Cuộc chiến không kém phần gay cấn

- Thứ Sáu, 06/11/2020, 06:58 - Chia sẻ
Trong khi thế giới đổ dồn sự chú ý vào cuộc đua vào Nhà Trắng thì một cuộc chiến khác cũng quan trọng không kém, đó là cuộc bầu cử Thượng viện Mỹ, nơi đóng vai trò lớn trong việc quyết định quyền lực ở Washington.

Lịch sử bầu cử Thượng viện Mỹ

Để hiểu được tầm quan trọng của Thượng viện phải xem xét đến lịch sử và vai trò của cơ quan này trong hệ thống chính trị Mỹ. Quốc hội Mỹ bao gồm hai viện: Hạ viện gồm 435 thành viên và Thượng viện gồm 100 thành viên. Trong khi thành viên của Hạ viện được bầu với nhiệm kỳ 2 năm, thì thành viên của Thượng viện được bầu với nhiệm kỳ 6 năm. Các cuộc bầu cử vào Thượng viện được diễn ra so le, trong đó 1/3 ghế Thượng viện được bầu 2 năm một lần, không có giới hạn về số lần được bầu lại.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Theo senate.gov, kể từ năm 1913, các cử tri đã bầu chọn thượng nghị sĩ bằng bỏ phiếu kín. Tuy nhiên, những người xây dựng Hiến pháp không có ý định bầu chọn thượng nghị sĩ theo cách này và đưa vào Điều I, phần 3 Hiến pháp rằng, “Thượng viện Mỹ bao gồm hai thượng nghị sĩ từ mỗi tiểu bang, do cơ quan lập pháp của bang lựa chọn trong 6 năm; và mỗi thượng nghị sĩ sẽ có một phiếu bầu”. Các nhà soạn thảo Hiến pháp tin rằng, thông qua việc bầu chọn thượng nghị sĩ, các cơ quan lập pháp tiểu bang sẽ củng cố mối quan hệ của họ với chính phủ quốc gia. Họ cũng kỳ vọng, các thượng nghị sĩ được bầu bởi các cơ quan lập pháp bang sẽ có thể tập trung vào công việc mà không bị áp lực từ dân chúng.

Quá trình này dường như hoạt động tốt cho đến giữa những năm 1850. Vào thời điểm đó, tình trạng thù địch ngày càng gia tăng ở nhiều bang khác nhau khiến nhiều ghế Thượng viện bị bỏ trống. Sau cuộc Nội chiến của Mỹ, các vấn đề liên quan đến bầu cử thượng nghị sĩ ở các cơ quan lập pháp bang tăng lên gấp bội. Cuối những năm 1860, cuộc bầu cử của Thượng nghị sĩ John Stockton thuộc bang New Jersey đã gây ra tranh cãi vì ông được bầu bởi đa số phiếu của cử tri chứ không phải đa số trong cơ quan lập pháp của bang. Stockton biện hộ rằng, không phải tất cả các bang đều bầu thượng nghị sĩ của mình theo cách giống nhau và trình bày một báo cáo minh họa sự mâu thuẫn trong các cuộc bầu cử thượng nghị sĩ của bang. Để đáp lại, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật vào năm 1866, quy định cách thức và thời gian các thượng nghị sĩ được bầu tại mỗi bang. Đây là thay đổi đầu tiên trong quy trình bầu cử Thượng viện. Đạo luật đã giúp nhưng không hoàn toàn giải quyết được vấn đề, và những bế tắc tại nhiều cơ quan lập pháp tiếp tục gây ra những chiếc ghế trống ở Thượng viện.

Động lực cải cách Thượng viện bắt đầu từ năm 1826, khi cuộc bầu cử trực tiếp các thượng nghị sĩ lần đầu tiên được đề xuất. Sau khi chuyển giao thế kỷ, động lực cải cách tiếp tục phát triển nhanh chóng. Càng ngày, các thượng nghị sĩ được bầu dựa trên những cuộc trưng cầu dân ý của bang. Năm 1913, Tu chánh án thứ 17 có hiệu lực và một năm sau, lần đầu tiên tất cả các cuộc bầu cử Thượng viện được tổ chức bằng phương thức phổ thông đầu phiếu. Tu chánh án thứ 17 trình bày lại đoạn đầu tiên của Điều I, phần 3 của Hiến pháp về quy định việc bầu cử các thượng nghị sĩ bằng cách thay thế cụm từ “do cơ quan lập pháp bang bầu ra” bằng “do người dân ở bang đó bầu ra”. Ngoài ra, nó cho phép thống đốc hoặc cơ quan hành pháp của mỗi bang, nếu được cơ quan lập pháp của bang đó ủy quyền, bổ nhiệm một thượng nghị sĩ trong trường hợp khuyết, cho đến khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử.

Quyền lực của Thượng viện rất quan trọng trong Quốc hội và hệ thống chính trị Mỹ. Ngoài việc các luật không thể được thông qua nếu không có cái gật đầu của Thượng viện thì cơ quan này còn có quyền duy nhất tiến hành các phiên luận tội. Kể từ năm 1789, Thượng viện đã xét xử 19 quan chức liên bang, trong đó có hai tổng thống. Ngoài ra, Hiến pháp quy định, tổng thống “sẽ đề cử, với sự tư vấn và đồng ý của Thượng viện, để bổ nhiệm các Đại sứ, các Bộ trưởng và Lãnh sự công khác, Thẩm phán của Tòa án Tối cao, và tất cả các quan chức khác của Mỹ... (Điều 2 , Mục 2)”. Thực tế, Thượng viện luôn bảo vệ quyền lực của mình trong việc xem xét và phê chuẩn hoặc từ chối những người được tổng thống bổ nhiệm vào các chức vụ thuộc nhánh hành pháp và tư pháp.

Bên cạnh đó, Hiến pháp còn trao cho Thượng viện quyền thông qua các hiệp ước do nhánh hành pháp thực hiện với tỷ lệ 2/3 phiếu. Thượng viện cũng có quyền sửa đổi hiệp ước hoặc thông qua những thay đổi đối với hiệp ước. Đặc biệt, Thượng viện Mỹ có lịch sử lâu dài trong việc sử dụng filibuster, thuật ngữ có từ những năm 1850,  để trì hoãn các cuộc tranh luận hoặc ngăn chặn luật pháp. Cuộc tranh luận không giới hạn vẫn diễn ra tại Thượng viện cho đến năm 1917, khi Thượng viện thông qua Quy tắc 22 cho phép cơ quan này kết thúc cuộc tranh luận với đa số phiếu 2/3 - một chiến thuật được gọi là “cloture” (đóng cửa). Năm 1975, Thượng viện đã giảm số phiếu cần thiết để áp dụng chiến thuật cloture từ 2/3 xuống còn 3/4 trong số 100 thành viên của Thượng viện…

Cuộc chiến giành Thượng viện năm 2020

Trong mùa bầu cử 2020, 35 trong tổng số 100 ghế của Thượng viện được bầu lại.

Đảng Dân chủ đang phải đối mặt thách thức khó khăn để giành lại quyền kiểm soát Thượng viện, phá vỡ thế đa số 53-47 của đảng Cộng hòa. Để giành đa số tại Thượng viện, phe Dân chủ chỉ cần chiếm được 3 ghế của phe Cộng hòa nếu ông Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Thực tế, số ghế bổ sung mà đảng Dân chủ cần giành được để có đa số phụ thuộc vào việc ai sẽ thắng trong Nhà Trắng, vì bất kỳ tỷ lệ 50 - 50 nào ở Thượng viện đều bị phá vỡ bởi Phó Tổng thống đương nhiệm. Theo Hiến pháp Mỹ, Phó Tổng thống cũng chính là Chủ tịch Thượng viện.

Hiện nay, lưỡng đảng đang có sự bám đuổi sít sao, tính đến chiều tối ngày 5.11 (giờ Việt Nam), số ghế của hai bên là ngang bằng, 48 ghế. Tính đến thời điểm này, cánh cửa Nhà Trắng đang hé mở với ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden, nhưng ngay cả khi đắc cử ông cũng khó lòng thông qua các luật tâm huyết về những vấn đề quan trọng như chăm sóc sức khỏe, nhập cư, cải cách hệ thống luật pháp hình sự hay biến đổi khí hậu, trừ khi đảng Dân chủ đồng thời chiếm được Thượng viện (hiện "đảng con lừa" đang dẫn trước tại Hạ viện).

Trong mùa bầu cử này, tổng số 14 ghế được coi là đang tranh chấp giữa hai đảng tại Thượng viện. Các chiến lược gia nhận định, các ghế mà đảng Cộng hòa đang nắm tại Maine, Iowa, Bắc Carolina, và Georgia có thể sẽ xác định việc kiểm soát Thượng viện sẽ rơi vào tay bên nào. Cuộc chiến giành hai ghế tại Thượng viện ở Georgia diễn ra trong tuần này và có thể kết thúc với việc không có ứng cử viên nào giành hơn 50% phiếu cần thiết. Điều đó sẽ dẫn tới việc bầu lại và khiến quyền kiểm soát Thượng viện chưa được phân định cho tới ngày 5.1.2021. Nếu Thượng viện ở thế cân bằng sau ngày bầu cử, Georgia sẽ trở thành bang quyết định. Hiện việc kiểm phiếu ở đây vẫn đang diễn ra và nhiều chuyên gia nhận định quá trình trên sẽ mất nhiều ngày tới.

Thái Anh