải nghe cho hết, suy nghĩ cho chín, kỹ càng, trao đổi một cách khách quan, đúng mức và có trách nhiệm về những vấn đề được cử tri nêu tại cuộc tiếp xúc. Điều này cũng là một khía cạnh thể hiện trình độ, năng lực, trí tuệ và phương pháp làm việc của người ứng cử. Người ứng cử phải hiểu thật kỹ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan trong bộ máy nhà nước, hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử trước khi vận động bầu cử.

Trong quá trình vận động bầu cử, nhất là với những người ứng cử lần đầu khó tránh khỏi lo lắng, lúng túng. Để khắc phục tình trạng này, người ứng cử cần chọn lọc một số vấn đề thiết thực, sắp xếp theo trình tự hợp lý, vấn đề trước làm nền cho vấn đề sau, cố gắng trình bày rõ ràng, khúc chiết bằng ngôn từ thông dụng, dễ hiểu. Có thể có những ví dụ minh họa làm sáng rõ vấn đề. Đồng thời, cần lắng nghe và ghi chép đầy đủ ý kiến của cử tri; trao đổi thẳng thắn, cởi mở, chân thành, cầu thị. Hạn chế những ngôn từ hoa mỹ hoặc lạm dụng những thuật ngữ khoa học, những khái niệm khó hiểu khiến cử tri thấy xa lạ.

Người ứng cử phải nắm bắt tương đối chắc chắn tình hình cơ bản về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước nói chung và của địa phương nơi mình ứng cử nói riêng để xây dựng một chương trình hành động ngắn gọn, hợp lý theo quy chuẩn, bao hàm được những nét chủ yếu tương thích, phù hợp với địa bàn nơi ứng cử, chỉ nên hứa những gì thiết thực, có đủ điều kiện thực thi đem lại hiệu quả; hứa một, khả năng làm được hai càng tốt; không nên hứa những việc “xa tầm với”, thiếu khả năng thực hiện.

Tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử cũng là một cuộc “sát hạch” để cử tri đánh giá người ứng cử có đạt được tiêu chuẩn thứ tư “liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm” của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND hay không. Do đó, người ứng cử phải tham gia đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri, không thể viện dẫn lý do để vắng mặt trong bất kỳ cuộc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử nào.  

Kinh nghiệm từ các cuộc bầu cử trước đây cho thấy, một số người ứng cử có biểu hiện vô tình lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử. Cần hết sức lưu ý vấn đề này vì đây là quy định cấm theo Khoản 2, Điều 68, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Cùng với đó, người ứng cử phải thực hiện nghiêm túc Khoản 4, Điều 68, Luật Bầu cử, nghiêm cấm “sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri”...

Với nỗ lực phấn đấu vươn đến tầm cao các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp đã được đưa ra trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các chỉ thị, văn bản hướng dẫn của Trung ương, Hội đồng Bầu cử quốc gia, tin rằng, mỗi người ứng cử đại biểu dân cử của cuộc bầu cử lần này sẽ luôn nghiêm túc hoàn thiện mình, nhận được sự tín nhiệm cao của cử tri để trở thành đại biểu của dân tại Quốc hội và HĐND các cấp.

Bùi Ngọc Thanh