Cuộc đua thực sự

- Thứ Sáu, 27/08/2021, 06:12 - Chia sẻ
Cuộc chạy đua để lựa chọn người kế nhiệm Thủ tướng Đức Angela Merkel được coi là hồi hộp nhất kể từ khi bà lên nắm quyền cách đây 16 năm, báo hiệu một kỷ nguyên chính trị mới đầy biến động tiềm tàng trong nền kinh tế hàng đầu châu Âu.

Xỏ đôi giày rộng

Theo AFP, còn một tháng nữa là đến cuộc bỏ phiếu ngày 26.9, liên đảng gồm Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) bảo thủ của bà Merkel và các đối tác chính trị nhỏ hơn hiện tại của họ trong Chính phủ, đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đang chạy đua với nhau, trong khi đảng Xanh bám sát ngay đằng sau. 

Điều đó đặt ra câu hỏi về việc ai sẽ là người điều hành quốc gia đông dân nhất EU sau khi bà Merkel được nhiều người tín nhiệm từ giã chính trường. Với sự thất bại ở Afghanistan gây ra cuộc khủng hoảng niềm tin ở phương Tây và tình trạng khẩn cấp về khí hậu đòi hỏi hành động khẩn cấp, Đức có thể bị mắc kẹt trong thời gian tới với cuộc đấu tranh lộn xộn để thành lập Chính phủ liên minh dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng mới.

Theo bà Ursula Muench, Giám đốc Học viện Giáo dục Chính trị, gần Munich, “mãi cho tới bây giờ nhiều người mới biết rằng bà Merkel sẽ rời sân khấu” và “tất nhiên các ứng cử viên đang được đánh giá so với bà ấy, họ sẽ phải cố gắng xỏ vừa đôi giày rộng”.

"Thủy triều" đã thay đổi

Hiện nay, ứng cử viên hàng đầu kế nhiệm bà Merkel trong hầu hết các cuộc thăm dò vẫn là ông Armin Laschet, Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia, bang đông dân nhất của Đức, và là người đứng đầu đảng CDU của bà Merkel.

Cuối tuần trước, nữ lãnh đạo kỳ cựu này đã dùng uy tín của mình tiếp thêm sức mạnh cho ông Laschet tại một sự kiện vận động chung ở Berlin. Lúc đó, bà gọi ông là “người xây cầu”, đồng thời nói rằng bà “bị thuyết phục sâu sắc” về khả năng của ông. Tuy nhiên, không phải cử tri nào cũng chia sẻ sự tin tưởng đó của bà Merkel.

Sau khi ông Laschet nổi lên trong khối bảo thủ với tư cách là ứng cử viên vào tháng 4, nhiều người Đức đã phản ứng một cách hoài nghi trước những gì họ coi là chiến lược không nhất quán của ông để đối đầu với đại dịch Covid-19.

Rồi ông còn gặp một cú phốt khác khi bị bắt gặp cười trên máy quay trong khi Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier bày tỏ thương cảm với các nạn nhân trong trận lũ lụt chết người hồi tháng 7, làm ngập toàn bộ các thị trấn và làng mạc ở miền Tây và miền Nam nước Đức. Hành động bất cẩn đó càng làm tăng thêm những nghi ngờ của cử tri về khả năng ứng xử của ông.

Tuần báo Der Spiegel cho biết: “Thủy triều đang chống lại Laschet và đảng của ông… Điều đó có thể thay đổi nhưng rõ ràng là với ông ấy, nó sẽ trở nên khó khăn hơn theo ngày”.

Trong khi đó, đảng Dân chủ Xã hội (SPD), bị suy yếu trong nhiều năm do đấu đá nội bộ, đã có sự trỗi dậy đáng kể, phần lớn là do các đối thủ cạnh tranh của họ thể hiện lung lay. Ứng cử viên trung dung của đảng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz, nổi lên như một chú ngựa ô của chiến dịch bằng cách duy trì tránh xa xung đột và tránh những sai lầm đáng tiếc. “Ông Scholz đã xuất hiện như một chính khách”, tờ nhật báo cánh hữu truyền thống bán chạy nhất Bild viết. “Ông ấy không phải giống như ông Laschet, vốn luôn được coi là người kế nhiệm tự nhiên của thời đại Merkel. Ông ấy không hề phạm bất kỳ sai lầm nào”.

Nguồn: Politico

Chặng nước rút gay cấn

Theo nhiều nhà phân tích, ông Laschet mắc lỗi chiến thuật khi chuyển phần lớn hỏa lực sang ứng cử viên chưa được thử thách nhiều của đảng Xanh, bà Annalena Baerbock, thay vì ông Scholz. Những ủng hộ mạnh mẽ ban đầu đối với bà phần lớn đã tan thành mây khói sau những cáo buộc đạo văn và khai lý lịch chưa chính xác…

Ông Muench, một nhà khoa học chính trị, nhận định, đảng Xanh đã tính toán sai khi chọn bà Baerbock, một nghị sĩ chưa bao giờ lãnh đạo một bang hay một bộ. Sự thiếu kinh nghiệm chính trường khiến sự tự tin của bà đang bị lung lay, đến nỗi nhiều người không rõ là bà có còn cơ hội để tranh cử hay không.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, cả liên đảng trung hữu CDU-CSU và đảng SPD chiếm khoảng 23%, còn đảng Xanh là khoảng 17%. So với cuộc bầu cử năm 2017, kết quả trên đánh dấu sự trượt dài 10 điểm đối với phe bảo thủ, những người chưa bao giờ đạt điểm dưới 30% trong bất kỳ cuộc bầu cử nào thời hậu chiến. Trong khi đó, SPD tăng nhẹ, còn số phiếu bầu cho đảng Xanh tăng gấp đôi. Ngoài ra, đảng thân doanh nghiệp Dân chủ Tự do, chiếm khoảng 13% và đảng cực hữu Lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) nhận được khoảng 12% ủng hộ.

Tuy nhiên, theo diễn biến mới nhất vào hôm thứ Ba vừa qua, cuộc chạy đua để kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel đã có nút thắt đáng kể khi SPD vươn lên dẫn đầu trong cuộc thăm dò dư luận do Viện Forsa tiến hành với 23% ủng hộ. Tiếp đến mới là CDU với 22% và đảng Xanh có 18%. Điều đó có thể đưa cho ông Olaf Scholz, ứng cử viên SPD, cơ hội chiến thắng và giành quyền kiểm soát ghế Thủ tướng trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng tới.

Tờ Bild bình luận, sau thế hệ của bà Merkel vươn lên dẫn đầu tại các cuộc thăm dò, “cuối cùng, Đức có thể mong đợi một cuộc đua thực sự cho chức Thủ tướng”.

Ngọc Minh